Một trong những “Ông đồ” thuộc hàng “hot” nhất bây giờ, chính là Trần Quang Đức, tác giả “Ngàn năm áo mũ” gây tiếng vang trên thị trường sách vừa qua.
Trần Quang Đức mới “xuống tóc”. Sự thay đổi này khiến anh trở lại đúng với tuổi thật của mình, 29 tuổi. Trước đó, nhà nghiên cứu để tóc dài, búi tó, tóc lấm tấm bạc, chín chắn hơn nhiều so với cái tuổi 29, nhất là khi trò chuyện cùng anh về Hán học, về văn hóa người Việt, những vấn đề anh có chuyên môn vững chãi, lại càng khiến ta cảm thấy mình non nớt và không khỏi thoáng nghĩ ông đồ trẻ chắc đã từng sống qua… một ngàn năm!
Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng
Dịch sách chỉ là “lấy ngắn nuôi dài”
Bây giờ “Ngàn năm áo mũ” đã trở thành “thương hiệu” mang tên Trần Quang Đức. Nghe đâu, sách đã tiêu thụ vượt qua ngưỡng 7 ngàn bản từ lâu. Một con số đáng ngưỡng mộ, nhất là với một cuốn sách thuộc dòng nghiên cứu, có dung lượng khá dày, ngót bốn trăm trang, trong thời buổi cả nước đang báo động về tình trạng xuống cấp văn hóa đọc.
“Ngàn năm áo mũ” đã ẵm giải sách hay năm 2014, ở hạng mục “Phát hiện mới”. Người ta có thể tranh cãi về cuốn nọ, cuốn kia vì sao lại rinh giải sách hay nhưng sự thắc mắc đó không đặt ra với “Ngàn năm áo mũ”.
Đây cũng là thắng lợi thuyết phục vào dạng hiếm, lâu nay những giải thưởng liên quan đến văn hóa nghệ thuật ở ta (nhất là văn học) thường gợn sóng ì xèo, cũng là quả ngọt xứng đáng cho lao động âm thầm của nhà nghiên cứu trẻ.
Con đường đến với Hán học của Trần Quang Đức không có gì đặc biệt. Anh sinh ra và lớn lên ở Hải Phòng, trong một gia đình không có thành viên nào quyến luyến hay hiểu biết về chữ viết của người xưa.
Những lần vào chùa, nhìn thấy những dòng chữ cổ, anh tò mò muốn giải mã. Sự kích thích khám phá ấy khiến anh đã tự học Hán Nôm ngay từ năm lớp 7. Để rồi 5 năm sau, năm thứ nhất đại học, chàng đã tham gia cuộc thi tìm hiểu tiếng Hán toàn quốc, giành luôn giải nhất.
Từ đó, Trần Quang Đức được tuyển chọn để tham gia tiếp cuộc thi cầu Hán ngữ cho sinh viên chuyên ngành tiếng Hán trên toàn thế giới và lại bất ngờ vượt qua nhiều sinh viên gốc Hoa chính hiệu để giành giải nhất, được nhận học bổng toàn phần tại Đại học Bắc Kinh.
Tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 2009, Trần Quang Đức trở về nước. Đúng lúc đó, phim ảnh cổ trang ở ta đang đau đầu với vấn đề trang phục giống Tàu. Chàng trai trẻ đã nảy ra ý định viết cuốn “Ngàn năm áo mũ” với tham vọng bé nhỏ: “Xóa chút mây mù trong hiểu biết của người dân về nếp ăn nếp mặc của tiền nhân”. Tác phẩm đã làm sống dậy trang phục của người Việt trong gần một ngàn năm từ triều Lý đến triều Nguyễn (1009-1945).
Dù đây là một công trình nghiên cứu nhưng dễ tiệm cận với độc giả bình thường, bởi rõ ràng tác giả đã có dụng ý làm mềm hóa những gì khô khan, làm nhẹ nhàng những gì phức tạp, kèm theo đó là vô số hình ảnh minh họa. Ngay đến tên sách cũng khá “câu khách” nhưng không rẻ tiền mà giàu chất thơ, mở ra chiều sâu của không gian văn hóa, được bắt nguồn từ câu thơ cổ: “Áo mũ ngàn năm thành cỏ rác”.
Để sinh nở thành công “đứa con” đầu lòng, Trần Quang Đức đã trải qua một quãng thời gian khó khăn, vừa viết sách, vừa cầm cự kiếm sống. Nhắc đến Trần Quang Đức người ta thường nhắc đến những tác phẩm dịch của anh như một nét chấm phá trong bức chân dung về nhà nghiên cứu trẻ: Trà kinh (2008), Chuyện tình giai nhân (2011), Trường An loạn (2012), “Sử ký” (2014). Tuy nhiên, chính người dịch lại không mấy tự hào về điều này, anh bảo: Đó chẳng qua là cách “lấy ngắn nuôi dài”, dịch sách để nuôi viết sách.
Trần Quang Đức hiện là nhà nghiên cứu tự do. Cũng mới đây anh đã quyết định mở lớp Hán nôm vỡ lòng, với mục đích giúp cho bạn trẻ yêu thêm, hiểu thêm về tiếng Việt.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
Gỡ mác âm lịch khỏi chữ Hán Nôm
Mỗi độ hoa đào nở tôi lại lăn tăn với câu hỏi: Nhà nhà xin chữ, người người xin chữ để cầu may nhưng ý nghĩa và vẻ đẹp của thư pháp ra sao, chắc mấy người đủ thấm? Tuy nhiên cũng không dám nghĩ đến việc thiên hạ sẽ kéo nhau đi học chữ Hán Nôm. Bởi chính tôi đã từng có trải nghiệm với những con chữ của người xưa khi ngồi trên giảng đường đại học, đến nay, tự thấy “chữ thầy trả thầy”, may ra còn sót lại mất chữ được thầy dạy bằng thơ dễ thuộc…
Hán Nôm khó học, lại không đủ sức cạnh tranh trên trận địa “cơm áo gạo tiền”, thế nên khoa Hán Nôm của Đại học Quốc gia Hà Nội nghe nói cũng tương đối đìu hiu sinh viên, cũng là điều dễ hiểu. Thế mà Trần Quang Đức lại có tham vọng bóc mác âm lịch cho chữ Hán Nôm, để chữ Hán Nôm rồi đây sẽ không chỉ ngồi làm duyên trên tờ lịch hay hoài cổ, uy nghiêm trong câu đối cửa chùa, đắt giá trong mùa hoa đào nở ở Văn Miếu…
Tham vọng đó thật đáng khích lệ, bởi Hán Nôm đã bao giờ “âm lịch”, trong lời ăn tiếng nói hằng ngày chúng ta vẫn chạm đến chúng với tần suất lớn, chẳng qua ta cứ hồn nhiên không để ý mà thôi.
Phim cổ trang cứ đòi ra Việt nhưng muốn ra Việt mà không có răng đen, không nhai trầu thì không thể ra Việt.
Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức
Lớp học Hán Nôm vỡ lòng của Trần Quang Đức thu hút gần trăm học viên. Bất ngờ ở chỗ đa phần là thế hệ 8x, 9x. Thầy giáo chỉ dạy tuần một buổi. Mỗi buổi học kéo dài chừng tiếng rưỡi.
Chẳng biết vì Trần Quang Đức đẹp trai hay vì bài giảng của anh hấp dẫn mà học viên cứ chỉ mong đến cuối tuần. Hóa ra lỗi không phải tại chữ Hán Nôm khó học hay cũ kỹ. Chữ xưa không xưa chỉ có người nay dạy chữ vẫn xưa nên khó thu hút mà thôi. Giáo trình dạy tiếng Hán Nôm của Trần Quang Đức có lẽ chưa từng thấy. Đó cũng là ưu thế của một người trẻ tuổi.
Đến lớp học của thầy Đức, bạn trẻ có thể mặc bất cứ trang phục gì cũng không bị thầy “soi”: “Có thể mặc pijama, váy ngắn… đến lớp, miễn thoải mái và gắng nhớ bài”. Cách dạy của thầy cũng không bó khung trong phấn trắng, bảng đen truyền thống mà đa phương tiện, chủ yếu dùng trình chiếu, màu sắc, hình ảnh sinh động, thậm chí kết hợp luôn cách thức của trò chơi “Đuổi hình bắt chữ” ăn khách vào giảng dạy.
