Khi nghệ sỹ đương đại hướng đến đình làng

Khi nghệ sỹ đương đại hướng đến đình làng
TP - Triển lãm đương đại mang tên “Đối thoại với đình làng” sẽ khai mạc tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam ngày 20/9 tới, sau hơn một năm chuẩn bị công phu.
Đình trong phố, một phần tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Thế Sơn (từ trái qua: Đình Hàng Quạt, Đình Đông Hương, Đình Hàng Thiếc - các đình này bị chiếm dụng, thậm chí không còn dấu tích)
Đình trong phố, một phần tác phẩm sắp đặt của Nguyễn Thế Sơn (từ trái qua: Đình Hàng Quạt, Đình Đông Hương, Đình Hàng Thiếc - các đình này bị chiếm dụng, thậm chí không còn dấu tích).

Tiến sỹ Bùi thị Thanh Mai, curator của cuộc triển lãm cho biết: “Triển lãm “Đối thoại với đình làng” lần đầu tiên có cách đặt vấn đề trực tiếp về di sản đình làng ở Bắc Bộ”.

Theo TS Bùi Thị Thanh Mai, bằng các loại hình nghệ thuật khác nhau, triển lãm đặt ra các câu hỏi mang tính phản biện về các vấn đề liên quan đến di sản đình làng như sự xuống cấp của di sản, sự cần thiết trong việc bảo vệ các giá trị di sản, hay tôn vinh những nét đẹp của di sản văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại.

Trong các tác phẩm tham gia triển lãm, chỉ một tác phẩm sound art của nhạc sỹ Vũ Nhật Tân, còn lại đều là tác phẩm thị giác của những họa sỹ đã từng quen thuộc với công chúng.

Đưa di sản lại gần với khán giả

Nếu Nguyễn Ngọc Lâm mang đến tác phẩm sắp đặt “Chen lấn” với các mô hình gỗ, chính giữa là một ngôi đình dát vàng với ngụ ý: nhà đô thị đang mọc lên, lấn át cả đình chùa, thì Lê Trần Hậu Anh mang đến video art “Miền ký ức”. Với ba chiếc tivi cũ được bồi giấy xung quanh thành hình bộ não, Hậu Anh sẽ trình chiếu ba video clip mà anh ghi lại trong chuyến điền dã tới các đình làng trên ba màn hình TV với thông điệp: Bộ não của con người khi sinh ra đều giống nhau, nhưng nhận thức của mỗi người khác nhau, hãy cùng nhau gìn giữ di sản này.

Các nghệ sỹ Khổng Đỗ Tuyền, Lưu Chí Hiếu, Vũ Nhật Tân (từ trái sang) tại Tọa đàm “Nghệ thuật đương đại tiếp cận di sản”
Các nghệ sỹ Khổng Đỗ Tuyền, Lưu Chí Hiếu, Vũ Nhật Tân (từ trái sang) tại Tọa đàm “Nghệ thuật đương đại tiếp cận di sản”.

Sự mong manh của di sản được Lưu Chí Hiếu thể hiện bằng tác phẩm video art, còn nữ họa sỹ Đặng Thị Khuê gửi tình yêu đối với di sản đình làng qua tác phẩm sắp đặt “Ký tự”. Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, để thấu hiểu thành tựu trí tuệ người xưa, chúng ta phải học cách tiếp cận tới những chuẩn mực tạo nên giá trị đặc sắc ấy. Qua những diện, những mặt cắt dọc, cắt ngang của kiến trúc và các mô hình phù điêu của ngôi Đình cổ thế kỷ 16 và 17, người xem có thể hình dung cụ thể các giải pháp kỹ thuật, không gian, thẩm mỹ của người xưa.

Họa sỹ Phạm Duy dự định sẽ thuê hai bộ dàn giáo và sắp đặt những bức ảnh chụp về các ngôi đình của mình trên đó. Và chiếc diều lớn dài 2,5m cùng với các dải vải lụa ngũ sắc có ghi các câu ca dao, tục ngữ liên quan tới đình làng là cuộc đối thoại “Chuyện của đình” của họa sỹ Vũ Đình Tuấn thông qua hình thức book art. Vũ Đình Tuấn cho biết: “Thông qua những gì nhìn thấy, tôi muốn chỉ cho khán giả thấy rằng, đình làng không chỉ là di sản về mỹ thuật mà còn là di sản ngôn ngữ phong phú”.

Có thể nói rằng, triển lãm này đang tìm cách đưa di sản gần với khán giả hơn. Không chỉ xem, rất nhiều tác phẩm đều tìm kiếm sự tương tác với khán giả.

Hành trình đi tìm ngôi nhà chung

Tác phẩm “Tôi đi tìm ngôi nhà chung” của Nguyễn Thế Sơn khá độc đáo. Nó không chỉ đơn thuần là những bức ảnh chụp các ngôi đình trong khu phố cổ, mà còn như một cuộc điều tra xã hội học về các ngôi đình.

Chiếc diều dài 2,5m, nguyên liệu trong tác phẩm sắp đặt “Chuyện của đình” của Vũ Đình Tuấn
Chiếc diều dài 2,5m, nguyên liệu trong tác phẩm sắp đặt “Chuyện của đình” của Vũ Đình Tuấn.

Anh cho biết: “Theo quan niệm, đình là ngôi nhà chung. Thế nhưng, trong quá trình đi tìm ngôi nhà chung, tôi toàn gặp các ngôi nhà tư, có nơi tôi còn bị xua đuổi vì họ không thích mình vào chụp ảnh ngôi nhà họ đang ở. Nhiều ngôi đình giờ đã bị thay thế bởi những tòa nhà cao tầng. Trong số 72 ngôi đình tôi chụp được, có khoảng 20 ngôi đình còn nhìn thấy hình dạng, còn lại biến dạng 100% như ngôi đình ở số nhà 127 Hàng Bông giờ đã là nhà cao tầng... ”.

Thế Sơn đã dành hơn 6 tháng đi lang thang khắp phố phường Hà Nội để chụp ảnh.Trước khi bắt tay vào dự án, Sơn không ngờ, công việc tìm kiếm này lại gian nan đến thế vì trong tay anh không có một tài liệu thống kê đầy đủ nào về các ngôi đình ở Hà Nội.

Rất may, trong lần đi chụp đình Thanh Hà ở phố Ngõ Gạch, anh được cụ từ ở đây cho xem một tư liệu mà theo anh là quý hơn vàng. Đó là cuốn sách thống kê các ngôi đình ở Hà Nội. Chính manh mối đó đã giúp anh tìm kiếm được 72 ngôi đình trong khu kinh thành Hà Nội xưa.

Các nghệ sĩ tham gia triển lãm “Đối thoại với đình làng” gồm: Lê Trần Hậu Anh , Phạm Duy, Lưu Chí Hiếu, Đặng Thị Khuê, Nguyễn Ngọc Lâm, Nguyễn Mỹ Ngọc, Nguyễn Thế Sơn, Vũ Nhật Tân, Vũ Đình Tuấn, Khổng Đỗ Tuyền.

Thế Sơn cũng khảo sát cả những ngôi đình bên ngoài phố như đình Khương Thượng, Hoàng Cầu, Đông Tác… Anh nói, không ngờ ở Hà Nội có những ngôi đình rất cổ, có tuổi đời 1.000 năm như đình Khương Thượng.

Nguyễn Thế Sơn cho biết: “Đây là dự án mở. Trong triển lãm, bên dưới mỗi bức ảnh, tôi có ghi rõ địa chỉ của từng ngôi đình và để lại tờ giấy ở bên dưới để khán giả xem triển lãm điền thêm thông tin mà họ biết vào”.

Tác phẩm sắp đặt âm thanh “Ngôi đình nằm ở giữa làng’’ của nhạc sỹ Vũ Nhật Tân lại mang đến một góc nhìn khác về đình làng. Nhạc sỹ Vũ Nhật Tân chia sẻ:“ Ngồi dưới mái đình lúc sáng sớm, tôi nghe thấy tiếng họp chợ trước cửa đình, tiếng xe máy đi lại và tiếng còi vang khắp xung quanh. Dựa vào hàng hiên đình giữa trưa, tôi nghe được tiếng nhạc, từ quan họ và chèo cải biên, đến nhạc trẻ xập xình, âm vang khá lớn và dồn dập khắp nơi. Tản bộ vào chiều, tôi thu được tiếng máy móc nông cụ, tiếng rao hàng bằng loa điện, tiếng loa làng (như loa phường ở Hà Nội), và một lần khác, là lễ hội đình rất ồn ào náo nhiệt...”.

Công việc của Vũ Nhật Tân là thu lại toàn bộ các âm thanh và tiếng động đó, rồi pha trộn thành một tác phẩm âm thanh dài 60 phút. Anh ví công việc của mình giống như người xào nấu món ăn. Còn đọng lại trong anh là sự nuối tiếc: “Không còn tìm được những tiếng vang vọng lại, như đã từng được mô tả, về không gian và âm thanh quanh những ngôi đình ngàn xưa Nghe âm thanh xung quanh đình làng ngày nay cũng giống như đang nghe ở phố, ồn ào và náo nhiệt”.

TS Bùi Thị Thanh Mai cho biết, với chủ đề này, chị hy vọng, mỗi câu chuyện mà các họa sỹ mang đến sẽ là một cuộc đối thoại của chính tác giả với đình làng, đối thoại giữa tác phẩm với khán giả và có sức lan tỏa trong xã hội. Qua các chuyến điền dã, nghệ sỹ được học hỏi nhiều về di sản và ngày càng đam mê với nó, từ đó khơi dậy tình yêu với di sản ở người xem.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG