Đón xem cuộc đụng độ giữa hai đội bóng lừng danh, cuối cùng vị tiến sỹ cũng chẳng thấy cái sự kinh điển diễn ra. Rồi sau, quảng cáo “kinh điển” trở nên nhàm chán người ta lại nâng cấp thành “siêu kinh điển”. Căn bệnh sính kinh điển đang lan tràn rộng rãi, đến cả trò chơi game cũng được quảng cáo: Trò chơi kinh điển. Dường như cứ đính “kinh điển” vào đâu, người sử dụng lại tin thứ ấy phát sáng.
Cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, “chiếu chèo” cũng được dịp “bằng chị bằng em” khi trải ra Nhà hát Lớn. Có người hơi băn khoăn liệu “canh rau muống với cà dầm tương” đặt ở mâm son có chắc ngon hơn trên bàn tre mộc mạc? Nhưng nghệ sỹ chèo Thanh Ngoan, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đã khẳng định: “Nhà hát Lớn là nơi mà người ta vẫn cho là nó gắn liền với không gian văn hóa sang trọng, vì thế việc đưa chèo vào đó biểu diễn là nâng tầm nó lên”. Chị còn nghĩ xa hơn: “Hơn nữa,theo tôi, chèo cũng có thể được/nên coi là nhạc kinh điển của Việt Nam - như Opera là nghệ thuật kinh điển của thế giới”. Chèo bấy lâu đã được đặt vào “chiếc ghế” rất độc: “Là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam” có cần thiết phải đua chen với Opera để đi vào xếp hạng kinh điển hay không, hẳn khiến không ít người yêu loại hình nghệ thuật này phải suy nghĩ. Chèo đòi giống Opera Việt khéo mấy “anh” láng giềng, tuồng, cải lương lại cảm thấy thiệt thòi?
Vào tháng 11, vở Tuồng “Nghêu, sò, ốc, hến” cũng ra sân khấu Nhà hát Lớn. Trước đó, tháng 10 “Vua thánh Triều Lê” cũng được Nhà hát cải lương Việt Nam “chơi sang” tại đây. Một tín hiệu mừng cho nghệ thuật truyền thống nhưng cũng lo về hội chứng “kinh điển”? Mà rồi, trong khi vui mừng, người trong cuộc cũng không khỏi lo lắng chẳng biết cái sự nâng tầm vỏ ngoài có giúp khán giả mặn mòi hơn không?
Theo tác giả Frank Kermode trong cuốn The Classic, cây bút La Mã Aulus Gellius là người đầu tiên dùng từ “kinh điển” để chỉ một tác phẩm văn học kiệt xuất. Chính vì vậy, tác phẩm văn học được dễ dãi vinh danh “kinh điển” không khéo lại khiến người sinh ra nó ngượng ngùng. Mảng văn học dành cho thiếu nhi tuy chưa thịnh vượng cũng gọi tên đến cả chục cuốn kinh điển: “Dế mèn phiêu lưu ký”, “Đất rừng Phương Nam”, “Kính vạn hoa”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”…
Trong khi đó cả lịch sử văn học Trung Quốc bề thế, chỉ 7 cuốn tiểu thuyết được vinh danh kinh điển: Thủy hử, Hồng Lâu Mộng, Tây du ký… Mới đây, “Nỗi buồn chiến tranh” lại lọt vào giải thưởng văn học Hàn Quốc Sim Hun, ở hạng mục “giải thưởng lớn” dành cho các nhà văn Châu Á. Thế mà cha đẻ của nó cũng chỉ chia sẻ nhỏ nhẹ với báo giới: “Một niềm vui nho nhỏ trong đời người viết văn”. Bởi vì chẳng cần phải phổ cập “kinh điển” thì tác phẩm này cũng đủ kiêu hãnh rồi.