Bộ trưởng Khoa học Công nghệ: Tiếp tục điều tra cháy xe

Bộ trưởng Khoa học Công nghệ: Tiếp tục điều tra cháy xe
TPO - Trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ sáng 5-5, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, thời gian tới, sẽ tiếp tục điều tra nguyên nhân gây cháy, nổ xe.

> Xe máy đang chạy đột nhiên bốc cháy
> Gần 40% cháy xe chưa rõ nguyên nhân

Một vụ cháy xe. Ảnh: Internet
Một vụ cháy xe. Ảnh: Internet.

"Nhận định kết luận ban đầu về nguyên nhân cháy, nổ xe như liên Bộ mới đưa ra là không thuyết phục vì không chỉ ra được nguyên nhân làm số vụ cháy nổ xe tăng đột biến gần đây" - Bạn đọc The Ha Nguyet nêu vấn đề.

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân cho biết, tình trạng cháy nổ xe cơ giớ gây bức xúc xã hội trong thời gian gần đây.

Vừa rồi, Bộ Công an đã chủ trì cùng các Bộ tổ chức họp báo công bố bước đầu kết quả điều tra về nguyên nhân gây cháy nổ.

Tỷ lệ cháy xe ở nước ta tăng đột biến trong hai năm 2010 và 2011. Cho nên, xã hội cũng rất bức xúc và yêu cầu Chính phủ phải làm thật rõ để có giải pháp ngăn chặn.

"Tôi cho rằng, xăng dầu được xã hội đặt vào vòng ngắm đầu tiên. Tuy nhiên, xăng dầu chỉ là chất cháy, để nó cháy được phải có tác động của nguồn nhiệt, cụ thể là phải có tia lửa. Vì vậy, khi xảy ra các vụ cháy nổ ô tô, xe máy, cơ quan công an cùng các bộ ngành liên quan đã tiến hành điều tra xác minh" - Bộ trưởng Quân nói.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Bộ Khoa học Công nghệ đã yêu cầu Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng - cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng xăng dầu - vào cuộc, lấy mẫu từ các xe bị cháy còn sót lại, lấy mẫu từ các cây xăng mà các chủ xe này đã mua để xét nghiệm.

"Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu. Vì thế, có thể nói, kết luận bước đầu của Bộ Công an đánh giá nguyên nhân cháy nổ khoảng trên 30% do chập điện, trên 15% là do sự cố kỹ thuật khác, còn lại nhiều nguyên nhân như vô tình hữu ý của người sử dụng xe gây cháy hay những nguyên nhân do tai nạn..." - Bộ trưởng nói.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Quân cho biết, sẽ tiếp tục điều tra nhằm tìm ra câu trả lời chính thức cho hiện tượng này.

"Các vụ cháy nổ xảy ra thì xăng dầu tại thời điểm đó không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng rất có thể chất lượng xăng dầu của thời gian trước đó là nguyên nhân gián tiếp gây ra những sự cố này.Tôi đề nghị các cơ quan điều tra cần phải đi theo hướng này.

Ví dụ trước đó nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí hàng năm, nếu như xe máy có sử dụng xăng dầu pha chất phụ gia mà gây hại như axeton có thể ăn mòn chi tiết động cơ, làm thủng bình chứa xăng, thủng đường ống dẫn bằng nhựa, làm thoái hoá gioăng đệm của động cơ dẫn tới rò rỉ xăng ở mức độ nghiêm trọng. Trong quá trình hoạt động, với ma sát của các bộ phận cơ khí với tia lửa của chập điện, rất dễ xảy ra cháy nổ."

Bộ trưởng cho biết, khó khăn của hướng này là không thể điều tra, xét nghiệm lại những mẫu xăng dầu của giai đoạn trước vì đã được tiêu thụ hết.

"Vì vậy, chúng tôi cho rằng, song song với việc tiếp tục điều tra nguyên nhân gây cháy nổ, các bộ ngành phải kiểm soát thật chặt chẽ chất lượng xăng dầu kể từ thời điểm này cho tới giai đoạn tiếp theo để tránh xảy ra cháy nổ trong giai đoạn tới".

Liên quan đến chất lượng xăng dầu, Bộ trưởng Quân cho hay, thời gian qua, Bộ đã tăng cường kiểm soát, thanh tra, kiểm tra, xử phạt và công bố công khai những đơn vị, cây xăng, đại lý vi phạm.

"Thường 3 - 4 năm, chúng tôi tổ chức thanh tra diện rộng toàn quốc về xăng dầu. Thanh tra Bộ phối hợp với thanh tra của các sở cùng với cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế thanh tra diện rộng. Mỗi đợt thanh tra diện rộng đó, chúng tôi kiểm tra toàn bộ mạng lưới phân phối và bán xăng dầu, đồng thời xử phạt hang nghìn cây xăng có vi phạm về đo lường và chất lượng xăng dầu. Tổng số tiền phạt trong những đợt này thường dao động từ 3 - 5 tỷ đồng".

"Gần đây, với luật xử phạt vi phạm hành chính mới, mức phạt đã tăng lên, chúng tôi hy vọng là đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm về chất lượng xăng dầu" - Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Chấm dứt sử dụng xăng A83

Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Quân: Hiện nay, chúng ta vẫn còn có một số phương tiện giao thông và một số lĩnh vực vẫn sử dụng xăng A83. Đặc biệt là trang thiết bị được sản xuất trong giai đoạn trước của các nước XHCN và Liên Xô cũ.

Tỷ lệ không nhiều nhưng vẫn còn sản xuất và sử dụng A83. Các đối tượng vi phạm thường sử dụng xăng A83 với giá thành thấp pha trộn với xăng khác hoặc bán với giá xăng A92, 95 để kiếm lợi.

Khi phát hiện, thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cùng các cơ quan chức năng xử phạt rất nghiêm minh. Chúng tôi đã trình Chính phủ cho phép chấm dứt sử dụng xăng A83 trong thời gian tới".

Theo Viết
MỚI - NÓNG