> Tiền lương: Bất bình đẳng, không đủ sống
Ông Jairo Acuna Alfaro - Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng - UNDP Việt Nam. Ảnh: Trường Phong. |
“Đói ăn vụng, túng làm liều”
Trao đổi về việc cải cách chế độ tiền lương cho công chức, ông Jairo Acuna Alfaro – Cố vấn chính sách về cải cách hành chính và chống tham nhũng, Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, lương tối thiểu chính thức ở Việt Nam vẫn được xem là rất thấp và không đủ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt căn bản của công chức. Vì vậy, công chức phải sống dựa vào nhiều nguồn thu nhập không chính thức. Thu nhập này không nhất thiết là bất hợp pháp, song lại làm phân tán công việc và nghĩa vụ chính, giảm hiệu quả công tác của công chức.
“Tiền lương chính thức hiện nay quá thấp để công chức trang trải cuộc sống, song thu nhập của công chức lại cao hơn tiền lương chính thức. Điều này cho thấy có sự xao nhãng và thiếu ưu tiên trong khu vực công dẫn tới tình trạng cán bộ, công chức phải tìm kiếm các khoản thu nhập ngoài lương.” – Báo cáo viết.
Báo cáo của đại diện UNDP Việt Nam cũng dẫn bảng số liệu cho biết, khi được đặt vào hoàn cảnh là một công chức đã công tác 10 năm và có gia đình gồm bốn thành viên, 75% ý kiến của 14.108 người được hỏi cho rằng, mức lương đó không đủ yêu cầu và có rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Từ đó, trong một bảng số liệu khác, có tới 30% cho biết sẽ sử dụng chức vụ của mình để nhận quà, tiền từ người dân, doanh nghiệp, 25% sử dụng mối quan hệ từ chức vụ của mình để làm thêm và tới 34% sử dụng thời gian của cơ quan để làm thêm…
Số liệu khác cũng chỉ ra rằng, trong các lĩnh vực như xin việc, xây dựng, khám chữa bệnh, giáo dục… hầu hết đều có những thách thức về tham nhũng.
Một bảng số liệu khác lại cho biết, lý do chính để nhiều người lựa chọn gia nhập đội ngũ công chức dù mức lương thấp là do có việc làm ổn định đến khi nghỉ hưu và có cơ hội thăng tiến, đồng thời, việc bám trụ trong bộ máy nhà nước do có nhiều cơ hội kiếm thêm thu nhập.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Lê Hồng Huyên, Phó vụ trưởng Vụ xã hội, Văn phòng TƯ Đảng cho biết, tác hại của việc lương thấp thì ai cũng rõ, “đói ăn vụng, túng làm liều”. "Khảo sát ở đây, mức sống cán bộ công chức mới xấp xỉ 30%, có nghĩa để tồn tại được (50%) thì phải kiếm sống bằng những việc không đàng hoàng rồi" - Ông Huyên nói.
Ông Huyên đề nghị, nên có một dịch vụ đặc biệt, trả công riêng cho lực lượng công chức một cách tương xứng với công sức bỏ ra. “Giả sử một công chức được trả lương khoảng 50 triệu đồng/tháng nhưng ngân sách mới chỉ có 20 triệu, còn 30 triệu cơ quan vay, phải ghi nợ. Coi như đặt cọc chính phủ mỗi tháng 30 triệu, một năm 360 triệu, 10 năm 3,6 tỷ. Chẳng ai dại gì mà tham nhũng, tiêu cực cả. Sau khi về hưu, ngoài tiền hưu, công chức còn được nhận số tiền đặt cọc nói trên…”.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá bổ sung, có trường hợp lương không đủ sống dẫn đến “làm liều” nhưng cũng có những trường hợp, đủ sống, thậm chí khá giả, giàu có vẫn tham nhũng, ăn của đút. “Vấn đề ở đây là lòng tham của con người và quy định của pháp luật không nghiêm. Vậy, phải làm thế nào để xử lý tình trạng này? – Bà Khá nêu câu hỏi.
Cùng quan điểm trao đổi về vấn đề này, đại diện UNDP Việt Nam cho rằng, không nên quy tất cả tội lỗi cho lương thấp. Nhiều người giàu vẫn tham nhũng, trong khi những người nghèo lại rất trong sạch. “Lương không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng tham nhũng” – Ngài Jairo Acuna Alfaro nêu quan điểm.
Tôi là cán bộ, công chức hay viên chức?
Nói về vấn đề chi tiêu ngân sách ở Việt Nam để trả lương cho cán bộ công chức, ông Jairo Acuna Alfaro cho biết, hiện chưa có số liệu từ các nước khác để so sánh với Việt Nam, tuy nhiên, không nên quan tâm đến vấn đề chi bao nhiêu phần trăm ngân sách cho khu vực này, mà nên tính đến hiệu suất, hiệu quả của nó.
Ngài Alfaro cho rằng, nhiều khoản đầu tư ngân sách ở Việt Nam không hiệu quả. Ông Alfaro lấy một ví dụ điển hình là tình trạng phong bì, phong bao trong các hội nghị, từ đó, hình thành nên một đội ngũ cán bộ, công chức chuyên đi nhận phong bì. “Đây là một kênh mà ngân sách nhà nước đầu tư không hiệu quả”. – Đại diện UNDP Việt Nam nói.
Về vấn đề phân chia mức lương theo chức danh cán bộ, công chức, viên chức, ông Alfaro cho rằng, các quốc gia phân chia khác nhau, tùy theo tình hình, đặc điểm mỗi nước. Ở Việt Nam, ranh giới giữa ba nhóm này rất mong manh, có người đảm nhiệm cùng lúc cả hai, ba vị trí.
“Giả sử tôi là một viện trưởng, vậy tôi là cán bộ hay viên chức? Trong viện, tôi lại làm chức năng quản lý nữa. Vậy, tôi hưởng mức lương thế nào? Điều này rõ ràng chưa có quy định trong luật”. – Đại diện UNDP Việt Nam thắc mắc.
Về vấn đề xây dựng bộ máy tổ chức, cải cách tiền lương, ông Alfaro cho biết, cần có những người hiểu biết về tiền lương, đồng thời, phải kết hợp với những người có tiếng nói đủ mạnh để quyết định các chính sách.
Ngoài ra, ngài Alfro cũng nêu, cải cách tiền lương cần minh bạch hóa chế độ tiền lương và các khoản thu nhập ngoài lương, tiến hành khảo sát tiền lương thường niên, xây dựng cơ chế “toàn tâm cống hiến”, cho cán bộ, công chức được hưởng lương cao hơn nhưng minh bạch hơn, và không được phép tham gia các hoạt động tạo ra các nguồn thu nhập thêm từ bên ngoài, đồng thời thí điểm cải cách tiền lương theo cơ chế này ở các vị trí lãnh đạo.