Trong báo cáo mới nhất, WHO cảnh báo tình hình sẽ trở nên “căng thẳng, thậm chí cực kỳ căng thẳng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt (ICU) ở 49 trên tổng số 53 quốc gia khu vực châu Âu từ nay đến ngày 1/3/2022”.
“Tổng số ca tử vong có thể lên tới hơn 2,2 triệu ca vào mùa xuân năm sau”, WHO dự đoán, tăng 700.000 ca so với con số 1,5 triệu ca hiện tại.
COVID-19 đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên khắp châu Âu và Trung Á. Trong đó, lý do khiến số ca tử vong gia tăng nhanh chóng ở châu Âu là do sự lây lan của biến thể Delta, tỷ lệ phủ vắc xin chưa cao, cũng như việc nới lỏng các biện pháp như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách.
Theo dữ liệu của WHO, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần vừa qua ở châu Âu đã tăng lên 4.200 ca/ngày, gấp đôi con số 2.100 ca/ngày hồi cuối tháng 9. Chỉ riêng tại Nga, số ca tử vong mỗi ngày đã lên đến hơn 1.000 ca.
“Tình hình COVID-19 trên khắp châu Âu và Trung Á đang rất nghiêm trọng. Chúng ta đang phải đối mặt với một mùa đông đầy thử thách ở phía trước”, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, ông Hans Kluge cho biết trong một tuyên bố.
Ông kêu gọi áp dụng các biện pháp dịch tễ khác ngoài vắc xin, bao gồm giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và rửa tay.
Theo một nghiên cứu mới đây, khẩu trang có thể giúp giảm tỷ lệ mắc COVID-19 xuống 53%, và “hơn 160.000 ca tử vong có thể sẽ được ngăn chặn (tính đến ngày 1/3/2021) nếu độ che phủ của khẩu trang toàn cầu là 95%".
Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Áo đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tái áp dụng biện pháp phong toả diện rộng. Một số quốc gia khác, bao gồm Pháp, Đức và Hy Lạp, có thể sẽ sớm đưa mũi tiêm tăng cường thành yêu cầu bắt buộc để được coi là tiêm chủng đầy đủ.