Nhiều xét nghiệm dồn vào nơi 'xã hội hóa'

Bệnh nhân chờ kết quả xét nghiệm hóa sinh - huyết học - vi sinh sáng 13-6 ở BV Bạch Mai, nơi đại đa số dịch vụ được xã hội hóa Ảnh: Nguyễn Hoài
Bệnh nhân chờ kết quả xét nghiệm hóa sinh - huyết học - vi sinh sáng 13-6 ở BV Bạch Mai, nơi đại đa số dịch vụ được xã hội hóa Ảnh: Nguyễn Hoài
TP - Tiếp xúc với các bệnh nhân đến khám tại các khoa triển khai mạnh dịch vụ xã hội hóa ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, nhiều người không khỏi choáng trước hàng loạt các xét nghiệm được bác sĩ chỉ định.

> Khám bệnh xã hội hóa: Lạm dụng kỹ thuật cao

Ngồi trước nơi nhận kết quả xét nghiệm hóa sinh - huyết học - vi sinh ở BV Bạch Mai Hà Nội, nữ bệnh nhân tên N.T.B (55 tuổi) ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội, cho hay bà bị đau ở bụng dưới, từng đi khám ở BV Phụ sản Trung ương. "Họ khuyên tôi nên đi khám thêm đại tràng”, bà B. nói.

Đến BV Bạch Mai, bà được yêu cầu làm nội soi đại tràng toàn bộ và nội soi thực quản - dạ dày - hành tá tràng với tổng số tiền là 600.000 đồng. “Sau khi đo huyết áp, họ lại bảo tôi bị huyết áp cao, nên đi khám tổng thể toàn thân”.

Tờ hóa đơn bệnh nhân đưa liệt kê nào là siêu âm bụng, chụp tim phổi thẳng, điện tim, nào là nội soi tá tràng toàn bộ, xét nghiệm tế bào máu ngoại vi bằng máy laser, xét nghiệm sinh hóa.

Với chỉ định xét nghiệm sinh hóa, 13 dịch vụ được yêu cầu thực hiện với bệnh nhân N.T.B
Với chỉ định xét nghiệm sinh hóa, 13 dịch vụ được yêu cầu thực hiện với bệnh nhân N.T.B.

Chỉ riêng với phiếu xét nghiệm sinh hóa của bệnh nhân có tới 13 tên dịch vụ được thực hiện với tổng số tiền 238.000 đồng. “Từ sáng đến giờ nguyên tiền chiếu, chụp, siêu âm, xét nghiệm đã hết 1.050.000 đồng rồi”, bà B. nói.

Hầu hết bệnh nhân có mặt ở nơi nhận kết quả xét nghiệm hóa sinh, huyết học, vi sinh ở BV Bạch Mai đều cầm trên tay hóa đơn thanh toán với dày đặc các dịch vụ được yêu cầu thực hiện.

Số lượng bệnh nhân đông nghịt. Sáng hôm qua, 13-6, với số thứ tự 684, một bệnh nhân than thở: “Có khi phải mai mới đến lượt mình”.

Ở khoa khám bệnh, anh V.T.N. (54 tuổi) đến khám tim. Đứng trước cửa phòng khám, bệnh nhân lẩm bẩm: “Cái muốn khám thì không được khám, toàn yêu cầu khám cái đâu đâu”.

Chìa tờ hóa đơn, anh N. giải thích bị đau tim và dạ dày, khi đến khám, bác sỹ yêu cầu thực hiện tới 21 dịch vụ như chụp tế bào máu ngoại vi bằng máy laser, soi thực quản- dạ dày- hành tá tràng, chụp tim - phổi thẳng, siêu âm ở bụng và phần phụ, siêu âm vùng cổ…

Tổng số tiền khám 873.000 đồng. Khi được hỏi đã tìm ra bệnh chưa, bệnh nhân bảo “mới xét nghiệm xong, chưa biết kết quả”.

Thiết bị xã hội hóa chạy mệt nghỉ

Lãnh đạo BV Bạch Mai từng cho biết ở bệnh viện này có tới 90% dịch vụ ở Khoa Sinh hóa, 70% dịch vụ ở Khoa Chẩn đoán Hình ảnh, 90% ở Khoa Y học Hạt nhân, 50% ở Khoa Thận Nhân tạo, và 100% ở Khoa Khám - Chữa bệnh theo Yêu cầu, sử dụng trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa.

“Xã hội hóa” là liên doanh, liên kết cùng đầu tư, khai thác với nhà đầu tư tư nhân với các thiết bị khám chữa bệnh.

TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai, khẳng định việc thành lập khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ tạo khả năng tăng cường sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân, đáp ứng được chính sách khuyến khích đầu tư trong nước, giảm thiểu việc sử dụng vốn ngân sách nhà nước, thu hút chất xám của các giáo sư, bác sỹ và các chuyên gia đầu ngành cũng như các thày thuốc giỏi đã nghỉ hưu về tham gia khám chữa bệnh.

Khoa xã hội hóa này còn hy vọng giảm sự ùn tắc và quá tải của phòng khám và các khoa phòng, thu được tiền viện phí của các đối tượng có khả năng chi trả, và trích một số tiền thu được để ủng hộ khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng chính sách.

TS Lương Ngọc Khuê cho biết việc tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai và một số bệnh viện khác nằm trong chủ trương thực hiện Nghị định 43 về tự chủ tài chính, giảm số người có nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ra nước ngoài.

Lý thuyết thì thế. Còn thực tế mà những người viết bài này chứng kiến thì sao? Một bác sỹ cho biết: “Với các máy móc, thiết bị được thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa, người ta càng đặt việc thu hồi vốn và lợi nhuận lên hàng đầu. Thế nên nhiều bệnh nhân dù không thực sự cần thiết phải thực hiện thêm một số dịch vụ nhưng vẫn được kê”.

Bạch Mai là bệnh viện đa khoa đầu ngành lớn nhất khu vực phía bắc, với gần 1.500 giường bệnh nội trú, luôn trong tình trạng quá tải, nhiều khoa, phòng bệnh nhân phải nằm ghép 2-3 người/giường.

Nhìn vào hóa đơn thanh toán của bệnh nhân N.T.B. thì thấy các xét nghiệm, chiếu, chụp được thực hiện ở các khoa chuẩn đoán hình ảnh (siêu âm bụng, chụp tim phổi thẳng), khoa khám bệnh (điện tim), khoa sinh hóa, khoa huyết học, khoa thăm dò chức năng.

Như thế, đa phần được thực hiện tại các khoa có trang thiết bị được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG