Mặt cầu Thăng Long càng thảm càng hại

Mặt cầu hỏng nặng, ô tô dò dẫm giữa ban ngày Ảnh: Hồng Vĩnh
Mặt cầu hỏng nặng, ô tô dò dẫm giữa ban ngày Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Bộ GTVT gần như “bó tay” với mặt cầu Thăng Long ngày càng lún nứt, dù đã chi gần 100 tỷ đồng sửa chữa 2 năm trước.

> Sáu dự án bị “sờ gáy”: Báo cáo nhanh, “nhận lỗi” chậm

Chữa lợn lành thành lợn què

Sau những lời than phiền của nhiều lái xe, trưa 14-5, nhóm phóng viên Tiền Phong có mặt trên cầu Thăng Long. Mặt cầu lỗ chỗ vũng giống như những hố bom thu nhỏ.

Từng đoàn xe dò dẫm trên mặt cầu. Ô tô chạy qua, cầu rung bần bật. Mấy tài xế xe tải chạy chậm để tránh ổ voi nói với ra: “Các bác thấy giống cầu khỉ bắc qua sông Hồng không?”.

Mặt cầu không chỉ nứt toác, dồn vón cục mà đã co đặc đến nỗi nhiều nơi hở cả bản thép trắng. Một bảo vệ cầu nói: “Tôi đã hơn 20 năm làm bảo vệ cầu này. Từ ngày thảm lại, mặt cầu hỏng suốt. Mặt cầu gây xóc, cầu càng rung mạnh, nguy hiểm hơn trước rất nhiều”.

Trong đợt sửa chữa, người bảo vệ cầu chứng kiến đơn vị thi công bóc hết lớp tạo nhám, chống dồn cũ trên bản thép để thi công lớp nhựa mới.

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông (thuộc Bộ GTVT), cho biết, Bộ đã làm văn bản báo cáo hiện trạng với Thủ tướng xin phép tu sửa. Hỏng tới đâu sẽ duy tu bảo dưỡng tới đó.

Sau đó, Tổng Cục Đường bộ VN sẽ liên hệ với doanh nghiệp cầu đường của nước ngoài. Cũng theo vị này, Bộ trưởng GTVT giao cho Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông đi kiểm tra và tu sửa ngay.

Giải pháp trước mắt là không thể tiếp tục nhập vật liệu đắt tiền từ nước ngoài như trước. Thay vào đó dùng loại nhựa đường nội địa (cỡ 1 triệu đồng/tấn) để vá víu.

Chiều 14-5, Phó Viện trưởng Khoa học và Công nghệ GTVT (đơn vị thiết kế và giám sát dự án) Vũ Đức Chính, cho biết: “Chúng tôi đã làm kiểm điểm. Còn hiện giờ tôi đang bận họp”.

Cuối tháng 3-2010, ông Chính trả lời báo giới: “Về các vết nứt, cầu còn có nhiều lớp bê tông bảo vệ ở dưới nữa. Lớp đó hoàn toàn tốt và không có hiện tượng hỏng bản thép”.

Mất uy tín ngành GTVT

Chiều cùng ngày, nguyên Hiệu trưởng Đại học Xây Dựng-PGS.TS Nguyễn Văn Hùng (người mà cách đây nhiều năm đã nhận định mặt cầu Thăng Long hỏng là do nhân tai, chứ không như nhận định của Bộ GTVT lúc đó là do thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lưu lượng xe qua cầu nhiều...) nói: “Khi sự việc mới xảy ra, tôi đã tranh luận với lãnh đạo Vụ Khoa học - Công nghệ (Bộ GTVT) là mặt thảm mới sẽ hỏng hết.

Họ nói chỉ hỏng vài chỗ. Có lẽ họ nghĩ sau một thời gian không ai để ý, rồi đâu sẽ vào đấy, chìm vào quên lãng. Ai đời, tuyến đường quan trọng mà hỏng nhanh quá. Việc này rõ là ảnh hưởng tới uy tín ngành cầu đường nói riêng và GTVT nói chung”.

Thi công cải tạo lại mặt cầu tốn gần 100 tỷ đồng và được nghiên cứu nhiều năm trước khi làm. Trong quá trình thi công, tuyến đường huyết mạch đi sân bay Nội Bài và Tây Bắc liên tục bị tắc nghẽn, phải phân luồng tuyến xe khách, và nhiều phiền toái do thi cộng chậm...

Để giảm tải, đã phải bắc cầu phao dã chiến qua sông Hồng. Chưa kể, thời gian đầu, khi mặt cầu hỏng, các bên liên quan phải xin hạn ngạch để nhập khẩu vật liệu từ Anh quốc. Lúc đó, có chuyên gia nhẩm tính, số tiền nhập vật liệu là không nhỏ.

Tuy nhiên, nếu quan sát trên mặt cầu, đoạn giữa cầu (thảm chất liệu tốt công nghệ mới) thua xa mặt cầu cũ (công nghệ cũ hàng chục năm) ở 2 đầu cầu đang còn nguyên.

Tính tổng cả tiền bắc cầu phao, chi phí chính của dự án, rắc rối phát sinh khác do cấm cầu để thi công... thiệt hại của xã hội là không nhỏ. Chưa kể, gây mất mỹ quan đối với khách quốc tế. Phát sinh của dự án này đã vắt qua 2 đời Bộ trưởng GTVT.

Trong những ngày nắng nóng gần đây, nhiều ô tô qua cầu Thanh Trì (Hà Nội) bị sa lầy trên mặt cầu. Đội CSGT số 5 và người dân phải giúp đẩy xe qua. Hóa ra, mặt cầu Thanh Trì bị lún, đơn vị thi công rải nhựa đường sửa chữa. Vào ngày nắng nóng, nhựa đường bị mềm khiến bánh ô tô ngập.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG