Trung Quốc đang kéo lùi lịch sử lập pháp quốc tế

Trung Quốc đang kéo lùi lịch sử lập pháp quốc tế
TP - Với yêu sách đường lưỡi bò, Trung Quốc đang cố gắng kéo lùi lịch sử lập pháp đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà cộng đồng quốc tế mất hàng trăm năm mới xác lập được.

> Cảnh báo thép rẻ Trung Quốc tràn vào Việt Nam

Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Khoa Pháp luật quốc tế, Đại học Luật Hà Nội, cho biết như vậy.

Từ góc độ pháp lý, ông đánh giá thế nào về yêu sách "đường lưỡi bo" của Trung Quốc và những hành động liên tiếp gần đây của họ trên Biển Đông?

Không chỉ các quốc gia trong khu vực phản đối mà ngay cả các quốc gia khác trên thế giới cũng thấy sự phi lý của yêu sách này. Tôi chỉ cần nêu ra vài điểm:

Câu hỏi thứ nhất đặt ra là vị trí của đường lưỡi bò ở đâu. Trung Quốc vẽ một đường đứt khúc 9 đoạn mà không thể xác định được hệ thống tọa độ. Họ đưa ra yêu sách, nhưng không xác định được vị trí thì chúng ta có thể thấy ngay sự phi lý rồi.

Trong đường lưỡi bò này, Trung Quốc yêu sách cả chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Theo Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc, các vùng biển được xác định là tính từ đất liền trở ra. Có những vùng biển quốc gia ven biển có chủ quyền, có những vùng quốc gia đó chỉ có quyền chủ quyền và quyền tài phán.

Như vậy để thấy, Trung Quốc đã không tuân thủ các quy định của Công ước Luật Biển 1982 mà họ là thành viên.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đồng thời xác định các vùng biển đối với phần đất lục địa, các đảo và quần đảo. Mà đường lưỡi bò thì bao trùm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Như vậy, trong đường lưỡi bò tự Trung Quốc đang tạo ra những vùng chồng lấn, các vùng biển mà Trung Quốc vừa yêu sách chủ quyền, vừa yêu sách quyền chủ quyền. Chính bản thân Trung Quốc đã tạo ra những vùng chồng lấn như vậy thì đâu là cơ sở pháp lý?

Trung Quốc cũng viện dẫn quyền lịch sử, khẳng định được công nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế, nhưng chính việc các nước phản đối yêu sách của Trung Quốc đã phủ nhận ngay điểm này.

Chỉ cần nêu ra vài điểm là chúng ta thấy được sự phi lý trong việc đưa ra đường lưỡi bò của Trung Quốc. Họ không hề dựa trên bất kỳ một cơ sở pháp lý nào và hoàn toàn đi ngược Công ước Luật Biển 1982 của Liên Hợp Quốc.

Với yêu sách này, Trung Quốc đang cố gắng kéo lùi lịch sử lập pháp quốc tế, cụ thể là đối với Công ước Luật Biển 1982 mà hàng thế kỷ cộng đồng quốc tế mới xác lập được một công ước như thế.

Ông nghĩ sao về việc đưa những tranh chấp trên Biển Đông ra các thiết chế tài phán quốc tế?

Đối với các tranh chấp, hiện có rất nhiều cơ chế giải quyết, nhưng nguyên tắc chủ đạo là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Luật quốc tế không quy định một cơ chế riêng biệt hay bắt buộc quốc gia phải sử dụng một cơ chế nào để giải quyết các tranh chấp quốc tế mà trao quyền cho các quốc gia thỏa thuận với nhau.

Có thể theo con đường ngoại giao trực tiếp, qua bên thứ ba; thông qua trong khuôn khổ tổ chức quốc tế hoặc qua các thiết chế tài phán quốc tế như Tòa án Công lý Quốc tế hoặc Tòa án Luật Biển.

Mỗi cơ chế đều có ưu nhược điểm khác nhau và việc áp dụng cơ chế nào phụ thuộc thỏa thuận của các bên tranh chấp, chứ một bên không có quyền đơn phương giải quyết.

Tranh chấp liên quan biên giới lãnh thổ luôn là những tranh chấp phức tạp, không thể giải quyết trong một thời gian ngắn mà là một quá trình. Vì vậy, các bên nên tiếp cận từng bước, cố gắng sử dụng các biện pháp ngoại giao.

Hoặc trong khi chưa giải quyết được triệt để thì có thể áp dụng biện pháp tạm thời, ví như cùng khai thác chung một vùng biển nào đó. Còn hai thiết chế tài phán quốc tế hiện nay là Tòa Công lý Quốc tế và Tòa án Luật Biển thì một bên không có quyền đơn phương đưa ra mà cần có sự đồng ý của bên liên quan.

Nỗ lực xây dựng COC

Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa Ảnh: Mỹ Hằng
Bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc ghi rõ cực nam nước này là đảo Hải Nam, không bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa.  Ảnh: Mỹ Hằng.
 

ASEAN mới đây ra Tuyên bố “Nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông”. Ông đánh giá sao về những điểm tích cực của tuyên bố này?

Việc ASEAN đạt được Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông là dấu hiệu tương đối khả quan, một thông điệp khẳng định vai trò của ASEAN với tính chất là tổ chức quốc tế khu vực, khẳng định sự đoàn kết của ASEAN trong định hướng xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Tuyên bố chung của ASEAN về Biển Đông cho thấy, ASEAN cuối cùng đã đạt tầm nhìn chung, nhận thức chung về Biển Đông. Việc đưa vấn đề Biển Đông trở thành vấn đề của ASEAN có ý nghĩa quan trọng bởi, trên thực tế, tình hình trên Biển Đông không chỉ liên quan một vài quốc gia Đông Nam Á mà ảnh hưởng trực tiếp hòa bình và ổn định của khu vực.

Điều đó cũng cho thấy ASEAN phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là một lộ trình khó khăn bởi ASEAN cần đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Khó khăn sẽ tăng lên nhiều lần nếu ASEAN muốn COC có quy định cụ thể về cơ chế xử lý vi phạm và cơ chế giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Cơ sở pháp lý - Sức mạnh của Việt Nam

Theo ông, đâu là sức mạnh của Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền?

Sức mạnh mà chúng ta sử dụng và luôn luôn dựa vào đó chính là cơ sở pháp lý.

Với bất kỳ một hoạt động nào trên biển, trong giải quyết tranh chấp hay thực hiện hoạt động chấp pháp trên biển, Việt Nam luôn luôn căn cứ vào các quy định của luật quốc tế. Một trong những cơ sở pháp lý quan trọng là Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc.

Khi chúng ta hành xử trên cơ sở pháp luật quốc tế thì sẽ nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đây là điều hết sức quan trọng, đặc biệt trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Ông đánh giá ra sao về việc ban hành Luật Biển Việt Nam?

Từ góc độ nghiên cứu Luật Biển quốc tế, những quy định trong Luật Biển Việt Nam cơ bản đã nội luật hóa một cách chi tiết và phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc, giúp người dân có thể tiếp cận và hiểu được những quy định trong luật biển.

Còn nếu tiếp cận từ góc độ lập pháp, với sự ra đời Luật Biển Việt Nam, chúng ta đã tạo dựng được một hành lang pháp lý. Điều này là rất quan trọng.

Khi chúng ta đã có một cái khung, một tiền đề thì trên cơ sở đó, chúng ta sẽ tiếp tục hoàn thiện, ban hành các văn bản chuyên ngành để điều chỉnh các vấn đề liên quan khai thác cũng như sử dụng biển.

Việc tạo ra một hành lang pháp lý không chỉ có ý nghĩa về mặt hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển mà còn là cơ sở để chúng ta thiết lập cơ chế quản lý hợp lý trên biển, là tiền đề để đẩy mạnh chiến lược phát triển kinh tế biển. Đặc biệt trong quan hệ quốc tế, tôi nghĩ đây cũng là sự thể hiện quan điểm mà từ trước đến nay chúng ta luôn nhất quán: Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, một quốc gia hành xử trên cơ sở các quy định của luật quốc tế.

Việc tuyên truyền phổ biến Luật Biển Việt Nam cần thực hiện ra sao?

Tôi nghĩ chúng ta luôn luôn cố gắng thực hiện công tác tuyên truyền trên 3 bình diện: song phương, khu vực và toàn cầu. Chúng ta tranh thủ các diễn đàn quốc tế cả song phương và đa phương để các nước hiểu Việt Nam đã tham gia như thế nào, thực hiện, chấp hành các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 ra sao.

Sự ủng hộ ở đây không chỉ có các nước ASEAN mà qua đó chúng ta sẽ nhận được sự quan tâm ủng hộ của các quốc gia khác trên thế giới, khi họ nhìn thấy cách Việt Nam tuân thủ và thực thi các nội dung trong Công ước Luật Biển 1982.

Chúng ta phải khẳng định được, Việt Nam không chỉ nói mình là một quốc gia có trách nhiệm mà trên thực tế chúng ta đã thực hiện về mặt lập pháp cũng như tuân thủ đầy đủ mọi quy định của luật pháp quốc tế.

Cảm ơn ông.

Cử tri đề nghị bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo

“Đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”. Đó là nội dung cử tri kiến nghị gửi tới các cơ quan của Quốc hội (QH), Chính phủ vừa được Văn phòng QH tổng hợp.

Cử tri các tỉnh thành phố Đà Nẵng, Đắk Nông, Bình Phước, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Hà Nam, Hà Tĩnh… đặc biệt quan tâm vấn đề biển, đảo và công tác đấu tranh chống yêu sách phi lý của Trung Quốc.

Cử tri đề nghị QH, Chính phủ đẩy mạnh đấu tranh trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm đảm bảo chủ quyền hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Ngoài ra, cần “tăng cường tiềm lực quốc phòng; định hướng phát triển các ngành kinh tế biển; có trách nhiệm cao hơn trong việc đóng góp nâng cao và duy trì tiềm lực cũng như hoạt động của lực lượng quốc phòng - an ninh; tăng ngân sách quốc phòng...”, cử tri kiến nghị.

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tăng cường đầu tư, củng cố quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, Bộ Quốc phòng cho biết, Bộ xác định trước tiên xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - không quân và một số cơ quan, binh chủng kỹ thuật khác hiện đại.

Theo Bộ Quốc phòng, những năm qua, Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - không quân, Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát Biển được đầu tư, mua sắm nhiều phương tiện, trang thiết bị, vũ khí hiện đại; nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và đóng quân ở những khu vực điều kiện khó khăn.

Liên quan vấn đề chủ quyền, Bộ Ngoại giao cho biết: Việt Nam đã kiên quyết đấu tranh trên thực địa, qua con đường ngoại giao và trên mặt trận dư luận trước các hoạt động vi phạm của nước ngoài.

Chúng ta đã vạch rõ tính phi lý của yêu sách Đường lưỡi bò của Trung Quốc tại các cuộc hội thảo quốc tế về vấn đề Biển Đông và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế.

“Chúng ta đã công bố nhiều tư liệu pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, Bộ Ngoại giao cho biết.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG