Nhà máy điện hạt nhân Việt Nam: Chọn công nghệ an toàn tự động

Các nhà khoa học, quản lý về hạt nhân Việt Nam dõi theo sự cố cháy nổ ở nhà máy hạt nhân Fukushima- Nhật Bản (ảnh cuộc họp của Bộ KH&CN hôm qua) Ảnh: Mỹ Hằng
Các nhà khoa học, quản lý về hạt nhân Việt Nam dõi theo sự cố cháy nổ ở nhà máy hạt nhân Fukushima- Nhật Bản (ảnh cuộc họp của Bộ KH&CN hôm qua) Ảnh: Mỹ Hằng
TP - Thảm họa động đất, sóng thần tại Nhật Bản gây nổ nhà máy điện hạt nhân buộc các nhà khoa học và quản lý phải xem xét lại toàn diện kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam, PGS. TS Vương Hữu Tấn- Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết.
Các nhà khoa học, quản lý về hạt nhân Việt Nam dõi theo sự cố cháy nổ ở nhà máy hạt nhân Fukushima- Nhật Bản (ảnh cuộc họp của Bộ KH&CN hôm qua) Ảnh: Mỹ Hằng
Các nhà khoa học, quản lý về hạt nhân Việt Nam dõi theo sự cố cháy nổ ở nhà máy hạt nhân Fukushima- Nhật Bản (ảnh cuộc họp của Bộ KH&CN hôm qua). Ảnh: Mỹ Hằng .

Trong khi khẳng định bụi phóng xạ tại Nhật chưa ảnh hưởng tới Việt Nam, lãnh đạo Bộ KH&CN cho hay chưa xác định cụ thể địa điểm xây nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Hôm qua, Bộ KH&CN có cuộc họp công bố thông tin về kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam sau khi một vụ cháy nữa xảy ra ở lò số 4 ở nhà máy hạt nhân Fukushima của Nhật Bản. PGS.TS Vương Hữu Tấn, cho biết, vẫn đang tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Theo ông Ngô Đặng Nhân, Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân (ATBXHN), Nhật Bản đã giúp Việt Nam tìm ra một vài địa điểm tốt như xã Phước Dinh, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Cục đang xây dựng thông tư liên quan tới địa điểm xây dựng nhà máy và trao đổi với nhiều chuyên gia quốc tế, trong đó đưa ra những tiêu chí địa điểm này phải đảm bảo an toàn cao nhất.

Địa điểm này phải đảm bảo ba cụm vấn đề ảnh hưởng tới nhà máy, gồm hiện tượng tự nhiên như: động đất, sóng thần; hoạt động của con người (nhà máy có gần sân bay không và các chuyến bay có gây ảnh hưởng không, có gần đường giao thông không...); các yếu tố có thể ảnh hưởng tới người dân... Thông tư này đang trong quá trình xin ý kiến để ban hành dựa trên góp ý của các cơ quan năng lượng quốc tế.

Ông Tấn cho biết, Nhật Bản đang là đối tác tiềm năng cung cấp công nghệ cho tổ máy số 2 của Việt Nam. Việt Nam được khuyến cáo lựa chọn thế hệ 3 hoặc 3+, hoạt động theo nguyên lý an toàn thụ động. Nghĩa là sử dụng các hiện tượng tự nhiên vào quá trình điều khiển an toàn.

Chẳng hạn, nước sẽ tự phun vào lò phản ứng khi có sự cố, lò sẽ tự dừng hoạt động trong 72 tiếng mà con người không phải can thiệp. Cơ chế hoạt động này khác hoàn toàn so với lò thế hệ những năm 60 tại Fukushima, Nhật Bản.

Việt Nam cũng đang trong quá trình xây dựng hệ thống ứng phó khẩn cấp sự cố từ trung ương đến địa phương, từ ủy ban cứu hộ cứu nạn tới các trung tâm ứng phó sự cố khẩn cấp địa phương... Cục ATBXHN đang hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố.

Liên quan tới việc Trung Quốc có các lò hạt nhân sát với biên giới nước ta, Bộ KH&CN chỉ đạo xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc quốc gia để phát hiện các ảnh hưởng phóng xạ xuyên quốc gia.
Bụi phóng xạ vẫn chưa ảnh hưởng Việt Nam

Lãnh đạo Bộ KH&CN khẳng định, các đám mây phóng xạ xuất phát từ các lò hạt nhân phát nổ tại Nhật đều bay ở phía đông bắc Nhật Bản và đang trong hành trình ra biển. Do đó, đất liền ít bị ảnh hưởng. Đường đi của đám mây phóng xạ này không có xu thế bay về phía Việt Nam.

Tuy nhiên, công tác quan trắc vẫn được tiến hành gắt gao. Việt Nam có một trạm quan trắc phóng xạ hoạt động 24/24. Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và Viện Kỹ thuật Hạt nhân cũng có thiết bị đo, hút mẫu phóng xạ trong không khí. “Căn cứ vào các số liệu quan trắc, chúng tôi khẳng định đến nay chưa có sự bất thường nào” - TS Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục ATBXHN cho biết.

Trong trường hợp gió đổi chiều và đám mây phóng xạ bay về phía Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ xem xét, đo nồng độ, nếu ở mức cao có thể phát đi thông báo ngừng sử dụng nước uống, thực phẩm tại vùng đó...

Trước tin đồn về bụi phóng xạ, mưa axit gây hoang mang dư luận, lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết đã thành lập một tổ công tác gồm Viện Năng lượng Nguyên tử, Cục Năng lượng Nguyên tử, Cục ATBXHN để thu thập thông tin chính thống tại Nhật và các tổ chức, các cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế.

Từ các thông tin chính xác, sẽ báo cáo Chính phủ và cơ quan chức năng để có phương hướng đúng đắn trong kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ Hạt nhân Ngô Đặng Nhân cho biết, tình hình của Nhật hiện nay đang rất phức tạp. Mặc dù phóng xạ nhà máy Fukushima đang bị nhốt trong thùng lò dày 15 – 20cm, nhưng trong lò vẫn luôn diễn ra các phản ứng. Khả năng nổ lò phụ thuộc vào chất lượng lò.

Trường hợp của Mỹ trước đây khi lò bảo vệ bị phá vỡ, thùng lò mới sử dụng 5 năm. Trong khi đó, thùng lò trong nhà máy Fukushima của Nhật đã hoạt động 40 năm. Tuy nhiên, dù tình huống xấu nhất xảy ra cũng không thể như vụ Chernobyl (Nga).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG