Hình và tiếng, giao đãi và diễn

Minh họa: Đỗ Đức.
Minh họa: Đỗ Đức.
TP - Hễ nhìn thấy người dẫn chương trình trên màn hình, tôi lại nhớ câu chuyện ngụ ngôn về con tàu chở hàng.

Người ta đứng chờ trên bến để đón chiếc tàu cập cảng. Ai cũng biết không có tàu thì hàng không thể được đưa về bến. Nhưng nếu tàu không chở hàng, tàu đi không, thì tàu chẳng được chờ đợi đến thế. Chờ tàu về, chính là chờ hàng về.

Nhưng khi tàu cập cảng, nó lại không cho người ta xem hàng và bốc dỡ hàng ngay. Con tàu bắt mọi người đứng chờ và bắt đầu thao thao tự giới thiệu về mình, khởi công đóng tàu năm nào, hạ thủy năm nào, tàu đóng bằng vật liệu gì, trọng tải bao nhiêu, đã vượt bao nhiêu đại dương, vân vân.

Nếu tự biết vai trò của mình, con tàu nên hiểu nó quan trọng, nhưng hàng hóa nó vận chuyển mới đóng vai trò quan trọng chính yếu. Nó đã nhầm lẫn giữa mục đích và phương tiện. Nó đã thao thao bất tuyệt về hình thức để lấn át nội dung, khi mà người ta đang sốt ruột về mẫu mã và chất lượng của chuyến hàng mà nó đang mang đến.

Một số người dẫn chương trình, một số biên tập viên hình và tiếng đã và đang là nhân vật con tàu trong câu chuyện ngụ ngôn này.

2/ Xuất hiện bằng hình và xuất hiện bằng tiếng thì biết tương tác là điều rất quan trọng. Nhưng có khi người dẫn đã thực hiện tương tác chỉ ở mức độ giao đãi. Rất kém duyên: dùng thời gian lên sóng để giao đãi giữa người trong nhà đài với nhau. Bây giờ xin mời chị ABC ở đầu cầu bên kia, tôi biết là chị đã chờ khá lâu ở bên ấy rồi và chị đang nóng lòng cung cấp cho chúng tôi những tin tức mới nhất từ hiện trường mà tôi biết là chị đã rất nỗ lực để tác nghiệp và cung cấp về. Vâng, xin cảm ơn anh XYZ đã rất tinh tường trong nhìn nhận những cố gắng của đồng nghiệp và có thiện ý kết nối chúng tôi ở đây với khán giả bên ấy, tôi là ABC phóng viên thường trú tại KGH và bây giờ quý vị sẽ đồng hành cùng tôi để trao đổi với những cặp đôi đang có mặt tại đây. Vân vân.

Xin cắt ngắn giao đãi và xin dừng ngay những tung hứng chẳng mặn mà. Tất nhiên đã có hai người trở lên là phải có tung hứng, nhưng cần sự thiện nghệ của nghệ sĩ tung hứng có kỹ năng, không phải là tung lên để mà làm rơi vỡ. Biết nhau cả rồi, vậy mà vẫn tranh thủ chào mời nhau, khen nhau, phô nhau. Trong sự giao đãi, cũng nên tự biết giấu mình đi một cách lịch thiệp, vì như con tàu trong ngụ ngôn ở trên, nó phải biết chuyến hàng mới là nhân vật chính. Vai trò của người dẫn quan trọng, nhưng không thể lấn át nội dung thông tin. Người dẫn đang hiện diện, nhưng thực ra là cần phải đứng đằng sau thông tin, rất khiêm nhường, không phải là sự khiêm nhường giả dối thảo mai, mà tính chất công việc quy định như vậy.

Trong giao đãi, người dẫn phải biết diễn. Đến chính khách còn phải biết diễn, mà diễn thì phải học, rất ít người được trời cho. Cuộc sống là một đại hý trường, nói cho cùng thì ai cũng phải biết diễn. Nhà nào cũng có chuyện phải lo, nhưng không lẽ cứ mang uẩn khúc ưu tư trên mặt mà đến nơi làm việc. Người dẫn chương trình càng cần phải diễn một sự xuất hiện tươi tắn, tự nhiên, lịch thiệp, trang nhã. Diễn, không phải là diễn sâu giả tạo điệu đàng mà diễn để tạo ra vẻ tự nhiên. Diễn, là diễn cả hình thể và giọng nói.

