'Mùa yêu đương' gần gũi, dễ xem

'Mùa yêu đương' gần gũi, dễ xem
TP - Kịch tâm lý xã hội “Mùa yêu đương”, kịch bản nhà văn Nguyễn Quang Lập, công diễn tại sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ từ 18-10 có những cái được nhất định.

> Mùa hạ cay đắng

 “Mùa yêu đương”, kịch tâm lý mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Thế Toàn
“Mùa yêu đương”, kịch tâm lý mới của Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Thế Toàn.

Mùa yêu đương xoay quanh Thảo (Hương Thủy), người đàn bà có chồng bị cuốn vào vòng xoáy ái tình với hai người tình cũ, một là Cường (Đức Tâm) hèn yếu, sợ trách nhiệm và Doãn (Trần Hoàng) gã thợ xây sau này làm ăn mày trước cửa nhà Thảo.

Nguyễn Quang Lập hoàn thành kịch bản này từ năm 2004 nhưng trải qua gần chục năm mới chính thức lên sàn diễn, nhờ bàn tay đạo diễn của NSƯT Anh Tú, cùng dàn diễn viên đoàn kịch I, Nhà hát Tuổi trẻ.

Về cơ bản tinh thần kịch bản Mùa yêu đương giữ nguyên, nhưng Anh Tú thổi vào những yếu tố hiện đại, phù hợp với đời sống hơn.

Anh bảo “xin phép” biên kịch bịa hẳn ra nhân vật người chồng (Duy Anh). Trong kịch bản gốc, người chồng không xuất hiện, chỉ được nhắc đến qua lời thoại của các nhân vật.

Ngay màn mở đầu, đạo diễn gợi được tò mò của khán giả khi tái hiện nghi thức truyền thống ngày xưa, những nõ nường cổ xuất hiện trên nền nhạc, múa hiện đại đầy khao khát yêu đương.

Có lẽ đây là cảnh táo bạo nhất của vở kịch khi diễn tả dục tính- kịch miền Bắc vốn được xem là phải qua kiểm duyệt khắt khe. Phải tay các đạo diễn kịch trong Nam dễ chẳng phải có đến mấy cảnh nóng tả thực trên sân khấu (?).

Kịch chia thành hai phần chính, quá khứ 20 năm trước của ba nhân vật và hiện tại gắn với những đứa con của họ. Nếu cái thời khốn khó của bố mẹ chúng gắn với chiếc xe đạp hay tuột xích, da diết qua lời ca Xe đạp ơi, thì cuộc sống hiện đại toát lên qua ca khúc trẻ trung Nồng nàn Hà Nội sáng tác Nguyễn Đức Cường.

Cái được khá đáng kể của đạo diễn Anh Tú là anh đưa được ngôn ngữ kiểu sát thủ đầu mưng mủ vào lời thoại. Tất nhiên kịch bản của Nguyễn Quang Lập vốn gần gũi, tếu và không ít chỗ bậy- đạo diễn xử lý khá tốt.

Vở kịch tâm lý xã hội chưa đặc sắc đến mức mang đi hội diễn để tranh huy chương, nhưng khá vừa vặn để bán vé giúp nhà hát có thể đều đặn sáng đèn.

Nếu so với vở Cầu vồng lục sắc, đề tài đồng tính mới đây của Anh Tú, Mùa yêu đương gần gũi và dễ xem hơn vì hài ở mức không lố quá, thoại nhẹ nhõm.

Sẽ phải mất một thời gian nữa để lớp diễn viên trẻ của nhà hát khẳng định chỗ đứng: Đức Tâm, Tùng Linh, Thu Trang, Hương Thủy. Vai Thảo có lẽ quá nặng với Thủy, vài chỗ thể hiện nỗi dày vò, đau đớn cứng quá không cần thiết. Vai giao cho Thu Trang nhẹ hơn, cô bộc lộ cảm xúc khá tốt. Tiếc cho Tùng Linh không tạo được diễn xuất gương mặt phù hợp cho nhân vật Hoàng- chàng trai trẻ đại diện cho lớp tiến bộ, hiểu biết và sâu sắc. Trường Sơn vào vai Quốc khá nhiều đất diễn, thoại dí dỏm nhưng tạo hình và biểu cảm chưa đưa ra được chân dung một kẻ sa ngã đến mức đáng thương.

Bi kịch gia đình của mùa yêu đương chỉ là một lát cắt trong cuộc sống, nhưng bản thân nó đã là lời cảnh tỉnh và thêm một lần khẳng định quy luật nhân-quả.

Thảo vì muốn chuộc sai lầm, day dứt với chồng mà nuông chiều con cái, với hi vọng được trời thương, rút cục vẫn nhận được trái đắng: Cậu con trai tên Quốc nghiện ngập, quen thói làm tiền trên quá khứ. Con gái Thảo Vân vì sai lầm của người lớn đẩy đến cảnh yêu con trai của bố mình.

So với kịch bản gốc, Anh Tú đi tắt một chút khiến khán giả hơi hẫng-hai anh em cùng cha yêu nhau, khi biết sự thật lại chấp nhận quá dễ dàng.

Bù lại, đạo diễn chọn cái kết có hậu- người chồng rộng lượng nói với vợ: Hết mùa yêu đương, người ta sống với nhau vì nghĩa.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.