Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đối thoại trực tuyến với nhân dân. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Nhà báo chịu trách nhiệm, Bộ rút kinh nghiệm
Trao đổi về thực trạng báo chí Việt Nam hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, trong những năm qua, báo chí luôn bám sát mục tiêu, tôn chỉ, đường lối chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các giải pháp định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ… Những sự kiện quan trọng của đất nước được báo chí đều đăng tải nhanh chóng, kịp thời tới nhân dân…
“Có những lúc tình hình biên giới biển đảo diễn biến phức tạp, báo chí đã vào cuộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ chủ quyền, giữ gìn môi trường hòa bình trên cơ sở tôn trọng chủ quyền và công ước Liên Hợp Quốc, DOC…" – Bộ trưởng Son nói.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, báo chí đã đấu tranh với luận điệu của những thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, chống những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tự diễn biến trong cán bộ đảng viên và nhân dân, xây dựng môi trường xã hội lành mạnh.
Báo chí cũng đưa những thông tin mới về phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của các nước đến Việt Nam, đồng thời giúp kiều bào và bạn bè quốc tế hiểu hơn về quan điểm, thành tựu phát triển, nền văn hóa Việt Nam, vun đắp tình hữu nghị với các nước.
“Có thể nói, báo chí đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là phương tiện thông tin, tuyên truyền hữu hiệu” – Ông Son khẳng định.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng chỉ rõ, thời gian qua, bên cạnh việc Đảng, Nhà nước khẳng định thành công của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng nước nhà, chúng ta cũng nghiêm túc chỉ ra hạn chế, yếu kém để có điều kiện phát triển hơn.
“Cụ thể, tình trạng có một số báo, đặc biệt là phụ trang có tin bài không đúng tôn chỉ mục đích báo chí. Đây là điểm trầm trọng nhất và kéo dài, chậm khắc phục thời gian qua” – Bộ trưởng Son nói.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông thì “trách nhiệm này thuộc về các nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí và chúng tôi cũng phải rút kinh nghiệm việc này”.
Tố nhau lá cải: Không phải cạnh tranh thiếu lành mạnh
Trước câu hỏi nêu vừa qua xảy ra hiện tượng một số tờ báo tranh luận, chỉ trích nhau lá cải, ảnh hưởng đến niềm tin của người đọc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định: Chúng ta không có báo lá cải.
"Luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Chúng ta không có báo lá cải".
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, chúng ta không có báo lá cải. Ảnh: Báo Phụ nữ TPHCM. |
Về thông tin thời gian qua, một số bạn đọc nói rằng, báo chí phải “cải” một chút để tăng doanh thu, Bộ trưởng Son nói, đó là vi phạm đạo đức người làm báo, vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà làm mất đi chữ tín lâu dài. Việc đó cần phải chấn chỉnh.
"Những hiện tượng như bạn vừa nêu như giật tít câu khách, đưa tin không đúng sự thật... cũng cần phải được kiên quyết chấm dứt trong thời gian tới".
Về ý kiến cho rằng số lượng cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình ở nước ta hiện tại quá nhiều so với yêu cầu, trong bối cảnh kinh tế gặp khó khăn, đã xảy ra sự cạnh tranh không lành mạnh, người đứng đầu Bộ Thông tin truyền thông phủ nhận điều này.
"Trong điều kiện khó khăn chung, nhiều cơ quan báo chí cũng có khó khăn. Nhưng các nhà báo, cơ quan báo chí vẫn giữ vững và phát huy vai trò, tác dụng của mình, không có cạnh tranh như bạn vừa nêu. Dĩ nhiên, có nơi có lúc chúng ta vẫn phải đấu tranh trong nội bộ để nền báo chí lành mạnh hơn, hiệu quả hơn.
Cắt dán, đạo tin, xào bài, viết sai sự thật
Nói về những yếu kém của báo chí, theo ông Son, nhiều tờ báo của ngành này, địa phương này nhưng viết nhiều về địa phương khác, ngành khác.
"Không phải không được viết nhưng báo của ngành này, địa phương này phải chủ yếu viết về ngành mình, địa phương mình, phải đúng tôn chỉ được đưa ra trong giấy phép hoạt động của mình, tránh tình trạng vừa qua nhiều báo chủ yếu viết ngành khác, địa phương khác mà chủ yếu khai thác mặt yếu kém, khuyết điểm làm méo mó sự phát triển của doanh nghiệp, ngành hoặc địa phương khác. Nó là một hiện tượng không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích báo chí" - Bộ trưởng Son cho biết.
Luật Báo chí quy định rõ, báo chí là phương tiện thông tin, truyền thông hữu hiệu của Đảng Nhà nước, các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Chúng ta không có báo lá cải |
Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, có hiện tượng viết sai sự thật, ảnh hưởng tới uy tín cá nhân, doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến uy tín của địa phương, ngành, doanh nghiệp hoặc cá nhân.
Bên cạnh đó, một số báo đưa tin sai chính tả, ngữ pháp, dẫn tới ảnh hưởng chất lượng báo chí.
Bản thân cơ quan báo chí cũng là cơ quan văn hóa, nên phải góp phần bảo vệ giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Điều nữa là một số ít nhà báo đã lợi dụng danh nghĩa nhà báo, sách nhiễu địa phương, doanh nghiệp, gây bức xúc xã hội.
“Có một số ít tờ báo đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật, vi phạm đạo đức người làm báo. Đây là hiện tượng cá biệt nhưng vẫn phải lên án. Trong hoạt động báo chí, đã xảy ra hiện tượng không mong muốn. Có những nhà báo vì lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ dẫn tới hành vi sai phạm.
Thực sự vừa qua, chúng ta có chế tài phạt, thậm chí có nhà báo bị thu thẻ. Có những nhà báo đã phải đứng trước vành móng ngựa, bị xử lý theo luật hình sự. Mặt dù đây là số ít trong 17.000 nhà báo được cấp thẻ, nhưng con số đó cũng là đáng buồn” – Ông Son nói.
Ông Son cũng dẫn chứng thêm, trên báo chí, đặc biệt là báo điện tử, nhiều trang tin điện tử khai thác vụ án, đưa vụ án ly kỳ, tả chi tiết hành vi tội phạm, tạo hình ảnh xã hội u ám, không phù hợp với tôn chỉ mục đích của báo chí, đạo đức báo chí. Chúng ta không cổ súy cho những hành vi như vậy.
Hoặc một số báo có xu hướng đi vào đời tư một số văn nghệ sĩ, ca sĩ, đưa nhiều hình ảnh, thông tin sai với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây bức xúc trong xã hội.
Trao đổi về vấn đề “cắt dán, đạo tin” trên báo điện tử, Bộ trưởng Son cho biết, khuyết điểm này bắt nguồn từ hai phía.
Thứ nhất có thể do người làm báo không nêu cao vai trò trách nhiệm của mình. Cũng có thể do người đọc đọc lướt qua, không quan tâm nội dung tác nghiệp nhiều. Cho nên dẫn tới việc chưa được phản ánh kịp thời cho cơ quan báo chí các cấp.
"Nhưng bên cạnh đó, tôi thấy có nhiều độc giả rất quan tâm tới các chi tiết, nhất là những độc giả có nhiều năm đọc báo, nhiều năm gắn bó, đồng hành với báo chí thì sẽ phát hiện rất nhanh. Nhưng những độc giả mới, đọc lướt qua không phát hiện sai sót, đó là sự dễ dãi của độc giả" - Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.
"Sự yếu kém, đi lệch hướng hoặc không thực hiện tôn chỉ mục đích của nhà báo cộng với sự dễ dãi của độc giả là mảnh đất cho những hoạt động báo chí không đúng như vậy".
"Bên cạnh đó, chúng ta phải thấy được việc chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, cơ quan quản lý báo chí, đặc biệt là Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập, ban biên tập khi chúng ta bỏ qua quy trình tác nghiệp của báo chí, dẫn đến những sai sót này. Không thực hiện đúng quy trình làm báo dẫn đến để lọt bài báo không đạt chất lượng đưa lên trang báo, nhất là những trang báo điện tử." - Ông Son nói.
"Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục ngăn chặn hành vi vi phạm này”.
Luật nào cũng có chế tài xử lý sai phạm trong Blog Bạn Hải Hường (Gia Lai): Hiện nay có tình trạng một số blog, trang mạng cá nhân thường xuyên đăng viết bài nói ngược lại chủ trương đường lối, bài xích cá nhân, đưa thông tin một chiều, không được kiểm chứng, gây hoang mang trong dư luận, chia rẽ nội bộ. Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì để chấn chỉnh không ? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Có thể nói rằng trong sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ thông tin nói chung và của internet nói riêng, chúng ta đã đưa internet đến mọi vùng miền cả nước, đây là cơ hội để có nhiều blog, trang thông tin điện tử phát triển. Đó là những công cụ hữu hiệu để tương tác giữa độc giả với nhau, người dân với người dân, người dân với các tổ chức chính quyền các cấp, các địa phương. Có thể nói đây là điều kiện thuận lợi để phát triển bùng nổ thông tin, để chúng ta có thể tìm hiểu, hiểu biết xã hội quốc tế, trong ngoài nước, có cơ hội để nắm nhiều thông tin hơn, giao dịch với nhiều đối tượng khác trong xã hội, nâng cao học tập hiểu biết… Đấy là mặt đúng, tốt của nó. Nhưng ngược lại, trong sự phát triển này, có nhiều blog lợi dụng sự dân chủ đó, lợi dụng thuận lợi trong tác nghiệp trên mạng, lợi dụng việc chúng ta chưa có điều kiện chế tài quản lý các blog, dẫn tới có những hành vi vi phạm đạo đức của công dân, ảnh hưởng tới quyền tự do chân chính của người khác như bạn nêu trong câu hỏi. Đây là hành vi không chỉ Luật Báo chí mà phải cả các luật khác có chế tài xử lý. Về phía cơ quan quản lý truyền thông, chúng tôi hiện đã và đang đang soạn thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 97 về quản lý hoạt động trên internet, trong đó có quản lý internet, game online và blog. Trong quá trình xây dựng chắc chắn sẽ xin ý kiến độc giả. Rất mong bạn đặt câu hỏi sẽ đóng góp ý kiến để chúng tôi hoàn thiện chế tài để vừa làm sao tạo điều kiện tự do cho mọi người nhưng cũng quản lý được, hạn chế hành vi lợi dụng việc này, xâm phạm tự do của người khác, vi phạm pháp luật. |