Cứ tưởng tiêu biểu của một nền âm nhạc là ca khúc thì phải bội thu thành quả nhưng ca khúc của ta cũng nảy sinh không ít vấn đề, gần đây nhất là vấn đề “dựa hơi”. Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới vụ chàng trai đình đám mới đăng quang ca sỹ của năm ở giải Cống hiến, đã tạo bão bằng cách cho ra đời sản phẩm mới “Chúng ta không thuộc về nhau” bị nghi “ăn cắp”. Chuyện Sơn Tùng ở vai trò sáng tác ca khúc với nghi án “đạo” thực chẳng phải câu chuyện mới mẻ. Chàng cứ “đẻ” lứa nào, y như rằng lứa ấy lại dậy lên tin đồn “con lai”. Có nhiều tranh cãi xung quanh câu chuyện Sơn Tùng song có lẽ khi DJ bài “We don’t talk anymore” (được coi là nguyên mẫu cho sản phẩm của Sơn Tùng) lên tiếng trên trang cá nhân, rằng: “Ca khúc tiếng Việt này nghe rất giống bản remix của tôi” thì đám đông cuồng nhiệt cũng khó cãi. Họ chỉ còn biết thể hiện cách bênh “thần tượng” một cách u tối: “Vẫn yêu Sơn Tùng”. Thông tin gần nhất, MV Chúng ta không thuộc về nhau cán mốc trên 9 triệu lượt xem trên Youtube, được đánh giá là con số kỷ lục với một sản phẩm âm nhạc ở Việt Nam, sau 3 ngày ra mắt. Như vậy, trung bình cứ một ngày lại vài triệu lượt người xem, một con số đáng kinh ngạc. Liệu chăng, sự cán mốc ngoạn mục ấy cũng nhờ một phần không nhỏ từ tai tiếng của sản phẩm? Chẳng lên tiếng phân bua “đạo” hay không đạo mà Sơn Tùng đáp trả dư luận bằng cách tung ra bản cover “Chúng ta không thuộc về nhau” vừa chơi piano vừa hát. Và chỉ trong vài giờ clip cover lại tiếp tục gây bão.
Có những bình luận của độc giả khá dí dỏm xung quanh ồn ào này: “Gặp vua đạo nhạc thì chuyện tác phẩm giống của người khác là chuyện thường thôi”; “Cảm ơn Tùng đã làm cả thế giới biết đến nhạc Việt Nam”; “Việt Nam đang tôn sùng việc giả dạng và nhái giọng các nhân vật nổi tiếng đầy các gameshow thì Sơn Tùng có nhái nhạc của người khác cũng là chuyện bình thường thôi”… Có người hài hước “luận”: Sơn Tùng-MTP= Sơn Tùng- Mượn tác phẩm. Nhưng lượng người phản đối Sơn Tùng dường như bị lực lượng hùng hậu say mê chàng trai này đè bẹp. Thế mới dẫn đến thái độ thản nhiên sung sướng của kẻ bị “đấu tố”, vẫn hoan hỉ cho ra lò bản cover sản phẩm tai tiếng. Trách nghệ sỹ hư, phải chăng cũng nên trách các “thượng đế” đã tạo ra “thiên đường mù”? Nhưng cũng phải thấy rằng, cách yêu mù quáng của một bộ phận không nhỏ giới trẻ dành cho chuyên gia “mượn tác phẩm” cũng phản ánh, người trẻ đang khát mảng âm nhạc giải trí mà một vườn hoa âm nhạc với đầy đủ ông hoàng, bà hoàng… và lực lượng nhạc sỹ ngày một đông đảo vẫn chưa chạm tới được.