Sinh cảnh một nơi gần VQG Cát Tiên từng được cho là nằm trên tuyến đường kiếm ăn của tê giác, voi, và nhiều loài thú quý hiếm khác. Ảnh: QD . |
Không nhạc trưởng
Dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A (ĐN 6&6A) là sự tiếp nối một chuỗi các bậc thang khai thác sông Đồng Nai theo kiểu chia cắt, biến hệ thống sông thành các chuỗi hồ chứa.
Ước tính có ít nhất chín hồ chứa thủy điện trên dòng chính nếu hai thủy điện ĐN 6&6A được duyệt. Vấn đề là ai sẽ điều hành việc đóng mở nhịp nhàng chuỗi đập trên các hồ chứa vốn không thuộc cùng một ông chủ này?
Theo báo cáo ĐTM của Viện Môi trường&Tài nguyên, đơn vị được chủ đầu tư thuê làm ĐTM: “Thủy điện Đồng Nai 6A là một dự án trong bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai, vận hành phụ thuộc chế độ vận hành của các dự án phía thượng lưu. Do đó mùa dòng chảy tại tuyến công trình thủy điện Đồng Nai 6A cũng sẽ được tính toán theo trạm thủy văn Tà Lài như hầu hết các dự án thủy điện khác trong bậc thang thủy điện trên sông Đồng Nai”.
Thực chất của các tiên lượng kia là gì? Theo TS Đào Trọng Tứ, có hai vấn đề tạo nên sự nghi ngại về tính toán thủy văn.
Thứ nhất, chuỗi số liệu lịch sử của Trạm Tà Lài không thể đại diện để sử dụng tính toán thủy văn cho dự án thủy điện dự kiến.
Thứ hai, việc tính toán điều tiết, xả nước chưa xem xét đến sự vận hành liên hồ trong tương lai, chưa thực hiện bài toán tổ hợp các trường hợp vận hành khác nhau của chuỗi hồ chứa trong hệ thống cũng như các tác động domino khi có sự cố hư hỏng, động đất, vỡ đập do lũ vượt tần suất thiết kế.
Ngạc nhiên nữa là nhóm làm ĐTM dường như không quan tâm gì đến tác động bên ngoài vùng dự án.
Theo các nhà khoa học ở Nhóm Yêu quý&Bảo vệ Cát Tiên, báo cáo ĐTM mới chỉ thể hiện phần đánh giá ảnh hưởng môi trường nội vùng trong khu vực dự án của toàn bộ quá trình khai hoang, xây dựng, và vận hành công trình mà chưa có thông tin nào đánh giá ảnh hưởng ngoại vùng, đặc biệt là vùng hạ lưu, nơi môi trường và hệ sinh thái bị ảnh hưởng do việc can thiệp điều tiết chế độ dòng chảy theo cơ chế phát điện của thủy điện.
Theo TS Đào Trọng Tứ, sự phối hợp vận hành chuỗi các hồ chứa ở VN chưa bao giờ suôn sẻ.
“Đến giờ này, chưa có một mô hình vận hành liên hồ hợp lý nào ở VN. Với mật độ dày đặc các hồ chứa nước như hiện nay, việc điều phối vận hành liên hồ sẽ nên theo sơ đồ nào đây?”, TS Tứ hoài nghi.
Người nghèo ra rìa
Ngày 2-10, Cục Thẩm định&ĐTM bố cáo “Chủ đầu tư đã có những nỗ lực nhất định trong quá trình thực hiện ĐTM liên quan đến các vấn đề về môi trường, văn hóa, xã hội đã và đang được các nhà khoa học và dư luận quan tâm, lo lắng, thể hiện trách nhiệm trước cộng đồng và xã hội”. Sự thật thế nào?
Mười bảy nhà khoa học được Viện Môi trường&Tài nguyên, đơn vị tư vấn do chủ đầu tư thuê, mời tham gia đoàn tư vấn đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Trong danh sách 17 thành viên này, ThS Lâm Thị Thu Sửu - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) - Điều phối viên VRN, không thấy chuyên gia nào có chuyên môn về khoa học xã hội.
Kết quả là một loạt vấn đề văn hóa xã hội đã không được phân tích và dự báo như bao nhiêu người mất nhà ở, mất việc làm, mất nguồn dinh dưỡng, bị ảnh hưởng sức khỏe và an ninh lương thực; dự án và các chương trình tái định cư bắt buộc ảnh hưởng ra sao đến đời sống văn hóa của các cộng đồng, đến nhóm người sống dựa vào tài nguyên, những người chuyên hái lượm các loài cây, con trong rừng, làm thuốc nam, kể cả nhóm sống nhờ vào nông nghiệp ở hạ lưu sông Đồng Nai.
Đối với văn hóa bản địa của người Mạ, theo Cục Thẩm định & ĐTM, “tác động của dự án đến văn hóa của dân tộc Mạ là không đáng kể.
Nhưng các nhà khoa học lại cho rằng chính phần nghiên cứu này trong báo cáo ĐTM mới thực sự nghèo nàn so với thực tiễn nếu biết khu vực gần dự án là vùng đất của Vương quốc Phù Nam xưa và là không gian văn hóa của người Mạ cổ sống dọc sông Đồng Nai.
Bản thân vùng này, trong đó có khu vực dự án thủy điện ĐN6&6A đang trong quá trình làm hồ sơ để đệ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
“Chả nhẽ chúng ta lại làm hồ sơ đề nghị thế giới công nhận cho một vùng không còn gì nữa về khảo cổ và văn hóa bản địa?”, ThS Lâm Thị Thu Sửu đặt câu hỏi.
“Chính vì sự yếu kém này của nhóm tư vấn ĐTM mà các biện pháp nhằm ngăn ngừa giảm thiểu trong ĐTM hoàn toàn không đầy đủ và không đảm bảo công bằng xã hội. Họ đã kết luận sai lầm về tính khả thi của dự án”.
Bói động đất kiểu Sông Tranh
Phần đánh giá về động đất và động đất kích thích của hai công trình được thực hiện hệt như kiểu nghiên cứu và đánh giá động đất kích thích ở công trình thủy điện Sông Tranh 2 của tỉnh Quảng Nam.
Đấy là họ vẫn chỉ dựa trên tổng kết của thế giới về điều kiện có thể xảy ra động đất kích thích.
Vẫn biết có sự khác biệt giữa thủy điện Sông Tranh 2 với hai thủy điện ĐN 6&6A. Trong khi thủy điện Sông Tranh 2 là hồ chứa, thủy điện ĐN 6& 6A là đập dâng, chế độ xả nước theo ngày.
Do đó, có ý kiến cho rằng, có thể phương pháp đánh giá đã nêu áp dụng với thủy điện hồ chứa là sai, nhưng có thể áp dụng được cho thủy điện đập dâng.
Nhưng, theo một chuyên gia địa chất, hai đập dâng thủy điện ĐN 6&6A không tồn tại độc lập trên sông Đồng Nai.
Cả ở thượng và hạ lưu hai đập dâng thủy điện ĐN 6&6A, còn có một loạt hồ đập khác. Tải trọng đè lên các đứt gãy địa phương sẽ không chỉ là hai đập dâng thủy điện ĐN 6&6A.
Từ những gì vừa xảy ra với Sông Tranh 2, nhà khoa học cho rằng áp dụng thuần túy công thức của thế giới như kiểu làm của nhóm tư vấn ĐTM thủy điện ĐN 6&6A là mạo hiểm.
Báo cáo ĐTM làm so sánh theo kiểu Sông Tranh 2 như sau: Một mặt, nêu ra kinh nghiệm thế giới về giới hạn tối thiểu gây động đất kích thích gồm chiều cao cột nước hồ chứa tối đa trên 90 m và dung tích hồ chứa vượt quá một tỷ m3.
Sau đó, báo cáo ĐTM kết luận: “Đối chiếu những điều kiện này với thực tế thiết kế công trình cho thấy: Chiều cao cột nước thiết kế: Hmax= 47,18m nhỏ hơn chiều cao cột nước có thể dẫn đến động đất kích thích. Dung tích hồ chứa: 64,32.106 m3, nhỏ hơn dung tích có thể xảy ra động đất kích thích”.
“Điều này là không đúng. Bài học thủy điện Sông Tranh 2 cho thấy động đất kích thích phụ thuộc nhiều vào điều kiện địa chất trong vùng dự án”, TS Đào Trọng Tứ nói.
(Còn nữa)