Lớp học đặc biệt
Nó đặc biệt ngay từ tên gọi đến thân phận học trò. Không có cảnh những cô bé, cậu bé trong bộ quần áo đồng phục ríu rít đến trường. Ở nơi này những đứa trẻ mang khuôn mặt mệt mỏi, nước da xanh xao, loáng thoáng vài ba cái đầu trọc lốc do truyền hóa chất, những chiếc cột buộc ống truyền dịch đứng lênh khênh cạnh chỗ ngồi học của bọn trẻ.
Trong chiếc tủ gỗ ở cuối lớp, cặp sách đủ màu sắc được xếp ngăn nắp, nhưng nó khác biệt với tất cả các lớp học khác bởi trên mỗi cặp kèm với tên học sinh là tên của khoa bệnh nơi học trò đang điều trị. Những căn bệnh mà nói đến tên khiến ta có thể hình dung bao nhọc nhằn mà đứa trẻ phải mang vác.
Buổi học đầu tiên trong ngày bắt đầu rất muộn, 10h30 sáng, đó là lúc những học sinh của lớp kết thúc công đoạn được bác sĩ thăm khám, uống và tiêm thuốc.
Sĩ số của lớp trồi sụt theo tình trạng bệnh của bệnh nhi. Bàn tay run run bởi ảnh hưởng của bệnh đang cầm bút viết những dòng chữa xô nghiêng là hình ảnh quen thuộc nơi này.
Lần đầu tôi đến lớp, căn phòng rộng 50m2 đầy ắp học sinh, vài ba lần sau trở lại có khi lớp chỉ năm, sáu bé. Cô giáo bảo thời tiết chuyển mùa, nhiều học sinh trở bệnh nặng, không tới lớp được.
Có điều gì xót xa trong ánh mắt cô gái trẻ tình nguyện đến dạy cho các bé. Đã vài ba lần cả lớp chia tay vĩnh viễn những người bạn của mình. Mới hôm trước còn cùng nhau học hát, học múa, học những câu thơ ấm áp tình người, vậy mà hôm sau chỗ ngồi đó đã vắng bóng học trò…
Cuốn sổ ghi tên học sinh đến lớp mỗi ngày đều kèm theo tên khoa bệnh đang điều trị. Nhiều nhất là các bé đến từ khoa Huyết học, Thần kinh, Tim mạch và Thận. Đó là những căn bệnh đòi hỏi thời gian nằm viện kéo dài, khiến bệnh nhi gần như không có cơ hội đến lớp học bình thường.
Trần Thị Thanh Huyền (12 tuổi, quê Vĩnh Phúc), đang nằm điều trị tại khoa Thận từ hơn nửa năm nay kể: “Tháng nào cháu cũng phải vào viện điều trị nên bỏ dở nhiều bài học. Không được đến lớp cháu nhớ các bạn lắm. Nhưng cháu rất vui vì từ giờ lại được đến lớp học Hy vọng, được học những kiến thức như các bạn. Cháu thích học nhất môn văn”.
Đứng ngoài cửa lớp học là ánh mắt ăm ắp nỗi niềm của những phụ huynh có con học trong lớp này.
Chị Tính, mẹ bé Nguyễn Tấn Hùng (9 tuổi, ở Phú Thọ), chia sẻ: “Từ ngày con mắc bệnh máu, gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm bởi con liên tục đi viện. Từ đầu năm đến nay tôi đã phải đưa cháu bốn lần xuống đây chữa bệnh. Tiền thuốc thang, đi lại cũng rất tốn kém, gia đình còn đang nợ ngân hàng 50 triệu đồng để lo chữa bệnh cho cháu.
Khó khăn vất vả vô cùng nhưng tôi vẫn nuôi hy vọng cháu sớm khỏi bệnh để có thể về nhà với gia đình. Tôi càng vui hơn nữa khi lớp học Hy vọng được mở ra trong bệnh viện, bọn trẻ sẽ có cơ hội được học chữ, được tiếp xúc với nhiều bạn bè, tránh cho chúng những nỗi đau hằng ngày vẫn đang phải chịu đựng”.
Mặc dù hằng ngày chứng kiến cảnh con cái đau đớn vì bị chọc tủy, truyền hóa chất nhưng những người mẹ vẫn gạt đi nước mắt, bế con xuống lớp học để các em có thêm niềm vui. Với những người mẹ ấy, khi cho con mình tham gia lớp học Hy vọng, họ cũng như được nối dài thêm hy vọng rằng con mình sẽ sống để được tiếp tục đến trường.
