Bà già mù lặng đi rất lâu. Đám thanh niên vẫn tiếp tục hỏi: “Con chim trong tay ta đây còn sống hay đã chết?”. “Ta không biết”, bà nói. “Ta không biết con chim trong tay các ngươi còn sống hay đã chết. Ta chỉ biết một điều là nó đang trong tay các ngươi”.
Lòng bà đau đớn vô cùng. Bà biết rõ rằng: nếu bà nói con chim trong tay đám người kia còn sống thì ngay lập tức đám người đó sẽ bóp chết con chim để chứng minh bà sai. Lúc ấy, số phận con chim phụ thuộc vào đám người đó. Cũng như đôi khi số phận của một giá trị, một vẻ đẹp hay số phận của một sinh linh, một thế gian phụ thuộc vào chính sự hiểu biết và lòng yêu thương của con người. Câu hỏi của đám người kia sinh ra từ sự vô cảm, tức tối và độc ác.
Câu hỏi xấc lược, ngu ngốc và độc ác của đám người kia đã minh chứng một cách hãi hùng về một thế giới mà con người không dùng tình yêu thương, sự lắng nghe và khả năng lý giải để xây dựng nó mà dùng sự ích kỷ, sự ngạo mạn và bạo lực để nhằm thỏa mãn dục vọng tăm tối của mình và thống trị nó.
Câu chuyện này làm tôi liên tưởng đến những người đã cầm trên tay một tác phẩm của sự sáng tạo và hung dữ tuyên bố: “Có đố ta vùi dập tác phẩm này hay không?”. Mà không phải là sự liên tưởng, nó là một sự thật. Không ít người trong chúng ta chứng kiến một vài người nói về tác phẩm của đồng nghiệp mình: “Phải giết thằng này/con này thôi”. Họ kêu gọi nhau tìm cách hạ bệ tác phẩm đó. Họ cũng giống đám người cầm con chim trên tay và sẵn sàng bóp chết con chim bằng mọi cách. Con chim có thể bị đám người kia giết chết đời sống sinh học của nó. Nhưng sự thật về đôi cánh và tiếng hót của nó vẫn sống. Và một tác phẩm sáng tạo đích thực cũng vậy.
Một tác phẩm của sự sáng tạo trong thế gian rộng này đôi khi chỉ như một con chim nhỏ. Nó sinh ra và gián tiếp cho chúng ta thấy vẻ đẹp và sự rộng lớn của bầu trời bởi đôi cánh khát vọng và tiếng hót đắm mê đời sống của nó. Một tác phẩm hay một con chim luôn luôn được sinh ra là sự nỗ lực lớn lao của sáng tạo. Với những người yêu bầu trời và những vòm cây, họ sẽ ngắm nhìn đôi cánh con chim và lắng nghe trong tận hưởng tiếng hót của nó. Nhưng đối với một số kẻ thì con chim đó lại trở thành một món nhậu hoặc sự tức tối của họ. Với những tác phẩm của sự sáng tạo cũng vậy.
Đám người cầm trong tay con chim hay những người cầm một tác phẩm với mục đích là bóp chết nó bằng mọi cách không phải bây giờ mới hiện ra mà là một phần trong đời sống nhân loại từ trước đến nay. Nhưng những cánh chim vẫn đập lộng lẫy trên bầu trời và tiếng hót vẫn ngân vọng trong những vòm cây. Và những sáng tạo nhân văn vẫn tuôn chảy như những dòng sông cho dù luôn có những đám người tìm cách ném những tảng đá để chặn lấp. Và đó chính là lý do để con người tiếp tục sống, tiếp tục sáng tạo không ngưng nghỉ và không sợ hãi cho đời sống nhân văn của thế gian này.
Post by Báo Tiền Phong.