Thí dụ dạy chữ “Thượng”, với nghĩa gốc là được yêu chuộng đề cao, tôn trọng, thầy giáo dùng hình ảnh minh họa: Một cô gái ăn vận sexy ngồi trên chiếc ghế vuông. Thày cứ dạy kiểu này, học trò trẻ tuổi không thích mới lạ.
Trần Quang Đức không chủ trương thiêng hóa con chữ, không nhân cơ hội dạy chữ để bồi dưỡng thêm hiểu biết về Nho giáo cho học trò. Cách dạy của anh đề cao tính thực dụng: Nhớ được chữ, để hiểu hơn về tiếng Việt. Tới đây, từ cuốn giáo án này, anh sẽ cho ra mắt cuốn sách dạy chữ Hán Nôm cơ bản, có minh họa kèm theo, thích hợp với những độc giả yêu thích và mong muốn tìm hiểu về chữ Hán nhưng không có điều kiện đến lớp.
Quan điểm của Trần Quang Đức: Không có gì là miễn phí. Anh dạy chữ Hán và thu học phí, dù mức học phí khá mềm mại: “Miễn phí thì sẽ không biết trân trọng”. Ngay cả chuyện viết thư pháp lấy tiền vào mùa xuân ở Văn Miếu, anh cũng từng thẳng thắn bày tỏ: “Viết chữ và trả tiền cũng là chuyện hết sức bình thường”.
Trần Quang Đức nói đúng sự thật: “Thư pháp cũng là một trò chơi tốn kém. Bút nghiên giấy mực loại tốt thì thứ nào cũng phải mua với giá rất cao”.
Không răng đen thì tìm đâu chất Việt?
Sau “Ngàn năm áo mũ” ra đời, một số đoàn làm phim đã tìm đến Trần Quang Đức mong muốn hợp tác với anh về phần phục trang nhưng anh chưa nhận lời: “Nên đưa răng đen vào phim Việt, người ngày xưa quan niệm răng trắng như răng chó, chỉ răng đen mới đẹp. Phim cổ trang cứ đòi ra Việt nhưng muốn ra Việt mà không có răng đen, không nhai trầu thì không thể ra Việt.
Vào phim: Ông mặc bộ trang phục hệt Tàu nhưng răng ông đen, ông lại nhai trầu, ông chỉ có thể là Việt. Các cụ ngày xưa viết chữ Tàu, làm văn kiểu Tàu thì sợ gì cái áo Tàu?”. Nhưng chưa có một đoàn làm phim nào mạnh dạn để diễn viên "nhuộm" răng đen cho ra chất Việt.
Một tin vui, Trần Quang Đức sẽ góp mặt trong bộ truyện tranh "Long thần tướng" sắp ra mắt, ở vai trò cố vấn hình ảnh, ngôn ngữ, phong tục, lịch sử. Điểm đặc biệt của bộ truyện tranh này là các nhân vật trong truyện đều nhuộm răng đen, ngôn ngữ phỏng cổ nhưng giản dị, dễ hiểu.
Với sự góp mặt của Thành Phong, Khánh Phương, Trần Quang Đức, bộ truyện tranh “Long thần tướng” hứa hẹn sẽ gây sốt trong giới trẻ Việt thời gian tới.
Nhà nghiên cứu trẻ thích thú chia sẻ cách làm mới để huy động vốn của bạn trẻ hiện nay: Tập truyện tranh, ra đời nhờ hình thức góp vốn cộng đồng, trong hai tháng đã thu được 300 triệu đồng cho dự án.
Sự rơi rụng của kính ngữ
Trần Quang Đức kể câu chuyện khi anh có dịp sang Hàn, chứng kiến cảnh sát cơ động dẹp đường, họ dùng những câu hết sức nhã nhặn: Xin mọi người lánh ra ạ. Hay những lời dặn dò ân cần: Mọi người đi cẩn thận nhé! Anh nói rằng, đang ở xứ người, nghe những câu nói ấy thấy lòng ấm lại. Và hơi buồn khi đánh giá: Trung Quốc hiện nay đã mất lễ rồi.
Trong lời ăn tiếng nói bình thường không còn kính ngữ “ạ, dạ, vâng” như Việt Nam ta, đại từ nhân xưng đã xích gần với tiếng Anh: Chỉ có một sắc thái, tương tự như “I” và “You” (“Tôi” và “Bạn”). Tuy nhiên, theo Trần Quang Đức, kính ngữ ở ta cũng đang bị rơi rụng.