Viện phí tăng, bệnh viện đua nhau 'hốt bạc'

Viện phí tăng, bệnh viện đua nhau 'hốt bạc'
TP - Dường như khủng hoảng kinh tế chẳng ảnh hưởng gì đến thu nhập của các bệnh viện. Lượng người vào thăm khám nườm nượp, tiền viện phí của không ít bệnh viện lên tới cả nghìn tỷ đồng, lợi nhuận thu về hàng trăm tỷ. Lạ là các bệnh viện vẫn muốn tăng viện phí.

> TPHCM, Quảng Ngãi, Đà Nẵng chưa áp khung viện phí mới năm nay

Nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh lãi hàng trăm tỷ đồng trong năm 2011. Ảnh: Lê Nguyễn
Nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh lãi hàng trăm tỷ đồng trong năm 2011. Ảnh: Lê Nguyễn.

Cho rằng thu viện phí thu không đủ chi nhưng theo báo cáo trong buổi làm việc với đoàn đại biểu quốc hội TPHCM mới đây, số tiền thu từ viện phí của Bệnh viện Chợ Rẫy trong năm 2011 là hơn 2.116 tỷ đồng, trong khi tổng chi của bệnh viện này chưa đến 1.896 tỷ đồng.

Điều này cho thấy, lợi nhuận mà bệnh viện này thu được trong năm 2011 là hơn 220 tỷ đồng. Trong sáu tháng đầu năm 2012 bệnh viện này cũng thu về gần 1.274 tỷ đồng viện phí, còn tổng chi trong 6 tháng cũng chỉ gần 931 tỷ đồng.

Như vậy lợi nhuận mà bệnh viện thu được cũng hơn 340 tỷ. Vậy mà từ ngày 10-9 vừa qua, bệnh viện này cũng đã điều chỉnh viện phí lên hàng chục lần.

Cũng giống như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất thuộc Bộ Y tế cũng vừa tăng viện phí vào tháng 9 vừa qua. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết, việc tăng để cân đối thu chi nhưng thực tế trong năm 2011 nơi đây cũng có lợi nhuận cả trăm tỷ đồng.

Đại diện bệnh viện cho rằng, viện phí phải tăng bởi giá điện, nước, giá thuốc, vật tư y tế… năm sau cứ tăng hơn năm trước trong khi viện phí thì đứng yên nhiều năm nay khiến cho việc thu của bệnh viện không đủ chi?! Hiện mỗi ngày Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận điều trị cho khoảng 1.700 bệnh nhân nội trú và khoảng 2.000 bệnh nhân ngoại trú.

Cứ dùng một phép tính đơn giản, chỉ 2.000 bệnh nhân thăm khám mỗi ngày, nơi đây cũng thu về hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể làm các khoản xét nghiệm, chiếu chụp, tiền thuốc thang…

Trong năm 2011 được biết nơi đây cũng tổng thu vào hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi đó tổng chi chưa tới 800 tỷ đồng.

Mặc dù đến năm 2013, các bệnh viện TPHCM mới bắt đầu áp dụng khung viện phí mới nhưng thực tế trong nhiều năm nay các bệnh viện vẫn sống khỏe với mức viện phí được áp dụng từ nhiều năm qua. Nhiều bệnh viện kêu ca viện phí quá bèo, thu không đủ chi trong cơ chế tự chủ tài chính như hiện nay.

Tuy nhiên, một bác sĩ tại Bệnh viện Mắt TPHCM cho biết trong năm 2011 số tiền mà bệnh viện này thu vào gần cả nghìn tỷ đồng, sau khi trừ tổng chi vẫn còn lợi nhuận khoảng 200 tỷ đồng. Chỉ riêng tại khoa bán công của bệnh viện mỗi năm cũng thu về hàng chục tỷ đồng.

Nhiều bệnh viện từng có mức thu lẹt đẹt như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Trãi… nhưng trong năm 2011 và từ đầu năm đến nay cũng có doanh thu cả 100 tỷ đồng. Tại hai Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2, mỗi ngày tiếp nhận gần 10.000 bệnh nhi, chỉ số tiền khám mà nơi này thu được cũng rất lớn.

Giá viện phí tăng, thêm gánh nặng cho người bệnh Ảnh: L.N
Giá viện phí tăng, thêm gánh nặng cho người bệnh.  Ảnh: L.N.

Giàu nhờ… lạm thu 

Chỉ tính tiền cho thuê ở bãi giữ xe, mỗi năm Bệnh viện Nhân dân 115 cũng thu về hơn 100 triệu đồng. Còn tại BV Nhi đồng 1, Chợ Rẫy…số tiền này lên cả hàng trăm triệu.

Trong khi đó, từ khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính vào năm 2007, nhiều bệnh viện ở TPHCM đều mở rộng các khoa phòng, mở rộng khám chữa bệnh dịch vụ để hốt tiền.

Nhiều phòng bệnh từng là chỗ cho 3-4 giường bệnh, nay được tân trang lại bằng cách gắn thêm chiếc máy lạnh, ti vi để đội giá lên từ 400-500 nghìn/bệnh nhân/ngày.

