Bất cập áp viện phí mới

Bất cập áp viện phí mới
TP - Sau một tháng áp dụng giá viện phí mới, giá nhiều dịch vụ y tế tăng cao hàng chục lần, gây ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là bệnh nhân nghèo. Tiền Phong trao đổi với ông Phạm Lương Sơn - Trưởng Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế (thuộc BHXH Việt Nam).

> Giá thuốc lại tăng chóng mặt

Ông Phạm Lương Sơn
Ông Phạm Lương Sơn.

Ông Sơn nói: BHXH Việt Nam đang cùng các bệnh viện đánh giá tác động của giá dịch vụ y tế mới đối với các chi phí bao gồm cả khả năng vượt quỹ theo số thẻ đăng ký ban đầu, lượng hoá cụ thể số tiền vượt quỹ để BHXH Việt Nam chủ động lo nguồn kinh phí kịp thời...

Đến ngày 30-9, các tỉnh phải có báo cáo về dự báo chi phí gia tăng, của năm 2012 do giá dịch vụ y tế tăng, dự báo luôn dự toán bổ sung kinh phí năm 2013 để chuẩn bị báo cáo Chính phủ.

Bệnh nhân nghèo lại gánh trên lưng nỗi lo viện phí mới. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bệnh nhân nghèo lại gánh trên lưng nỗi lo viện phí mới.               Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nhiều địa phương thu nhập bình quân đầu người thấp, nhưng lại tăng giá dịch vụ kịch trần, theo ông điều này ảnh hưởng thế nào đến chi phí của người dân?

Tôi khẳng định chi phí y tế đã tăng mạnh. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, khả năng cung cấp dịch vụ y tế không cao lại phê duyệt giá tối đa. Ở đây, rõ ràng các tỉnh đã thu có dư và số tiền dư đó, nếu nghĩ sẽ được lấy để nâng cao cơ sở vật chất là không đúng.

Quy định Bộ Y tế chỉ cho phép trích 15% tiền khám để nâng cấp cơ sở vật chất khám chữa bệnh, số còn lại được sử dụng vào việc khác.

Hiện, ngoài 44 tỉnh được phê duyệt khung giá mới, các tỉnh còn lại cần phối hợp Sở Y tế và Sở Tài chính để thẩm định, phê duyệt giá dịch vụ y tế.

Đặc biệt, hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, chiếm tới 30% tổng chi phí của cả nước, hai đơn vị này hiện chưa xây dựng xong giá dịch vụ y tế mới, đang còn nhiều bất cập.

Người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết. Ảnh: Hồng Vĩnh
Người nhà và bệnh nhân tại Bệnh viện Nội tiết. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Một tháng triển khai giá viện phí mới, người bệnh nghèo rất tâm tư. Bản thân ông, có cảm nhận được thực tế này?

Điều đáng tiếc là thông tin đến bệnh nhân rất hạn chế, nhiều bệnh nhân chưa biết được việc tăng giá các dịch vụ y tế, chỉ đến khi nộp tiền mới biết là giá dịch vụ y tế đã tăng. Một số bệnh viện chưa dán bảng giá, hoặc niêm yết bảng giá nhưng ở chỗ khuất người bệnh không thấy được.

Thậm chí, nhiều bệnh viện còn, thống kê thiếu minh bạch những khoản bệnh nhân phải đóng, khiến bệnh nhân bức xúc. Việc tăng giá các dịch vụ y tế tác động đến người nghèo, đây chính là bất cập trong cơ chế. Nói đúng hơn là chưa có sự công bằng trong chăm sóc y tế.

Người khá giả, thậm chí người giàu vẫn được bao cấp một phần chi phí y tế; trong khi người có thu nhập dưới mức trung bình lại đang phải “gánh” chi phí nặng. Ở một số địa phương có trường hợp nộp 2.000 đồng, bệnh nhân cũng không có.

Vậy hướng nào khắc phục tình trạng nhiều bệnh viện và địa phương ban hành khung giá viện phí cao kịch trần trong khi chất lượng dịch vụ thấp?

Định mức Bộ Y tế xây dựng đưa ra là cho các bệnh viện trung ương có chi phí rất cao, nên địa phương áp dụng nguyên, đương nhiên sẽ có khung giá kịch trần.

Thực tế, vì không căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương nên khung giá viện phí của nhiều tỉnh có chất lượng y tế thấp lại cao hơn cả khung giá của các bệnh viện Trung ương. Đó chính là bất cập!

Cảm ơn ông!

Phong Cầm

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG