Giữa năm 1991, nàng Tô Thị đá bồng con trên núi Tô Thị ở Lạng Sơn, vốn nổi tiếng bởi truyện cổ tích Nàng Tô Thị và câu ca dao “Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa / Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…”, đổ nhào xuống vực. Tiếng rền của vụ đổ, mà người ta cho là hậu quả của việc lấy đá nung vôi ấy kinh động cả nước. Nhân đó, người ta mới nhìn lại thấy nước mình quả là có lắm đá vọng phu, thật là tương ứng với lịch sử bi tráng của dân tộc. Liệt kê ra thấy những là Vọng Phu trên đỉnh núi Bà, Bình Ðịnh; Vọng Phu trên đỉnh núi M'drak, Ðắk Lắk; Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi, Thanh Hóa; Vọng Phu bên bờ khe Giai, Nghệ An…
Khi đó, tự dưng trong đầu tôi ong lên tiếng nổ mìn ùng ùng phá đá nung vôi ngày hai cữ trưa và cuối chiều ở núi Nhồi mà hôm nào tôi cũng nghe hồi còn học ở Trường cấp 3 Lam Sơn, thị xã Thanh Hóa vào cuối những năm 70. Tiếng ong ong ấy thúc tôi về leo ngọn núi Nhồi, lên chỗ Ðá Vọng Phu xem nó sắp đổ chưa, rồi lang thang trong làng đá Nhồi để lấy thông tin tư liệu và cả… tâm trạng nữa để viết bài ký “Tô Thị đổ, Vọng Phu lo”. Ðược ông Trịnh Ngữ - Giám đốc bảo tàng Thanh Hóa khi đó cung cấp nhiều tư liệu, được anh Ngân cán bộ của ông Ngữ dẫn đi các ngóc ngách làng Nhồi và cả vùng văn hóa đá bao quanh bán kính đến vài cây số, được hầu chuyện nghệ nhân lừng danh Lê Văn Ngũ về nghề chế tác đá, thành thử tôi trở thành một tay có hiểu biết kha khá về đá Nhồi, làng Nhồi và nghề đá núi Nhồi. Hồi đó, nhìn khu núi tan hoang sau mấy chục năm bị đánh mìn lấy đá nung vôi, tôi nghĩ về câu ca nghe dưới chân núi “Cơm ăn mỗi bữa mỗi nồi/Bao giờ đập đá núi Nhồi cho xong” với niềm chua xót: Người xưa không thể ngờ được sức tàn phá của con cháu với công nghệ trong tay!
Thực sự cho đến nay, tôi lấy làm lạ là một thắng cảnh như Núi Nhồi với Ðá Vọng Phu bên trên và một làng nghề tài hoa nghìn năm bên dưới, nằm cách trung tâm thành phố Thanh Hóa về phía Tây Nam có vài cây số, đường đi lối lại thuận tiện, lại ít nổi tiếng, ít được để ý, ngay cả đối với người Thanh Hóa. Không biết hằng ngày có mấy người trong số những nghìn nghịt ngược xuôi trên con đường nối tỉnh lỵ với mấy huyện phía trên, hay trên tuyến đường sắt thiên lý Bắc - Nam để mắt nhìn lên nhóm tượng đá đứng lặng phắc trên ngọn núi, đội nắng gội mưa chẳng biết tự đời nào, mặt hướng thẳng ra phía biển?!
Cặp tình nhân trên núi Nhồi.
Chồng của Tô Thị đi lính không về nên nàng nhìn mãi phương Bắc. Còn chồng của Vọng Phu ở Nhồi, theo truyền thuyết, thì đánh cá ngoài khơi không về nên con mắt đá của nàng vĩnh viễn ngưng đọng một cái nhìn ra biển. Hai người đàn bà đá mà số phận biểu tượng cho tất cả đàn bà Việt từng phải xa chồng, từng mẹ góa con côi, do chiến trận, do sinh kế.
Giờ không còn nhiều người biết, nhưng dân gian xưa ở Thanh Hóa cũng như nhiều danh sĩ đặt chân tới chốn này từng có những cảm tác sâu lắng về nàng Vọng Phu. Ai đó, sống ở thời nào đó ở xứ Thanh là tác giả câu thơ:
Vọng Phu trẻ mãi không già
Nghìn năm đứng đó biết là đợi ai?
Ông Nghè Nguyễn Thượng Hiền (1868-1925) thấy nàng thì cảm thán:
Ngọc nữ sơn tiền tống nhạn quy
Xuân phong xuy vũ mãn thiên phi
Ðược dịch là:
Ngọc nữ đầu non chiếc nhạn qua
Ðầy trời mưa lạnh, gió xuân đưa
Trên ngực cột đá Vọng Phu có khắc 4 chữ Hán lớn Kiệt Nhiên Trung Trĩ, dịch là Sừng Sững Giữa Trời. Ðó là những chữ mà quan Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Thuật (1842-1911) đề tự và cho khắc lên đá Vọng Phu vào năm Canh Dần (1890), đời vua Thành Thái.
Nhồi là một núi thấp, chỉ cao chừng trăm mét, đường lên không phải là khó, nhưng thực sự không nhiều người lên đến tận nơi để thấy trên ngực cột đá tượng chính có khắc 4 chữ Hán lớn Kiệt Nhiên Trung Trĩ, dịch là Sừng Sững Giữa Trời. Ðó là những chữ mà quan Tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Thuật (1842-1911), người có công xin triều đình nhà Nguyễn cho mở lại trường thi ở Thanh Hóa, chấn hưng lại sự học ở tỉnh này một thời, đề tự và cho khắc lên đá Vọng Phu vào năm Canh Dần (1890), đời vua Thành Thái. Hồi năm 91 tôi lên thấy nét khắc rêu phong, trông cổ kính; giữa trời cao, nó có gì đó thật gợi, thật bí ẩn. Nay lên lại, chữ và nền bia chắc vừa được tô tạc lại, nhìn mới, tự dưng tạo cho mình cái cảm giác na ná như khi thấy Tháp Rùa được sơn quét lại.
Khác với những người chị em như Tô Thị và vọng phu khác, Vọng Phu Thanh Hóa là tác phẩm vừa thiên tạo, vừa nhân tạo. Các thợ đá Nhồi xưa lấy đá trên núi, thấy hình dáng tựa người của những hòn đá này nên đã chừa lại và lấy sâu xuống khiến cho cột đá cao lên đến khoảng 40 mét như ngày nay. Mà nói đến chuyện lấy đá, phải nhắc đến một giới luật xưa của làng Nhồi, đó là chỉ được lấy đá trên núi, cấm tiệt lấy dưới chân. Không biết dùng mìn (mà biết cũng không thể dùng vì mìn làm đá vỡ nát, tảng nào còn thì bị chấn động, bị om, đứt mạch, không thể dùng chế tác mỹ nghệ được), người xưa lên núi chọn dò các mạch đá rồi theo đó đục các rãnh sâu chừng hai mươi phân, chêm nêm gỗ khô vào rồi đổ nước. Gỗ hút nước nở mạnh tách mạch đá ra thành những phiến theo ý muốn của người thợ. Họ ghè, đẽo, sơ chế phiến đá rồi mới đưa xuống chân núi. Vì vậy mà lần đầu lên lưng chừng và đỉnh núi Nhồi, tôi kinh ngạc thấy bạt ngàn đá dăm, kinh ngạc nữa khi biết trước đó, khôi phục đường sắt sau cuộc kháng Pháp, người ta đã lấy rất nhiều đá dăm ở đây đi rải đường tàu. Bây giờ đá dăm vẫn còn lớp lớp trên đó. Nhìn ức triệu mảnh đá vụn mới biết lịch sử làng đá Nhồi dài đến thế nào.
Có người liên tưởng nguồn gốc nghề đá núi Nhồi với các việc các đoàn tù binh Chăm bị đưa về lập trại ở đây vào cuối đời nhà Tiền Lê và nhà Lý. Người Chăm giỏi chế tác đá nhưng hẳn họ cũng chỉ đóng góp thêm vào sự phát triển của nghệ thuật đá nơi này, bởi nghề đá ở đây có từ trước đó rất lâu. Một số cuốn cổ sử Trung Hoa chép rằng đời Tấn (265 - 420), viên thái thú tên là Phạm Ninh đã sai người đến núi này lấy đá để làm khánh. Sự tích tổ nghề làng Nhồi tôi nghe từ một cụ già hồi đó cũng không có vết tích Chăm ở trong. Kể rằng thời Bắc thuộc, thầy địa lý Tàu phát hiện trên đỉnh núi Nhồi có huyệt đế vương nên Hoàng đế Trung Hoa phái một viên quan tới phá núi, triệt huyệt. Viên quan là người nhân hậu, đến nơi thấy cảnh núi đẹp, người dân hiền lành, chăm chỉ, đá núi lại tốt nên không nỡ phá núi mà nghĩ ra một cách nhất cử lưỡng tiện là truyền nghề chế tác đá cho dân và quy định thành giới luật chỉ được lấy đá trên đỉnh núi để bí mật phá huyệt.
Bất luận nguồn gốc nghề đá Nhồi thế nào thì Nhồi cũng từng là một làng đá đứng hàng nhất nước. Triều đình nhà Nguyễn phải công nhận là thợ đá trong nước thì ở làng Nhồi "là sở trường hơn cả". Sử sách ca ngợi đá núi Nhồi, tôn vinh nghệ thuật đá và lưu danh những thợ đá – nghệ nhân tài hoa làng Nhồi đã để lại công nghiệp ngàn năm. Trước khi trở thành Thái úy nhà Lý, Lý Thường Kiệt là quan trấn thủ Thanh Hóa, ngài đã cho lấy đá núi Nhồi xây dựng chùa Báo Ân ngay gần đó (giờ không còn) mà tấm bia của chùa này có đoạn ghi rằng, núi Nhồi “Sản xuất nhiều đá đẹp, đó là đồ vật quý của mọi người. Sắc đá óng ánh như ngọc lam, chất xanh như khói nhạt. Sau này đục làm khí cụ, ví như đẽo thành khánh, đánh lên thì tiếng ngân muôn dặm; dùng làm bia, văn chương để lại ngàn đời”. Không chỉ dùng làm các vật dụng thường ngày như con lăn, cối, chân cột, con giống, tượng người…, đá Nhồi vang danh chủ yếu bởi được đưa đi làm các chùa lớn thời Lý, khu điện Lam Kinh thời Hậu Lê, thành Phú Xuân thời Quang Trung, Kinh thành Huế thời Nguyễn, rồi Phủ Giày, Nhà thờ đá Phát Diệm… Công trình đặc biệt Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng tới 730 mét khối đá đen, thứ đá đặc biệt quý ở núi Nhồi mà ít nơi khác có. Quanh núi hiện vẫn còn vết tích nhiều công trình đá một thuở trứ danh như các chùa Hinh Sơn, Tiên Sơn; các lăng tẩm đá, đền đài đá như lăng Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa.
Ðá lừng danh, ắt thợ cũng lưu truyền sử sách. Vẫn còn đủ cả tên tuổi những người làng Nhồi đã khắc bia tiến sĩ ở Văn Miếu và tham gia làm các công trình vừa kể. Trong số họ, tôi từng gặp một người, cụ Lê Văn Ngũ, người tham gia những công trình lớn như Trúc Lâm thiền viện tại Pháp, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, phục chế chùa Bút Tháp, đầu rồng đá Lam Kinh, bóc tách tấm đá trên vách núi ở huyện Ðà Bắc có khắc bài thơ của Lê Lợi để cứu nó khỏi chìm dưới lòng hồ thủy điện Hòa Bình...
Hôm về lại Nhồi, tôi hú họa vào một cơ sở đá ven đường. May, gặp anh Trần Văn Huế, được xếp vào hàng 4 người làng Nhồi hiện nay tay nghề khả dĩ tiếp nối được người xưa. Những người tay búa, tay đục trình độ như anh giờ hiếm vì Nhồi giờ có khoảng 20 cơ sở chế tác đá (so với 300 gia đình làm nghề thời Nguyễn!), nhưng các thợ trẻ hầu hết dùng máy để khoan, cắt, tạo hình, ít người có khả năng thổi hồn vào đá. Anh Huế từng tham gia làm các phần đá ở cầu Trường Tiền, Huế; tu bổ Nhà thờ Phát Diệm, các con giống ở Lam Kinh, bậc tam cấp Ngân hàng Nhà nước… Con anh Huế, Trần Văn Tiến, ông chủ trẻ của cơ sở đá mỹ nghệ Tiến Quân, vừa cùng bạn thợ trở về sau khi làm hệ thống lan can đá cho công trình tận đỉnh Phanxiphăng. Tiến có một ý nguyện nhờ tôi đưa lên báo: Cơ sở của Tiến cũng như hầu hết cơ sở đá mỹ nghệ ở Nhồi đều tự phát. Tiến mong muốn có một quy hoạch làng nghề cho Nhồi, như ở Non Nước, Ðà Nẵng hoặc Ninh Vân, Ninh Bình để có thể làm ăn ổn định, đường hoàng, nối nghiệp tổ tiên.
Chuyện sinh kế thì thời nào cũng là việc trọng, nhất là khi nối nghiệp tổ tiên, lưu giữ tài hoa của cha ông. Mong cho nguyện vọng của Tiến sớm được đáp ứng. Nhưng cả hai lần lên đỉnh Nhồi, đứng cạnh đá Vọng Phu, tôi đều đưa mắt nhìn xuống tứ bề rộng lớn tỉnh lỵ quê Thanh. Thấy nhà cửa nhỏ như đồ chơi lego, ô tô ngược xuôi bé như con lợn kẹo, người lăng xăng di chuyển nhỏ li ti như kiến, thốt nhiên tự thấy bản thân mình với những lo lắng bon chen thường nhật có gì như vô nghĩa.
Như là một nốt lạc quan, nếu như trong chuyến lên núi 1991, tôi chỉ gặp đúng một người, một anh lính giải ngũ, mà tiếng nổ đoành của thuốc mìn anh phá đá “trộm” làm tôi giật mình (thời điểm đó, tỉnh đã cấm khai thác đá) thì chuyến mới đây, tôi đi trong lặng phắc, tức là ngọn núi cơ bản đã được bảo vệ thành công. Những tưởng cả núi chiều đó chỉ có một mình tôi, bỗng từ một đường nhánh lưng chừng núi nhô ra hai bạn trẻ. Nhõng nhẽo một chút rồi chàng trai cõng cô gái xuống núi. Bắt chuyện vài câu, không tiết lộ mình là nhà báo, tôi vượt xuôi xuống phía dưới chụp ngược lên một bức ảnh. Ðôi tình nhân cõng nhau đi trong chiều, phía sau họ là hình nàng Vọng Phu vạn năm ngóng chồng in sững lên nền trời xám.
Khác với những người chị em như Tô Thị và vọng phu khác, Vọng Phu Thanh Hóa là tác phẩm vừa thiên tạo, vừa nhân tạo. Các thợ đá Nhồi xưa lấy đá trên núi, thấy hình dáng tựa người của những hòn đá này nên đã chừa lại và lấy sâu xuống khiến cho cột đá cao lên đến khoảng 40 mét như ngày nay.