Chất lượng không tăng theo viện phí

Nằm cấp cứu ở băng ca ngoài hành lang nhưng bệnh nhân cũng phải đóng tiền giường. Ảnh chụp ở khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy ngày 7-2. Ảnh: L.N
Nằm cấp cứu ở băng ca ngoài hành lang nhưng bệnh nhân cũng phải đóng tiền giường. Ảnh chụp ở khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy ngày 7-2. Ảnh: L.N
TP - Trong năm nay, việc tăng giá viện phí chắc chắn được áp dụng. Tuy nhiên, viện phí tăng không đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ y tế tăng.

> Tăng giá hơn 400 dịch vụ y tế

Nằm cấp cứu ở băng ca ngoài hành lang nhưng bệnh nhân cũng phải đóng tiền giường. Ảnh chụp ở khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy ngày 7-2. Ảnh: L.N
Nằm cấp cứu ở băng ca ngoài hành lang nhưng bệnh nhân cũng phải đóng tiền giường. Ảnh chụp ở khoa ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy ngày 7-2. Ảnh: L.N.

Gây khó cho bệnh nhân nghèo

Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho hay, viện phí mới sẽ được áp dụng nhắm tới việc đảm bảo quyền lợi cho người bệnh. Theo đó, sẽ khắc phục tình trạng bệnh nhân phải bỏ tiền túi ra trả còn Quỹ Bảo hiểm Y tế (BHYT) vẫn thanh toán cho bệnh viện.

Tuy nhiên, theo ý kiến nhiều người dân, căn cứ vào thực tế khám chữa bệnh hiện nay, có thể thấy trước được việc thực hiện thu viện phí mới có thể sẽ gây rất nhiều khó khăn đối với bệnh nhân. Đại diện cơ quan bảo hiểm Việt Nam cũng cho rằng, thông thường, giá tăng thì chất lượng sẽ tăng nhưng với dịch vụ y tế thì hơi khác, sau khi tăng viện phí, người bệnh chưa thể hy vọng chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện sẽ được cải thiện hơn trước.

Một số lãnh đạo bệnh viện khi được hỏi đã không ngần ngại thừa nhận, mức viện phí mới cũng không phải là cơ sở để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khi mà số dịch vụ y tế tăng giá chỉ chiếm khoảng 10% các dịch vụ y tế hiện có. Thêm nữa, mức đề xuất tăng giá viện phí mới nhất chỉ bằng 50% mức giá đề xuất những lần trước đó.

Đây là một trong những lý do khiến nhiều bệnh viện không mặn mà với việc nâng cao chất lượng. Lãnh đạo nhiều bệnh viện vẫn kêu thu không đủ chi, thì nay với mức giá mới nhất nếu được áp dụng chỉ bằng nửa những lần dự thảo trước.

Với mục tiêu để quyền lợi của người bệnh không bị ảnh hưởng khi thực hiện giá viện phí mới và dịch vụ y tế được thanh toán theo giá trị thực, ông Sơn cho hay, trong năm 2012, sẽ triển khai phương thức giám định hồ sơ theo xác suất tại 15 tỉnh thành phố sau khi thí điểm thực hiện tại TPHCM.

Giám định viên sẽ chọn ngẫu nhiên 10- 20% số hồ sơ các khoa của bệnh viện để giám định. Nếu chỉ một hồ sơ bệnh án có dấu hiệu lạm dụng hoặc bệnh viện thu thêm tiền của người bệnh sẽ bị xử phạt, thậm chí cơ quan bảo hiểm sẽ không trả khoản viện phí đó cho phía cơ sở y tế.

Thực tế đã tăng rồi

Một bác sĩ ở BV Nhi đồng 1 TPHCM khẳng định, việc tăng giá đợt này cũng không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh bởi lâu nay giá mỗi lần khám tại bệnh viện này đã 30.000 đồng/lượt khám thông thường. “Tại đây khám dịch vụ cũng đã tăng lên 60.000-80.000 đồng/lần khám, vì vậy tăng giá cũng không sao”- bác sĩ này nói.