Diễn hình thể, ít nhất cũng là điều khiển cơ mặt, đưa đẩy ánh mắt, mấp máy môi, vung tay vung chân đi qua đi lại. Có hẳn môn hình thể cho diễn viên, mà thực tế là ta vẫn thấy những diễn viên đỗ vớt, động tác hình thể của họ cứng như khúc gỗ, di chuyển như người bị viêm khớp viêm cơ. Có hẳn môn luyện thanh luyện đài từ cho diễn viên, mà thực tế vẫn thấy người giọng dính díu, giọng nhựa, giọng rè, giọng vỡ, giọng khê. “Sang trọng và tiện nghi” ở đâu khi mà gằn giọng và nhấm nhẳng như vậy.

Diễn viên được học mà còn thế, vậy người dẫn chương trình đừng chủ quan. Không có kiến thức chuyên môn hình thể nên vẫn phạm lỗi hình thể. Không có chuyên môn đài từ nên vẫn nói láu táu, nói vấp, nói díu, nói nhịu.

3/ Truyền thông bằng hình và tiếng có sức lan tỏa rộng, cho nên nếu người nhà đài phạm lỗi ngôn ngữ, thì lỗi ngôn ngữ ấy cũng lan rộng và nhanh.

Trong mấy câu giao đãi của người nhà đài mà tôi đã dẫn ở trên, có từ “cặp đôi” và “đồng hành cùng”, bây giờ đã thành mốt, thành câu cửa miệng khắp nơi. Truy nguồn gốc thì nó bắt đầu từ các nhà đài.

Cặp là hai, đôi cũng là hai. Nói “một cặp hoàn hảo”, “một đôi hoàn hảo” là đủ. Nếu cứ nhất thiết thích dùng từ kép cho du dương nhịp nhàng thì nói “bộ đôi hoàn hảo” cũng được. Còn “cặp đôi”, vừa cặp vừa đôi, chắc phải hiểu là bốn. Nói thêm, cặp đôi có thể dùng như một động từ (cặp với nhau mà thành đôi, chẳng hạn anh A cặp đôi với chị B), nhưng dùng như danh từ ở trên thì chưa ổn.

“Đồng hành cùng” bây giờ đã thành phổ biến, chẳng mấy ai băn khoăn truy nguyên của từ. Đồng hành nghĩa Hán Việt là “đi cùng”. Vậy nói “đồng hành cùng” là ta đang thừa một chữ cùng đấy. Và cái kiểu thừa theo nghĩa Hán Việt như thế này, trong tiếng Việt là “rất vô cùng nhiều”, người nhà đài nên thận trọng.

“Có một vấn đề đang được quan tâm đó là khẩu ngữ đang được dùng tràn lan trên báo chí”. Ta có thể đã quen với chữ “đó là” trong câu trên, thực ra nếu đấy là một câu thì phải bỏ chữ “đó”. Không thì phải tách nó ra làm hai câu: “Có một vấn đề đang được quan tâm. Đó là khẩu ngữ đang được dùng tràn lan trên báo chí”. Người dẫn chương trình có khác với người làm báo viết là trong khi tương tác, để cho tự nhiên họ có thể dùng khẩu ngữ. Nhưng sự lan tỏa của ngôn ngữ nói từ báo hình báo tiếng đã sang báo viết, văn nói đã thành văn viết và gây ra băn khoăn.

4/ Nói gọn lại, người dẫn chương trình cũng cần phải qua những lớp bổ túc về hình thể (đối với người làm báo hình), về đài từ (với người làm báo tiếng và báo hình), về ngôn ngữ (với cả báo hình, báo tiếng, báo viết).

Người ta lo ngăn chặn sự lây nhiễm của những H5N1, nhưng có một cái lo không kém là sự lây nhiễm thứ ngôn ngữ sai lệch.

MỚI - NÓNG