Khám dịch vụ cũng được mở rộng và tận dụng để thu thêm tiền của bệnh nhân. Muốn khám nhanh người bệnh phải trả 70.000-100.000 đồng/người; khám theo yêu cầu bác sĩ có khi lên tới 200.000 đồng/người. Nhiều bệnh viện mở khu khám cho người nước ngoài, người giàu… để thu tiền với giá chót vót.

Lượng bệnh nhân khám không nhiều nhưng BV Điều dưỡng và phục hồi chức năng TPHCM trong năm 2011 cũng có lợi nhuận khoảng 100 tỷ đồng. Có được khoản lãi lớn ở một bệnh viện không nhiều bệnh nhân thăm khám như Bệnh viện Điều dưỡng là do nơi đây mở rộng các dịch vụ như tập vật lý trị liệu; giường bệnh dịch vụ…

Trong khi ở khu tập vật lý trị liệu thường, người bệnh chỉ tốn 30-40 nghìn đồng/lần tập thì ở khu dịch vụ họ phải bỏ ra 70 nghìn đồng/lần tập. Giường bệnh thường ở nơi đây có giá chỉ 100-150 nghìn đồng/ngày nhưng hàng chục phòng dịch vụ được dựng lên với giá 400-500 nghìn đồng/ngày/bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Thống Nhất, người chăm nuôi bệnh nhân còn bị thu phí 20.000 đồng/người/ngày, bất kể là thân nhân người bệnh hay là người nuôi bệnh thuê.

Tại các bệnh viện như Ung bướu, Nhân dân 115, Chấn thương chỉnh hình, Từ Dũ… hàng trăm dịch vụ cũng được các bệnh viện này tận dụng tối đa. Từ giường dịch vụ, khám bệnh, xét nghiệm, chiếu chụp dịch vụ, còn có mổ dịch vụ, chọn bác sĩ mổ dịch vụ…với số tiền thu không hề nhỏ.

Trong khi đó, viện phí dù được cho đã lỗi thời và từ 15 năm nay không thay đổi nhưng các bệnh viện này vẫn được “cơ chế” thu vượt quy định từ nhiều năm. Mới đây hàng loạt bệnh viện cũng đã gửi điều chỉnh giá viện phí mới và đầu năm 2013 viện phí sẽ tiếp tục tăng lên mức 50-80% so với quy định của Bộ Y tế.

Mặc dù lời khủng và có nhiều nguồn thu, nhưng theo giám đốc của một bệnh viện lớn ở TPHCM, mức sống của nhân viên y tế vẫn chưa cao.

“Năm vừa qua bệnh viện có lợi nhuận 240 tỷ và đợt tăng viện phí tới chắc chắn sẽ còn lãi hơn. Nhưng thực tế thu vẫn không bù đủ chi vì bệnh viện vẫn còn nhiều việc phải làm”- bác sĩ này nói, và không cho biết lợi nhuận thu được sẽ đầu tư vào việc gì.

Khi được hỏi bệnh viện nói thu không đủ chi nhưng báo cáo vẫn lời hàng trăm tỷ năm, Phó giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Văn Khôi, cho rằng do bệnh viện có những dịch vụ theo yêu cầu, khám theo yêu cầu cũng như tiết giảm các chi tiêu không cần thiết khi tự chủ tài chính toàn phần.

Lợi nhuận cao, tăng viện phí là bất hợp lý

Trao đổi với phóng viên Tiền phong hôm qua 9-10, đại biểu quốc hội Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho biết, một số bệnh viện lấy lý do tăng viện phí do thu không đủ bù chi nhưng thực tế các bệnh viện này vẫn lợi nhuận cao là điều không hợp lý.

“Cần phải cân nhắc việc tăng viện phí vì nếu tăng phí mà chất lượng khám chữa bệnh không tăng là không thỏa đáng”- bà Trang nói. Đại diện BV Chợ Rẫy, cho rằng việc dôi dư một phần trong thu chi được dùng vào chi trả vốn kích cầu. Số còn lại để xây dựng cơ sở vật chất như cải tạo xây dựng hệ thống nước thải, mở cơ sở mới và xây dựng cơ sở 2 tại huyện Bình Chánh.

Hãng dược cũng hốt tiền

Cũng như bệnh viện, các hãng dược trong và ngoài nước chẳng mấy ảnh hưởng của khủng hoảng, trong 6 tháng đầu năm 2012, doanh thu thuần của toàn ngành dược đạt 8.834 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 500 tỷ đồng.

Theo thống kê từ thị trường chứng khoán thì với 259 tỷ đồng đạt được trong 6 tháng đầu năm 2012, cổ phiếu của công ty dược Hậu Giang đã chiếm trên 50% lợi nhuận ròng toàn ngành.

Về doanh thu thuần, công ty này đạt 1.312 tỷ đồng; lãi trước thuế 303 tỷ đồng. Công ty dược Traphaco xếp thứ 2 về lợi nhuận ròng toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm, đạt 50,8 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.