Thầy và trò cùng hy vọng
Đây có thể nói là loại hình lớp học đầu tiên tại Việt Nam mà ở đó những bệnh nhi được thoát ra khỏi không gian đặc mùi thuốc của phòng bệnh để mỗi ngày có thêm một niềm vui mới.
Ở lớp học Hy vọng, ngoài các thầy cô giáo đến từ trường tiểu học còn có các tình nguyện viên của Trung tâm Solart, Trung tâm Tân Việt. Có lẽ khó ở nơi đâu như lớp học này, ngoài việc các môn toán, văn, tiếng Anh và các môn vẽ, hát, học trò còn được truyền đạt kỹ năng - nghị lực sống.
Từng ngày, thầy cô đã đắp bồi cho bọn trẻ những ước mơ, tinh thần lạc quan vượt lên và chiến thắng bệnh tật. Đây đâu chỉ là sự khởi đầu trên hành trình dài mang hy vọng đến cho các bệnh nhi chiến thắng bệnh tật, mà ý nghĩa nhân văn độc đáo còn trùm lên, lặng lẽ góp thêm tiếng nói trợ lực cho các em những hiểu biết, kỹ năng để tiếp tục chiến đấu với chính mình.
Còn sống là còn hy vọng. Bài học này có lẽ đến quá sớm với những tâm hồn trẻ thơ, vốn chỉ biết “ăn ngủ học hành là ngoan”.
Không xuống lớp học được, bệnh nhi được tình nguyện viên lên tận giường bệnh đọc truyện cho nghe. |
Trong số các giáo viên đứng lớp, còn có một người thầy đặc biệt như chính những học trò của mình, bởi thầy cũng bị “án treo” lơ lửng của thần chết. Thầy là Hoàng Văn Quảng hiện là trưởng phòng hành chính của Bệnh viện Nhi T.Ư.
Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật công nghiệp, thầy Quảng về công tác tại bệnh viện với nhiệm vụ của người họa sỹ làm phông chữ cho các chương trình, vẽ tranh tường để các bệnh nhi không còn sợ bệnh viện.
Thầy giáo Quảng chia sẻ: “Tôi dạy vẽ cho các cháu. Chính tôi cũng là một người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư, tôi muốn giúp các cháu có tinh thần vượt lên để chữa bệnh. Nhưng nhìn những bức tranh do bọn trẻ vẽ thể hiện bao ước mơ tươi sáng đã tạo hiệu ứng trở lại cho tôi, đem đến cho tôi niềm vui và nghị lực để tiếp tục chống chọi với bệnh tật và đồng hành cùng lớp học”.
GS.TS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Bệnh viện tâm sự: “Rất nhiều trẻ em không được cắp sách đến lớp vì phải trở đi trở lại bệnh viện làm gián đoạn việc học ở trường, bị lưu ban do nghỉ lâu không theo kịp, rồi những cháu chưa có may mắn được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật sự xót xa.
Hy vọng lớp học mở ra giúp các cháu thực hiện ước mơ của mình là được cập nhật kiến thức, không bị tụt hậu sau khi trở lại trường, đồng thời giảm bớt nỗi đau cũng như những stress về tâm lí trong khi điều trị”.
Tôi rời lớp học thoảng mùi thuốc. Sau lưng vẳng tiếng các em đang đọc bài, là những ánh mắt trong veo, những bàn tay run rẩy cầm bút, nén vào đó bao hy vọng để vượt lên số phận, như những ngọn đèn yếu ớt, mệt mỏi nhưng không hề lẻ loi, vẫn nuôi ước mơ thắp sáng đời mình, dẫu tín hiệu cuối đường hầm xa ngái.
Nụ cười lạc quan và hy vọng của học sinh-bệnh nhi ung thư máu. |
Mà hình như lớp học mang tên Hy Vọng này, đâu chỉ mang lại hy vọng cho chính các em, mà còn mở thêm hy vọng cho thầy cô, cho những người như thầy Quảng.
Bởi chắc chắn một điều khi họ đứng giảng bài cho các em, thì những ồn tạp ngoài kia sẽ không mảy may có cơ hội lẻn vào, bởi họ đang sẻ chia hy vọng sống, lặng thầm gieo mầm mong chờ bình minh, cho những điều tốt đẹp đến với các em, cho chính mình và cuộc đời vốn đầy bất trắc này…