Nhận dốt, không nhận ẩu

Nhận dốt, không nhận ẩu
TP - “Nếu bản dịch kém thì do trình độ tôi còn yếu, chứ không phải do dịch bừa, dịch ẩu”- dịch giả Dương Tường phát biểu khi nhận giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội hôm 10-10, cho bản dịch gây tranh cãi - tiểu thuyết Lolita của nhà văn Vladimir Nabokov.

> Bước thăng trầm của Nabokov và 'Lolita'

Dịch giả Dương Tường phát biểu trong lễ trao giải của Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Mi Ly
Dịch giả Dương Tường phát biểu trong lễ trao giải của Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Mi Ly.

Những lời này, Dương Tường nói khi ông đã “nắm đằng chuôi”, đã ở thế của người chiến thắng.

Được trao giải, lại là số phiếu tuyệt đối 9/9, chứng tỏ Lolita thuyết phục được kha khá người trong nghề, các dịch giả lẫn nhà nghiên cứu phê bình trong ban chấm giải, tóm lại không thể nào là “thảm họa dịch thuật” hay nhẹ hơn là “một bản dịch kém” như nhiều người chỉ trích trên các trang mạng hải ngoại và trong nước? Hoặc, nói như một dịch giả khác là “còn thiếu kiên trì ở vài chi tiết”.

Dương Tường không nhận “thiếu kiên trì” (ông khẳng định mất 2 năm cho bản dịch này), thà bị chê trình độ kém. Người thắng nói gì nghe cũng thuận tai. Thế nên lời phát biểu của lão dịch giả vừa khiêm tốn lại vừa kiêu hãnh.

Và thể hiện một quan niệm làm nghề đến bây giờ vẫn chưa cũ.

Nhà văn Nam Cao từng viết: “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện” (truyện ngắn Đời thừa).

Thế mới biết, đối với nhiều người làm nghề văn, thái độ làm nghề quan trọng hơn trình độ. Dùng chữ “trình độ” là bởi trình độ có thể trau dồi, chứ không phải “tài năng”, tài năng là cái trời cho, trau dồi mấy cũng không được.

Tóm lại là, thà dốt để còn phấn đấu chứ không nhận cẩu thả.

Nửa năm trước, Dương Tường từng lên tiếng nhận “Lolita còn nhiều sai sót” khi trả lời phỏng vấn về tranh cãi xung quanh bản dịch.

Nhận thì nhận, nhưng riêng đoạn “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” bị tranh luận nhiều nhất thì ông vẫn giữ nguyên quan điểm.

Trong Lolita bản in lần thứ hai, cụm trên được đổi thành “Trên dòng kẻ chấm”, ngắn gọn hơn nhưng ý và nghĩa vẫn y nguyên.

Nếu người đọc còn kêu khó hiểu thì ở dưới có ngay chú thích, đại loại “Dòng kẻ thường thấy trên giấy tờ, công văn”.

Lúc đó, một dịch giả khác nhiều năm trong nghề bảo tôi: “Thời này độc giả giỏi ngoại ngữ lại có truyền thông làm phương tiện để vạch lỗi sai, chứ thời trước, kể cả các dịch giả lão luyện có tiếng cũng sai đầy ra. Nhưng cái quan trọng là, không khí mà tác phẩm mang lại có bị phá nát hay không? Và, công lao rất lớn của họ là đã giới thiệu những nền văn học lớn của thế giới vào Việt Nam. Mỗi nền văn học là hàng loạt tác phẩm chứ đâu chỉ một tác phẩm. Công lao đó không thể vì vài lỗi sai mà phủ nhận hoàn toàn được”.

Cũng thời điểm đó, rộ lên loạt bài báo chỉ trích Lolita dịch ẩu, mà dẫn chứng gần như chỉ có mỗi đoạn “Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm” khiến giới làm nghề bức xúc.

Đến nỗi, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng phải lên tiếng, rằng ai muốn chê bai thì ít nhất cũng “đọc đến nơi đến chốn tác phẩm” trước đã.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG