Mộ hoang và án tham nhũng chấn động lịch sử

Mộ hoang và án tham nhũng chấn động lịch sử
Gần hai thế kỷ trước, triều Minh Mạng rúng động với vụ án tham nhũng của viên quan đại thần Huỳnh (Hoàng) Công Lý. Đương chức phó tổng trấn Gia Định, Lý đã bòn rút tiền bạc dân binh.

Khi điều tra, ông còn lòi thêm tội lộng quyền, tham nhũng ngay tại kinh thành. Đặc biệt, vụ án tham nhũng này còn gây rúng động hơn bởi chính bản án xử tử nghiêm minh mà triều đình Minh Mạng đã “quân pháp bất vị thân” cho một đại thần nhiều công trạng và đang là bố vợ của chính nhà vua.

Tuy nhiên khi Lê Văn Duyệt mất, bị truy xét công tội, phải xích mồ, cũng xuất hiện dư luận xét lại vụ án Huỳnh Công Lý. Phải chăng ông đã nặng tay xử trảm vị phó của mình với nghi án “dám lăng nhăng với thê thiếp Lê Văn Duyệt”. Sự thật vụ trọng án tham nhũng chấn động lịch sử này thế nào? Và bí ẩn dưới ngôi mộ cổ hoang phế giữa Sài Gòn đã góp phần giải mật điều gì?

Lần tìm dấu tích

“Từ hồi còn học lịch sử, tôi đã đặc biệt quan tâm vụ án phó tổng trấn Gia Định Huỳnh Công Lý. Đó là trọng án tham nhũng mà tổ tiên đã công tâm minh xử để con cháu đời sau phải suy ngẫm, ghi nhớ.

Là võ tướng, Lý từng có công đánh giặc biên viễn cũng như chỉ huy đào thành công con kênh quan trọng bậc nhất ở Sài Gòn, nhưng quan trọng hơn cả Lý chính là bố vợ của vua Minh Mạng.

Ấy vậy mà khi phạm tội Lý vẫn bị nghị xử công khai. Rồi sau khi bị Lê Văn Duyệt chém đầu, Lý vẫn bị Minh Mạng nhiều lần nhắc lại tội lỗi như là bài học răn dạy cho chính hoàng thân quốc thích của mình” - đã qua tuổi 80, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật vẫn nặng nhớ chi tiết vụ án tham nhũng lịch sử mà ông đã nhiều năm đau đáu nghiên cứu, giải mật.

Trong cuốn Sài Gòn năm xưa, Vương Hồng Sển cũng viết lại rằng: “Gần Tam Tông miếu, mấy năm về trước còn thấy một ngôi mộ xây ô dước to lớn, vì chồm ra lộ cái quá nhiều nên bị cải táng. Hỏi ra đó là mả Huỳnh Công Lý.

Công Lý là quan to có con gái hầu đức Minh Mạng, được vua sủng ái nên cậy thế ỷ thần. Theo cụ Trương Vĩnh Ký chép lại, Lê tả quân mắc ra chầu vua ngoài Huế, Công Lý ở lại Sài Gòn có làm nhiều điều ngang dọc và dường như có xúc phạm đến một cô hầu của tả quân. Khi về quan lớn thượng hay được cả giận bèn tâu tự sự lên vua Minh Mạng.

Ông vua này có ý binh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý ra kinh đặng dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, sẵn có trong tay thượng phương bảo kiếm được quyền “tiền trảm hậu tấu”, bèn chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng thùng ướp muối, gửi thủ cấp về kinh, trên nắp thùng viết mấy chữ: “Phụng thừa thánh chỉ, xử trảm tội nhân”.

Minh Mạng thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận, nhưng không làm gì được Lê Công. Sau Bố chánh Bạch Xuân Nguyên đem chuyện này ra kết tội khi quân cho Lê Công và vu thêm nhiều tội lớn nữa...”.

Khoan chưa bàn đến nghi án Lê Văn Duyệt nhập nhằng chuyện công, chuyện riêng để xử chết Huỳnh Công Lý mà Vương Hồng Sển ghi lại từ tài liệu của Trương Vĩnh Ký, nhưng chính cuốn Sài Gòn năm xưa đã khẳng định viên quan tham này được chôn cất ngay tại pháp trường Sài Gòn. Thậm chí, mộ Huỳnh Công Lý còn rất to lớn, ở ngay khu vực sau này là chợ Vườn Chuối và cư xá Đô Thành.

Là người học sử và làm khảo cổ, ông Truật đã lần từ những manh mối này. Ông có niềm tin rằng chính những trang sử đất của kết quả khảo cổ sẽ góp phần quan trọng làm sáng tỏ sự thật lịch sử đã được thư tịch, chính sử và chuyện người đời sau kể lại. Ngay sau năm 1975, từ miền Bắc vào TP.HCM, ông Truật đã lần tìm dấu vết ngôi mộ tội nhân tham nhũng Huỳnh Công Lý.

Chắp nối lại các tài liệu, ông Truật tin Vương Hồng Sển ghi địa điểm chôn cất Lý là chính xác, đó chính là khu mả hầu không xa mấy khu “mả ngụy”, mà sau này đã chôn vùi hàng ngàn binh tướng cùng thân nhân già trẻ của “phiến quân” Lê Văn Khôi khi thua trận bị triều Nguyễn xử trảm tập thể dã man.

Tuy nhiên, có một điều ông Truật chưa tin lắm đó là chi tiết Vương Hồng Sển ghi mộ của Huỳnh Công Lý được cải táng. Nếu đã cải táng thì cải táng ở đâu? Tại sao không có tài liệu nào ghi lại điều này?

Hơn nữa, việc khai mở một ngôi mộ bề thế bằng hợp chất ô dước kiên cố ngày xưa không hề đơn giản. Đặc biệt, đã nói là cải táng mà tại sao một phần mộ vẫn còn nằm ngay chỗ cũ?

Dưới nấm mộ hoang

Suốt mấy năm, nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cố gắng khai quật phần mộ còn lại này để làm sáng tỏ sự thật nhưng chưa có điều kiện thích hợp. Bất ngờ đến khoảng cuối thập niên 1970, việc chỉnh trang đô thị đã cho phép ông cùng các đồng nghiệp như phó giáo sư khảo cổ Lê Xuân Diệm, giáo sư bác sĩ Nguyễn Quang Quyền tiến hành khai quật, làm sáng tỏ sự thật lịch sử dưới nấm mộ cổ đã hoang vỡ.

“Lúc ấy chưa nhiều phương tiện cơ giới phá công trình kiên cố như giờ. Nhưng nếu sẵn, chúng tôi cũng không sử dụng vì tác động cơ học quá mạnh có thể ảnh hưởng đến những gì còn lại trong quan tài” - ông Truật nhớ ngoài đội khảo cổ, đã phải thuê thêm công nhân xây dựng khỏe mạnh sử dụng đục thép cẩn thận phá từng mảnh nhỏ phần quách nấm mộ.

Đó là hợp chất ô dước mà người Việt xưa thường hay sử dụng để xây dựng các công trình kiên cố, kể cả lăng mộ. Nó được làm từ những thành phần chính như vôi, cát, mật, than gỗ quý, kể cả các vỏ sò biển giã nhuyễn.

Khi các thành phần này được trộn lẫn với nhau theo đúng công thức tốt sẽ tạo thành một hợp chất kết dính như bêtông. Nhưng hợp chất còn tốt hơn cả bêtông vì nó có độ dẻo dai, bền bỉ, ít bị nứt vỡ như bêtông đến lúc lão hóa.

Quan tài được bao bọc bởi lớp quách hợp chất này thường chống được sự xâm thực của nước, không khí, vi khuẩn phá hoại. Chính vì vậy, nhiều xác ướp đã được phát hiện ở VN đều có sự bảo vệ bởi lớp quách này.

Đục ròng rã suốt nhiều ngày liền, cuối cùng quan tài mới lộ thiên. Đội khảo cổ rất vui mừng khi thấy quan tài làm bằng gỗ trai vẫn còn nguyên vẹn, kể cả phần hoa văn bên ngoài cũng còn thấy rõ. Như vậy lần đập phá mộ để làm đường trước đây đã không phạm đến quan tài. Và chỉ khi quan tài còn tốt, các nhà khảo cổ mới hi vọng có thể tìm thấy sự thật bên trong.

Ông Truật nhớ đó là một quan tài làm bằng gỗ trai dày gần cả 0,1m, có màu đen thâm và rất nặng, được chôn sâu 3m dưới mặt đất, đầu quay về hướng tây nam. Đội khảo cổ đã phải mất gần cả buổi sáng mới khéo léo đưa được chiếc quan tài nguyên vẹn lên mặt đất. Thời tiết và điều kiện lúc đó không cho phép họ tìm hiểu bên trong quan tài ngay tại hiện trường, nên quan tài được chuyển ngay về bệnh viện để nghiên cứu.

Đến lúc này nhóm khảo cổ mới chỉ có một số cơ sở tạm tin một phần rằng đó là mộ Huỳnh Công Lý. Và sự thật bí ẩn gì đang chôn giấu trong chiếc quan tài cổ thâm đen?

Theo Quốc Việt
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.