Thực tế khung giá khám chữa bệnh ban hành từ năm 1995, với quy định mỗi lượt khám chỉ 3.000-5.000 đồng và 7.000- 20.000 đồng cho mỗi giường bệnh/ngày gần như không còn bệnh viện nào ở TPHCM áp dụng từ 5 năm qua.

Tại BV Nhi đồng 1, mỗi lượt khám là 30.000 đồng - 60.000 đồng từ 5 năm nay. Quy định bệnh nhân nằm giường hồi sức cấp cứu phải trả 12.000 - 18.000 đồng/ngày ở BV hạng 1 và đặc biệt nay cũng không còn áp dụng. Ở các bệnh viện như BV Bệnh nhiệt đới TPHCM, bệnh nhân phải trả 300.000 đồng/ngày từ nhiều năm nay.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, tại nhiều bệnh viện công ở TPHCM, việc “xé rào” tăng giá lên 10-20 lần so với khung giá (tăng hơn cả mức tăng giá Bộ Y tế sắp ban hành) đã diễn ra từ nhiều năm nay. Mặc dù nhiều lãnh đạo bệnh viện ở TPHCM cho rằng, tăng viện phí để tăng chất lượng khám chữa bệnh, nhưng tại nhiều bệnh viện hiện nay người bệnh vẫn ngồi, nằm ở hành lang, 2-3 người bệnh chen nhau một giường, thậm chí nằm ở gầm giường.

Một lãnh đạo bệnh viện lớn ở TPHCM đề nghị giấu tên cho biết, giá tăng cũng chưa chắc khẳng định chất lượng tăng theo. Bởi giá tăng, bệnh viện vẫn quá tải thì người bệnh vẫn nằm chung giường, hành lang. “Một khi không mở rộng thêm cơ sở, giảm tải thì khó nói đến tăng chất lượng”- người này nói.

Tăng chất lượng, điều không thể

TS Trần Bình Giang, Phó giám đốc bệnh viện Việt Đức cho rằng: “Đang có sự nhầm lẫn giữa tăng viện phí và tăng chất lượng dịch vụ y tế. Điều quan trọng cần làm rõ là giá dịch vụ y tế và ai trả dịch vụ đó. Cần phải minh bạch rõ ràng giá của dịch vụ y tế. Ví dụ, viên thuốc giá 10 nghìn thì phải trả đúng 10 nghìn chứ BHYT không thể trả bệnh viện 3 nghìn được”.

Bác sĩ Giang thừa nhận dù viện phí tăng cũng không thể đảm bảo chất lượng tăng theo như người dân mong muốn. Bởi lẽ, chính những quy định về giá cũng không sát giá thực tế như ca mổ tiêu tốn hết 10 triệu đồng nhưng cơ quan thanh toán BHYT cho bệnh viện chỉ áp dụng mức 3 triệu thì khi đó, bệnh viện sẽ lách luật, bằng cách cho bệnh nhân điều trị bằng dịch vụ thì mới có đủ thuốc.

Để người bệnh thực sự được hưởng quyền lợi tốt nhất khi điều trị, mỗi dịch vụ y tế phải có mức giá quy định sát thực tế, đồng thời làm rõ BHYT thanh toán bao nhiêu, người bệnh trả bao nhiêu chi phí của quá trình điều trị đó.

Một lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, giá viện phí mới vẫn chỉ là cách tính một phần chi phí khám chữa bệnh, chủ yếu là kinh phí trực tiếp. Theo bác sĩ này, giá viện phí mới chưa có lương, phụ cấp, khấu hao nhà cửa, sửa chữa lớn.

Trong khi đó những khoản đầu tư lớn này hiện nay Nhà nước không còn cung cấp cho bệnh viện nữa hoặc có nhưng không đáng kể. Như tại Bệnh viện Việt Đức, hiện nay Ngân sách nhà nước đưa xuống khoảng hơn 10 tỷ trong khi thực tế Bệnh viện Việt Đức mỗi năm chi phí hàng trăm tỷ đồng. Và vì thế giá viện phí mới chỉ giải quyết một phần khó khăn, còn để dựa vào giá viện phí mới mà nâng cao chất lượng dịch vụ y tế như người dân yêu cầu là điều không thể.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG