Chín triệu đồng mới phải nộp thuế

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q3, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ
Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q3, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ
TP - Trao đổi tại buổi họp báo Chính phủ chiều 31-7, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, phương án mới nhất sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được bộ này trình Chính phủ là nâng mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân từ 4 triệu lên 9 triệu đồng.

> Đề xuất chỉ đánh thuế cá nhân có thu nhập trên 9 triệu đồng

Đồng nghĩa, người có thu nhập trên 9 đồng mới phải nộp thuế, áp dụng từ 1-7-2013.

Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q3, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ
Người dân làm thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế Q3, TPHCM. Ảnh: Thanh Vũ.

2,6 triệu người ra khỏi diện nộp thuế

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN theo chương trình của QH sẽ được trình vào kỳ họp tháng 10-2012, trong đó có 3 nội dung cơ bản nhất là: Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, sửa đổi, bổ sung phạm vi và đối tượng chịu thuế và sửa đổi bổ sung quy định quyết toán thuế. Trong trường hợp được QH thông qua, Luật mới sẽ có hiệu lực kể từ 1-7-2013, sớm nửa năm so với dự kiến ban đầu.

Cụ thể, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng, và đối với người phụ thuộc là từ 1,6 triệu đồng lên 3,6 triệu đồng/người.

Với điều chỉnh này, người nộp thuế với thu nhập dưới 12,6 triệu/tháng và phải nuôi một người phụ thuộc sẽ chưa phải nộp thuế, còn nếu như người có thu nhập 15 triệu đồng/tháng và phải nuôi một người phụ thuộc thì chỉ phải nộp 120.000 đồng/tháng.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai thì với mức điều chỉnh như trên, so với thời điểm cuối năm 2011, sẽ có 70% số người đang phải nộp thuế chuyển sang không phải nộp thuế.

Cụ thể, 70% số người phải nộp thuế đó tương đương 2,6 triệu người trên tổng số 3,8 triệu người đang phải nộp thuế TNCN hiện nay. Như vậy, số thuế TNCN giảm so với chính sách hiện hành năm 2013 là khoảng 5.200 tỷ đồng và năm 2014 là khoảng 13.650 tỷ đồng.

Cũng theo đại diện Bộ Tài chính, những căn cứ để đưa ra mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nêu trên bao gồm: Tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua cũng như giai đoạn tới, đề án cải cách tiền lương cũng như thống kê mức sống, thu nhập dân cư và dựa trên ý kiến của dư luận.

Bà Vũ Thị Mai cũng nhấn mạnh, một điểm mới trong Dự án Luật lần này là có thêm quy định mở. Nếu trong trường hợp giá cả thị trường biến động trên 20% kể từ ngày luật có hiệu lực thì cơ quan soạn thảo có thể điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với thực tế, trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định.

Như vậy, Luật Thuế TNCN đã tính đến yếu tố trượt giá để không lạc hậu với thực tế của đời sống kinh tế - xã hội. Ngoài ra, dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính đã quyết định không sửa Biểu thuế lũy tiến từng phần như dự thảo ban đầu.

Sửa chưa toàn diện

Liên quan các đề xuất điều chỉnh này, trao đổi với Tiền Phong tối 31- 7, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, đề xuất sửa đổi của Bộ Tài chính chưa toàn diện và công bằng với những người thu nhập cao.

Yếu tố giảm trừ gia cảnh không phải là quyết định trong biểu thuế thu nhập cá nhân mà thể hiện quan điểm về chính sách xã hội của mỗi nước. Ví như, mức giảm trừ gia cảnh của Trung Quốc tính bằng 1,23 GDP bình quân đầu người, các nước khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì bằng 0,5% GDP bình quân đầu người.

Việt Nam đã tính cao hơn và vì vậy giảm trừ gia cảnh chỉ là một nội dung thôi, còn yếu tố quan trọng nhất là biểu thuế và biên độ của các bậc thuế.

Theo bà Cúc, chúng ta thường quan tâm nhiều đến mức giảm trừ gia cảnh chứ chưa quan tâm đúng mức đến mức thuế suất cũng như độ rộng hẹp của các bậc thuế.

Hiện nay, khoảng cách giữa mức cao nhất và thấp nhất của phần thu nhập chịu thuế tại Việt Nam là 16 lần (5 triệu đồng so với 80 triệu đồng), trong khi đó ở Trung Quốc khoảng cách mức cao nhất và thấp nhất là 53 lần, Philippines là 50 lần.

Bà Cúc tính toán, hiện nay có khoảng khoảng 3,9 triệu người nộp thuế TNCN, trong số đó khoảng 2,9 triệu người nộp thuế ở bậc 1. Thế nhưng số thuế 2,9 triệu người này nộp ngân sách chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại tiền thuế từ bậc 2 trở lên chiếm đến 90% tổng thu từ thuế TNCN.

“Bộ Tài chính đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng thì rất nhiều người thấy phấn khởi, bản thân tôi cũng muốn nộp thuế thấp thôi nhưng khi phân tích kỹ thì sự điều tiết thuế là chưa được công bằng khi chúng ta nhìn vào toàn diện cơ cấu biểu thuế”- bà Cúc nói.

Khi chúng ta nâng mức khởi điểm chịu thuế lên cao quá thì luật mang hơi hướng của thuế thu nhập cao chứ không phải là thuế TNCN nữa. Thứ hai, đề xuất mới này chỉ những người đang đóng thuế bậc 1 được ra khỏi diện nộp thuế, còn người thu nhập cao hơn không được hưởng gì hoặc hưởng rất ít.

Như vậy, sẽ không khuyến khích được người dân làm giàu, thu nhập cao hơn vì mức thuế mà họ phải chịu là rất cao.

“Tôi đề xuất phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế. Bậc cuối cùng có thể nâng thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng/tháng hiện nay lên 150- 200 triệu đồng/tháng mới phải chịu mức thuế suất cao nhất là 35%.

Nếu không sẽ không thu hút được người nước ngoài, người giỏi về Việt Nam làm việc bởi mức thuế suất quá cao”- bà Cúc nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG