Cả năm chăm con ở hành lang
Hành lang ở Khoa Hô hấp của Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 mấy tuần trở lại đây chỉ toàn võng, giường xếp giăng ngang. Mùa trẻ em bị bệnh hô hấp đến khiến nơi đây vốn chỉ có sức chứa 120 giường nhưng phải tiếp nhận số bệnh nhi điều trị nội trú lên đến hơn 400.
Vậy là 3-4 trẻ phải chung một giường. Khoa Hô hấp vốn ngột ngạt nay càng ngộp thở hơn. Không chịu đựng được cảnh chen chúc, một tuần nay, chị Nguyễn Hoài Phương ở Thủ Dầu Một, Bình Dương phải đưa con là Phạm Văn Hải, 9 tháng tuổi bị viêm đường hô hấp ra nằm hẳn ở hành lang.
“Chiếm” được một chỗ ở hành lang cũng không phải dễ dàng, bởi nơi đây lúc nào cũng thường trực vài ba chục phụ huynh và con trẻ nằm. “Dù có hơi chật một chút nhưng vẫn còn không khí để thở, còn hơn phải chen nhau 3-4 trẻ trên một giường”- chị Phương tự an ủi.
Người mẹ trải chiếc chiếu mành, tay vừa quạt cho con ngủ, mắt vừa thiu thiu. “Cả tuần nay em chẳng ngủ được vì cháu quấy quá”- chị nói.
Chị Hoài Anh ở Long An chẳng lấy gì làm sung sướng, bởi con mình bị nhét với 3 cháu khác trên một giường.
“Dỗ mãi cháu mới thiu thiu ngủ thì nhóc bên cạnh lại khóc ré lên, vì điều dưỡng đến lấy máu. Thế là cháu lại thức luôn. Con thức thì mình cũng không thể chợp mắt được”- chị Anh kể.
Mỗi lần như vậy, vợ chồng chị Anh lại bế con ra khoảng sân có tán cây cổ thụ ở khoa để ngồi. Quá tải, ngột ngạt và thương con, hàng trăm phụ huynh tìm đủ mọi cách để tránh ngột ngạt nhất có thể.
Khi nhập viện vào Khoa Hô hấp, tên cháu Nguyễn Thị Diễm Hương, 1 tuổi, con của anh Hưng ở Gò Vấp được ghi trong hồ sơ, số phòng và giường nằm.
Nhưng khi đưa cháu từ dưới Khoa Cấp cứu lên, anh Hưng vào nhận giường thì đã có 3 trẻ nằm rồi. Anh Hưng đành thuê giường xếp đưa con ra gốc me ở Khoa Tiêu hóa cạnh đó để nằm.
Len được vào Khoa Nội 3 của BV Ung bướu TPHCM quả không dễ chút nào. Đây là nơi có khoảng 100 bệnh nhi mắc ung thư các loại đang được điều trị nhưng khoa chỉ chưa tới 50 giường nên hành lang của khoa đầy bệnh nhi nằm điều trị và thân nhân nằm, ngồi la liệt.
Một năm nay, chị Nguyễn Bích Trâm, 43 tuổi ở Củ Chi, TPHCM đã quen sống cảnh lấy “hành lang làm giường bệnh” cho cô con gái Nguyễn Ngọc Thủy Nhi, 4 tuổi bị bệnh ung thư máu của mình.
“Bây giờ sức khỏe cháu có đỡ hơn chút ít nên không còn quấy khóc như trước nữa. Hồi mới vào, chen nhau 3-4 cháu trên một giường, nó không chịu được cứ khóc suốt ngày đêm”- chị Trâm kể.
Không chịu nổi cảnh ngột ngạt, tù túng từ phòng bệnh chỉ khoảng 20m2 nhưng có đến 7-8 giường kê san sát, 2-3 trẻ nằm chung một giường, chị Trâm đành bế con ra “xí” một chỗ ở hành lang.
Thế là mỗi lần truyền dịch, vô thuốc, các y tá đều đến “giường bệnh” tại hành lang để chích cho bé. Gần một năm nay, trừ những lúc bệnh trở nặng, còn lại chị Trâm đều phải chăm sóc con ở hành lang như vậy.
Quá ngán cảnh chen chúc cùng con ở Khoa Nội 3 BV Ung Bướu gần 15 tháng nay, nên mỗi lần có người đến chăm thay, anh Bùi Văn Thái, 43 tuổi ở huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đều dành chút thời gian hiếm hoi xuống ghế đá ở khuôn viên bệnh viện để chợp mắt.
Con anh, cháu Bùi Thị Hòa, 13 tuổi mắc bướu thần kinh nên hơn năm nay phải sống luôn ở bệnh viện này.
“Những lúc con mệt như sau khi bị vô thuốc, xạ trị thì mấy thân nhân có con khỏe nhường giường cho bé nằm. Cứ thế, chúng tôi thay nhau để cho con cái nằm cho thoải mái một lúc khi mệt hoặc hóa trị”- anh Thái kể.
Một người ra, ba người vào
Nằm ngồi ngổn ngang ở hành lang khoa Hô hấp BV Nhi đồng 2 và bên trong phòng bệnh vì quá tải. Ảnh: L.N. |
Khoa Hô hấp của BV Nhi đồng 1 mấy năm nay chỉ đủ sức chứa 100 giường nhưng trong tuần qua, lúc nào cũng thường trực hơn 400 trẻ điều trị nội trú.
Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, bác sĩ Lê Bích Liên cho rằng, dù đã “gửi gắm” một số bệnh nhi sang các khoa khác ít quá tải hơn nhưng tình hình vẫn không cải thiện là bao. “Bên này có giảm đi chút ít thì bên kia lại quá tải”- người này nói.
Thông thường những tháng trước ở bệnh viện này mỗi ngày có khoảng 5.000 trẻ đến thăm khám nhưng trong tuần trở lại đây đã nhảy lên 7.000 trẻ. 2.000 trẻ trong số này buộc phải cho nhập viện trong khi bệnh viện chỉ có 1.200 giường. Vậy là quá tải trầm trọng hơn.
“Tìm mọi cách để giảm tải như tổ chức khám bệnh đến 22 giờ, khám bệnh theo hẹn, qua điện thoại hay mở thêm phòng khám, huy động cả Ban Giám đốc và các trưởng khoa ra ngồi khám bệnh nhưng chẳng giải quyết được quá tải”- bác sĩ Bích Liên nói.
Với những bệnh nhi bệnh không quá nặng, Bệnh viện Nhi đồng 1 liên hệ về bệnh viện tuyến dưới để gửi bệnh nhi về điều trị, song chẳng mấy phụ huynh nào đồng ý và chấp nhận.
Trong khi bệnh viện vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu do bệnh nhi quá đông thì phụ huynh phải tự lực cánh sinh, mua chiếu, thuê giường, võng “xí phần” ở hành lang cho con nằm. Y tá, bác sĩ vì vậy cũng quen với việc khám, chích ở hành lang luôn.
Một tuần nay, Khoa Răng Hàm Mặt ở Bệnh viện Nhi đồng 2 đã chia sẻ một lượng bệnh nhi ở Khoa Hô hấp sang nhưng cũng không thể giảm tải đột biến được.
Trong khi đó, ở Khoa Hô hấp dịch vụ, lâu nay vốn thu tiền và dành cho một bệnh nhi nằm một giường, nay 2-3 trẻ cùng một giường.
“Nói chung, bệnh viện đã làm hết cách, các khoa phòng đã vận hành hết công suất nhưng dịch bệnh tăng đột biến quá, không giải quyết nổi”- bác sĩ Trịnh Hữu Tùng- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Nhi đồng 2 chia sẻ.
Trong tháng 8, có 61.000 bệnh nhi mắc hô hấp vào viện, tháng 9 tăng lên 64.000 và 20 ngày đầu tháng 10 này. BV đã tiếp nhận 40.000 trẻ.
Quá tải đã đành, số bệnh nhi mắc bệnh nặng cũng tăng lên khiến 50 máy trợ thở cũng gồng mình làm việc không ngơi nghỉ. Do không đủ máy trợ thở, trong tuần rồi vợ chồng anh Hoài Văn ở Thủ Đức đã phải thay nhau bóp bong bóng giúp cho con thở.
Ở BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM, bên ngoài hành lang vốn đã chật hẹp, bệnh nhân phải nằm nép mình để trị bệnh. Nếu như không nhìn thấy chiếc nạng gỗ và bộ áo quần bệnh nhân màu xanh, ít ai biết được đó là khu dành cho người bệnh.
Ông Hồ Văn Hậu ở Long An cho biết, sau khi mổ xương đùi xong, tưởng có giường để nằm nhưng phòng đã kín người, ông đành ra nằm ở hành lang.
“Cứ mong có cái giường để nằm duỗi thẳng cái chân mới mổ, nhưng khó quá. Bác sĩ bảo ưu tiên cho bệnh nặng hơn”- ông Hậu ngậm ngùi.
Nơi đây chỉ có 500 giường, nhưng số bệnh nhân nằm viện luôn gần gấp đôi. Để giảm tải, bệnh viện tận dụng cả hội trường cho bệnh nhân nằm.
Mới đây mở thêm khoa vệ tinh hơn 60 giường ở bên BV An Bình để đưa bệnh nhân mổ xong không có chỗ nằm qua điều trị. Nhưng cũng không giải quyết được nhiều, bởi cứ một người ra viện thì có 2-3 người lại nhập vào.
Đã thành bệnh “nan y”
Khi một đoàn cán bộ ở Bộ Y tế vào thăm BV Ung bướu TPHCM, nhiều bệnh nhân lọ mọ ở dưới gầm giường đứng lên hỏi thăm. Ước mong được nằm đàng hoàng trên giường để trị bệnh thật nhỏ nhoi nhưng bao nhiêu năm nay vẫn chưa thành hiện thực.
Nơi đây có hơn 630 giường, nhưng lúc nào cũng có đến 1.800 bệnh nhân nằm điều trị nội trú. Không chỉ trẻ em, ở các Khoa Ung thư dành cho người lớn cũng ken cứng người.
“Bệnh viện đã khám thông tầm, khám từ lúc 6 giờ sáng. Thứ 7, chủ nhật khám dịch vụ nhưng chưa giảm được. Cơ sở hai và Khoa Ung bướu vệ tinh ở BV quận 2 vẫn đang khởi động”- bác sĩ Phạm Xuân Dũng- Phó Giám đốc BV Ung bướu, nói.
Mổ xẻ tìm nguyên nhân quá tải, ai cũng biết do người bệnh không tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ tuyến dưới, nên sẵn sàng vượt tuyến lên tuyến trên. Tại BV Nhi đồng 1 có 81% bệnh nhân ở tuyến dưới tự đến thẳng bệnh viện. Họ có bảo hiểm y tế tuyến dưới nhưng vẫn cố vượt và tự chịu chi trả.
“Cứ mong có cái giường để nằm duỗi thẳng chân mới mổ, nhưng khó quá. Bác sĩ bảo ưu tiên cho bệnh nặng hơn”- ông Hậu ngậm ngùi. |