> Mưu đồ được tính toán trước của Trung Quốc
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. |
Tỉnh táo
Ông có suy nghĩ gì về yêu sách phi lý của Trung Quốc cụ thể là Đường lưỡi bò?
Đường lưỡi bò là một đường tưởng tượng dựa trên một nhu cầu bên trong của sự phát triển chính trị Trung Quốc, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào cho việc này.
Mục tiêu ngắn hạn trước mắt của Trung Quốc là khai thác tài nguyên, nhưng mục tiêu lâu dài của họ là biến Biển Đông trở thành một bàn đạp quân sự để giúp Trung Quốc trở thành một cường quốc biển.
Biển Đông mà trở thành sở hữu riêng của bất kỳ quốc gia nào thì Việt Nam cũng đều gặp một rủi ro lớn vì bị khóa cửa, ưu thế của một quốc gia có mặt tiền trông ra biển sẽ biến mất. Đây là một thiệt hại lâu dài cho tương lai của dân tộc.
Đối với quốc tế, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác tuyên bố không can thiệp vào các cuộc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng họ bảo vệ một cách quyết liệt sự tự do đi lại trên các tuyến hàng hải.
Tranh chấp trên Biển Đông là bài toán lâu dài, là vấn đề quốc tế, cho nên Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á có liên quan quốc tế hóa vấn đề này là đương nhiên.
Chúng ta có thể song phương trong giải quyết vấn đề cục bộ, nhưng tổng thể là bài toán chính trị đa phương. Chúng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên biển của mình theo luật pháp quốc tế và hiểu sâu sắc rằng biến Biển Đông trở thành một vùng biển đặc quyền của bất kỳ quốc gia nào đều nguy hiểm.
Chúng ta đang đứng trước nhiệm vụ giải một bài toán cực kỳ phức tạp. Khi giải bài toán phức tạp như vậy có những điều kiện, có những đòi hỏi và nền tảng của những đòi hỏi ấy chính là sự thống nhất ý chí dân tộc.
Chúng ta phải chuẩn bị một thái độ tỉnh táo thật sự, bình tĩnh thật sự. Tất nhiên, tôi không chê bai tất cả những nỗi lo lắng, vì những nỗi lo lắng này là có thật. Cái chính là chúng ta phải khuyến khích một thái độ nào đó, báo chí nhà nước cần khuyến khích một thái độ bình tĩnh, sâu sắc và đoàn kết.
Chủ động đối phó
Đảo Đá Nam, Huyện đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Ảnh: Phương Hoa. |
Nhiều chuyên gia cho rằng phản ứng của chúng ta và của cộng đồng quốc tế sẽ quyết định hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông?
Đúng vậy! Việc Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam là chúng ta công bố chủ quyền của mình, chúng ta tuân thủ Công ước về Luật Biển. Đấy là một sự kiên quyết cần thiết.
Có ý kiến lo ngại những bước phiêu lưu leo thang của Trung Quốc, nhưng tôi cho là ít có khả năng đó vì nó sẽ làm cho Trung Quốc mất hết các quan hệ quốc tế. Do vậy, chúng ta phải chuẩn bị một thái độ bình tĩnh để chủ động đối phó.
Ngoài tâm lý bình tĩnh thì chúng ta cần làm gì để đảm bảo luôn ở tư thế chủ động đối phó với sự gây hấn trên Biển Đông của Trung Quốc?
Phải xem âm mưu hoặc những hành động có tính chất khiêu khích trên Biển Đông, gây mất yên tĩnh đối với các quốc gia trong khu vực của Trung Quốc hoàn toàn không mới. Chúng ta phải nhìn nhận nó một cách có hệ thống và có đủ cả sự kiên nhẫn để chịu đựng lẫn sự dũng cảm để phản kháng, để đối phó. Tất cả những công việc như vậy chúng ta phải tiến hành bình thường trong sự tĩnh tâm cần thiết và sự chín chắn chính trị”. |
Phải bình tĩnh, phân tích đầy đủ tình hình. Song song với việc giải quyết những mặt tiêu cực trong chính sách Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta cũng còn phải giải bài toán khác là quan hệ với họ một cách bình thường như thế nào.
Bởi trong quan hệ quốc tế, Trung Quốc chỉ tiêu cực một phần, còn phần khác họ vẫn làm ăn bình thường với thế giới và cả chúng ta. Làm như thế nào để chúng ta thể hiện tính độc lập, tính tự tại của người Việt, đấy là điều cần thiết.
Chúng ta là một dân tộc vốn dĩ như thế. Dân tộc Việt Nam là dân tộc có kinh nghiệm nhất về hy sinh hòa bình- vốn rất cần thiết đối với mọi quốc gia- để bảo vệ chủ quyền dân tộc, chủ quyền đất nước.
Chúng ta cần phải tin vào truyền thống của dân tộc mình để giữ được bình tĩnh cho công việc làm ăn của chúng ta và cả các quan hệ làm ăn khác với Trung Quốc.
“Quốc phòng” về mặt kinh tế và thương mại
Ngoài những căng thẳng về quân sự, chính trị, ngoại giao, ông nghĩ sao về những sức ép về mặt kinh tế từ Trung Quốc?
Tôi nghĩ sự phụ thuộc lẫn nhau của các nền kinh tế là một quy luật phổ biến của thời đại toàn cầu hoá. Chúng ta phải chuẩn bị để đối phó với toàn cầu hoá chứ không phải chỉ đối phó với Trung Quốc.
Cách ngăn chặn các làn sóng hàng hoá tràn ngập vào lãnh thổ chúng ta bằng con đường thương mại chính thống là nâng cao chất lượng. Còn cách ngăn chặn hàng hóa không chính thống của thương mại biên giới, nhập lậu là tăng cường cơ quan kiểm soát.
Cơ quan kiểm soát gian lận thương mại chính là một loại hoạt động quốc phòng trên lĩnh vực kinh tế. Chúng ta mới chỉ để ý đến quốc phòng về mặt lãnh thổ mà chưa để ý nhiều đến “quốc phòng” về mặt kinh tế và thương mại.
Người Trung Quốc có thể sản xuất hàng giá rẻ nhưng họ rất khó kiểm soát để nền sản xuất có hàng hoá chất lượng cao. Thế nhưng, khi tham gia vào quá trình tự do hoá thương mại thì chúng ta quên mất làm tốt việc xây dựng các công cụ cơ bản cho một nền kinh tế tự do là các hàng rào kỹ thuật.
Chúng ta vừa thiếu năng lực kiểm soát, vừa thiếu năng lực sản xuất nên rất khó để cạnh tranh. Nâng cao năng lực của nhà nước để kiểm soát, nâng cao năng lực của xã hội để sản xuất là việc phải làm chứ không có cách nào khác.
Cảm ơn ông.
Hà Nhân - Cao Nhật