Nhà thơ Y Phương: Nói như người Kinh thì… tôi thua

TP - Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng phong cho thi sĩ dân tộc Tày là: Nhà yêu học- Một người sinh ra để yêu, để làm thơ, để ca ngợi vẻ đẹp của đàn bà…Chẳng hổ danh “nhà yêu học” khi Y Phương quan niệm về thơ: “Thơ cũng giống như tình yêu. Không có sự run rẩy thì không có thơ”.
Nhà thơ Y Phương: Nói như người Kinh thì… tôi thua ảnh 1

Tranh: Nguyễn Xuân Hoàng

Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước. Ông giới thiệu về mình giản dị: “Con là con trai của mẹ/Người đàn ông ở làng Hiếu Lễ/Ba mươi tuổi từ mặt trận về/Vội vàng cưới vợ”. Làng Hiếu Lễ, nơi có “ngôi nhà xây bằng đá hộc” in đậm trong ký ức Y Phương, thuộc xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Đất Cô Sầu gắn với truyền thuyết về mối tình dở dang của một người con gái đẹp, từng trở đi trở lại trong nhiều trang viết của Cao Duy Sơn, nhà văn dân tộc Tày.

Nhắc đến Y Phương nhiều bạn trẻ sẽ nhớ đến bài thơ “Nói với con” được in trong sách giáo khoa: “Người đồng mình thương lắm con ơi/Cao đo nỗi buồn/Xa nuôi chí lớn/Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn/Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/Sống trong thung không chê thung nghèo đói/Sống như sông như suối/Lên thác xuống ghềnh/Không lo cực nhọc”.

Ở Cao Bằng, ngoài Y Phương, tôi còn ấn tượng với nhà thơ dân tộc Dao Bàn Tài Đoàn. Cùng sinh ra trên đất Cao Bằng, nếu Bàn Tài Đoàn có giọng thơ chân thật, thuần khiết gây xúc động như trong “Muối cụ Hồ”: “Con khóc đòi ăn cơm chấm muối/ Mẹ tìm đâu hạt muối cho con” thì thơ Y Phương giàu trí tuệ hơn, sắc sảo hơn. Vẻ sắc sảo ẩn trong lớp vỏ hồn nhiên, hồn hậu.

Tôi thích Y Phương bắt đầu từ bài thơ tình Đi tìm: “Nhà em ở miền đông/Nhà anh mãi miền tây/Từ anh sang em/Đi hỏng đôi giày/Anh đi quên vung tay/Cởi áo vắt vai/Phăm phăm bước/Mặt trời cũng một mình/Đi tìm/Mặt trăng”. Như dân gian thường ví: “Đường xa vạn dặm”, cách diễn tả đường xa: “Từ anh sang em/Đi hỏng đôi giày”, ngây thơ mà độc đáo, chỉ có trong thơ Y Phương.

Trong một lần trò chuyện, thi sĩ đã “bật mí”: “Tôi viết bằng tư duy của dân tộc mình thôi. Nói như người Kinh, tôi thua. Chẳng dại gì so món phở xào với người Kinh, phải là phở chua, bánh cuốn canh, thịt gà xào gừng, vịt quay, lợn quay… Khai thác những cái đó, cái người ta không có thì mình khoe”.

Kiểu của Y Phương đúng là “biết người biết ta” nên thơ của ông tuy có không ít bài dở nhưng cũng không thiếu những câu thơ, những bài thơ có thể ngẩng cao đầu trong thi ca Việt Nam đương đại. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo từng ca ngợi hai câu lục bát trong bài “Hương thơm trái thị” của Y Phương chẳng kém bất cứ câu thơ hay nào của bất cứ nhà thơ người Kinh nào: “Trái vàng trông thấy mấy khi/Trái thơm, thơm cả những gì chưa thơm”.

Không ai đúc quả chuông bằng cối thép

Y Phương từng lang thang ở văn xuôi, đặc biệt thành công với “Tháng giêng tháng giêng, một vòng dao quắm” (Giải B của Hội văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số Việt Nam) đậm dấu ấn văn hóa Tày. Nhưng văn xuôi chưa bao giờ là niềm đam mê số một của nhà thơ.

Ông tâm sự: “Sau khi viết xong trường ca tôi rỗng hết cả người, quay sang viết văn xuôi để luyện bút. Tôi yêu thơ, thơ chỉ cần một câu thôi nói được bao nhiêu vấn đề.

Đấy, câu thơ của Dương Tường: “Tôi đứng về phe nước mắt” để văn xuôi diễn tả được như thế phải mất vài chương. Thơ có tính hàm súc nhưng không phải lúc nào cũng làm được thơ, giống như tình yêu vậy. Không yêu không làm được thơ. Phải yêu tan nát đi. Tình yêu để đói thì sống, no sẽ chết, bởi nó bão hòa mà”.

Không như nhiều nhà thơ thường nói kiểu rất hòa bình: “Thơ tình sáng tác bằng tưởng tượng, không có nguyên mẫu ngoài đời”. Y Phương thẳng thắn: “Tôi lúc nào cũng yêu. Không có tình yêu, không có sự run rẩy thì quên đi nhé, không có thơ”.

Không ít người tò mò về bút danh Y Phương của ông, một số người bạn quen biết ông dịch bút danh Y Phương chính là “Yêu Phương”. Tôi hỏi Y Phương, bút danh này có từ bao giờ, do ai đặt cho ông?

Nhà thơ dân tộc Tày tủm tỉm: “Cô chưa sinh thì tôi đã có bút danh này rồi, do tôi tự đặt”, nghĩa là bút danh đã sống ngót bốn chục năm nay. Y Phương không nhận ý nghĩa bút danh là “Yêu Phương” như người đời thêu dệt nhưng ông cũng thú nhận từng yêu những người con gái có dính đến chữ Phương: Cô này họ Phương, làng Cổ Phương, cô kia tên Phương, yêu nhau nhưng không lấy được v.v..

Và ông đã từng viết những câu thơ nói về bút danh của mình: “Nhưng rồi anh tự đặt cho mình cái tên/Ấm nóng/ Rạo rực một thời…/Và bây giờ/ Khi gọi cái tên ấy lên/ Con đường đang đi bỗng mở ra”. Ai đã từng biết Y Phương sẽ thấy ông không phải người sôi nổi nhưng thơ tình của Y Phương thì sôi nổi chẳng kém ai. Y Phương không chỉ là tác giả của một “Mùa hoa” rạo rực, gây tranh cãi.

Ông còn là tác giả của những bài thơ tình bừng bừng mà ông từng xếp vào phần “Những người đội rượu” trong tuyển thơ của mình. Em- Cơn mưa rào- Ngọn lửa là một trong số những bài thơ tình tiêu biểu của Y Phương được nhiều bạn đọc yêu thích, đồng nghiệp phục: “Ngày ra suối nhớ em/Gặp bông hoa nhớ em/Nói chuyện với người con gái cũng nhớ em/Em hiền lành/Em chậm chạp/Em đội chum rượu đến với anh/Người con gái có bàn chân to khỏe/Đạp qua bao nhiêu đau khổ/Đến với anh”.

Y Phương ca tụng “em” theo cách riêng, rất thiết thực: “Em là mực trong ngòi/Là cơm trong nồi/Là gà gáy/Cũng là quả ớt”. Những câu thơ của ông khiến người ta liên tưởng đến “Thơ vui về phái yếu” của Xuân Quỳnh: “Anh thân yêu, Người vĩ đại của em/Anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối”.

“Em là mực trong ngòi/Là cơm trong nồi/Là gà gáy/Cũng là quả ớt”

Trích thơ Y Phương

Không ít kẻ cũng dùng “mác” nghệ sỹ để bào chữa cho những câu nói, việc làm, ứng xử… vượt ngoài qui chuẩn của mình. Nhưng với Y Phương đã mang danh nghệ sỹ thì chính anh đã buộc thân phận mình trong sự tôi luyện về nhân cách: “Người nghệ sỹ chỉ tôn vinh cái đẹp, nói về cái đẹp, không tranh giành, không đấu đá. Người nghệ sỹ sáng tạo ra cái đẹp nên cái tâm phải sáng.

Đã là văn chương phải trong sáng, bởi không ai đúc quả chuông bằng cái cối thép, phận người làm văn phải mỏng, mới nhạy cảm. Dây đàn phải mỏng, phải mảnh mới rung, mới ngân vang được. Văn chương vụ lợi thì không còn là văn chương nữa”.

Ám ảnh núi rừng

Y Phương bỏ rừng xuống phố đã lâu nhưng những ám ảnh về nước non Cao Bằng vẫn không chịu rời bỏ ông. Có lẽ ngoài câu ca xưa nói về miền đất hoang sơ mịt mùng: “Nàng về nuôi cái cùng con/Để anh đi trảy nước non Cao Bằng” thì khó ai địch được với Y Phương khi viết về miền núi non địa đầu Tổ Quốc.

Có bài thơ của ông đã được cố nhạc sỹ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát truyền thống của quê hương ông: “Mời anh lên Cao Bằng quê em/Bước đá, bước mây, bước mùa đông, bước mùa hè/Cây đàn tính dây trong, dây đục, ăn cơm lam mấy khúc/Áo tơ tằm em mặc bền lâu”. Nếu Vũ Bằng chăm chỉ quảng cáo cho món ngon Hà Nội thì Y Phương lại không tiếc lời ca ngợi món ngon quê hương .

Ông miêu tả về bánh cuốn Cao Bằng: “Ngon không gì sánh được… có mùi thơm như cốm mới. Bánh cuốn Cao Bằng không có vị chua vì người ta làm bánh không cho bất cứ phụ gia nào ngoài gạo”.

Ông coi món xôi đen của quê mình là thứ “đặc sản không đâu có”. Còn hạt dẻ Trùng Khánh nức tiếng thì.. miễn bình luận: “Nếu đem luộc, hấp hoặc mang vào lò nướng chín bạn sẽ thấy có hương thơm tự nhiên. Ngọt bùi tự nhiên”.

Món bánh dày trứng kiến, theo nhà thơ, cũng chưa từng thấy ở đâu có: “Trứng kiến lấy về làm sạch, cho vào chõ hấp chín. Bỏ trứng ra cho vào chảo xào mỡ gà… Còn trứng kiến có màu vàng óng. Khi nặn thành bánh, người ta cho trứng làm nhân. Khi ăn nhân thấy bùi và có cảm giác có nóng đang bò loang trên mặt. Thúc hơi cay của mùi loài kiến sống lên mũi”. Đọc Y Phương người Cao Bằng hẳn tự hào về vùng đất của mình.

Sống giữa thủ đô nhưng mỗi dịp tết đến, xuân về, Y Phương vẫn giữ nếp quê, con cháu quần tụ, thưởng thức món quê: Chè lam, bánh khảo… trong trang phục của dân tộc Tày. Thế nên, nếu nói Y Phương chỉ biết tình yêu đôi lứa, thế nào ông cũng phản đối, bởi tình yêu trai gái không thể không có nhưng chỉ là một khuôn khổ hẹp.

Vẫn đến lớp học chữ

Nhà thơ Y Phương: Nói như người Kinh thì… tôi thua ảnh 2Đang tiến đến tuổi “xưa nay hiếm”, Y Phương vẫn cắp sách đến lớp học chữ Hán. Ở tuổi này bắt đầu học chữ, lại là chữ Hán, là một sự thách đố đối với thi nhân.

Ông chơi facebook say mê như bạn trẻ nhưng trang cá nhân của ông chỉ dùng để đăng thơ của mình, có kèm phiên bản tiếng Tày, giới thiệu văn hóa Tày và nhiều khi ông cũng chia sẻ sự vất vả của mình trong việc học chữ: “Đời Khói (thi nhân tự xưng là Khói- PV) thô sơ mộc mạc giờ đây phải tiếp xúc hàng ngày với sự tinh tế. Tinh tế trong từng hơi thở người. Tinh tế trong từng nét bút với kỹ pháp chữ Hán. Có lẽ đây là một sự định mệnh chăng”.

Mới đây, ông đã viết thành công chữ “Mã đáo”: “Hai chữ Mã Đáo, Khói để ngay bên dưới tổ tiên, đó là một sự lựa chọn. Mã Đáo tươi rói nền đỏ. Mã Đáo luôn nhắc nhở Khói hãy lên đường tiếp tục sáng tạo vì cái đẹp”.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.