Ký ức dội về sau 46 năm- mối nhân duyên giữa nhà báo, nhà văn Sơn Tùng và Hoa Xuân Tứ, nhân vật trong bài báo năm xưa.
Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Sơn Tùng là nhà báo sắc sảo của báo Tiền Phong.
Năm 1966, khi làm Tổ trưởng nhóm phóng viên khu 4 thường trú tại Khu 4 tuyến lửa từ Thanh Hoá vào đến Vĩnh Linh Quảng Bình, nhà báo Sơn Tùng được người dân và người anh trai Bùi Sơn Bá kể về Hoa Xuân Tứ, một em nhỏ bị cụt hai tay do nghịch máy ép mía đã vượt lên số phận để học tập tốt, lao động giỏi và thể thao cừ.
Sơn Tùng quyết định về tận xã Hưng Nhân, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An tìm hiểu và viết về tấm gương này.
Để bài viết tăng tính thuyết phục, Sơn Tùng vào thị xã Vinh thuê một thợ ảnh đi theo chụp. Ông tận mắt chứng kiến Hoa Xuân Tứ 12 tuổi vượt qua tật nguyền bằng sự khổ luyện.
Không có tay, em dùng chân để viết, mò cua bắt ốc, chăn trâu giúp cha mẹ. Tập bơi bằng chân, bơi qua sông Lam.
Em dùng bả vai kẹp bút vào cổ để viết mà chữ vẫn đẹp, ngay ngắn thẳng hàng. Em còn đi thu nhặt giẻ lau súng, đưa nước giúp bộ đội bắn máy bay Mỹ ở trận địa pháo cao xạ...
Bài viết xúc động có tên Cụt hai tay mà vẫn học giỏi, lao động khá, thể thao cừ đăng báo Thiếu niên Tiền phong ngày 18-2-1966 in 2 trang. Ngay sau khi báo phát hành, nhà báo Sơn Tùng được Văn phòng Chủ tịch nước mời lên gặp Bác Hồ.
Bác hỏi vui: “Nhà báo có người có lúc nói láo để ăn tiền. Còn cháu, cháu bịa bao nhiêu phần trăm trong bài báo về tấm gương Hoa Xuân Tứ?”. Nhà báo Sơn Tùng xúc động kể lại câu chuyện tận mắt ông chứng kiến.
Bác rưng rưng. Người nói: “Con người ta mất đi một bộ phận nào trên cơ thể là khổ cả đời, nó không mọc trở lại được. Chỉ có ý chí mới khắc phục được phần nào sự mất mát”.
Hoa Xuân Tứ - cháu ngoan Bác Hồ sau đó được đặc cách trở thành đại biểu tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 1967. Những kỳ tích của cậu bé cụt tay Hoa Xuân Tứ tại quê nghèo Nghệ An gây xúc động cả một thế hệ.
Rất nhiều nhà văn, nhà báo, nhạc sỹ… sau đó tìm về gặp Hoa Xuân Tứ. Trên khắp các miền quê vang lên lời hát về Hoa Xuân Tứ, xem như thần tượng về nghị lực của tuổi trẻ những năm 60 - 70 thế kỷ XX: “Con chim không cánh mà vẫn biết bay, như vẫn còn đây đẹp hai bàn tay…, Hoa Xuân Tứ người bạn hiền ta yêu biết mấy, cụt cả hai tay mà đời vẫn vui thay…”…
Báo đăng ít ngày thì nhà văn Sơn Tùng được cơ quan điều vào chiến trường miền Nam. Năm 1971, ông bị thương nặng, là thương binh ¼ được đưa ra Bắc điều trị.
Những lúc tay co quắp và vết thương trong đầu tái phát, chảy máu, ngất lịm mê man, hình ảnh em bé Hoa Xuân Tứ cụt hai tay vẫn vui vẻ sống tràn đầy nghị lực lại sống dậy, động viên ông gắng thành người có ích.
Là nhà báo nhà văn, ông nghiên cứu và thể hiện thành công hình ảnh lãnh tụ Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như một số danh nhân văn học.
Hoa Xuân Tứ tháng 8-2012, gợi lại hình ảnh quen thuộc trên báo chí 46 năm trước. Ảnh: Từ Khôi. |
Lại nói về Hoa Xuân Tứ, cuộc sống vẫn muôn vàn khó khăn. Thời kỳ chống Mỹ, Hoa Xuân Tứ được cho ra Bắc, về huyện Thuận Thành, Hà Bắc (cũ) học tập. Ông cũng được bác sĩ Tôn Thất Tùng giúp lắp tay giả.
Nhưng rồi gánh nặng gia đình khiến Hoa Xuân Tứ phải bỏ tất cả. Ông bỏ ngang sau khi thi đại học, rồi lấy vợ là Lê Thị Sự ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An.
Bà Sự tham gia lao động chống Mỹ, là người duy nhất sống sót trong tổ 4 người đào hầm cất giấu xăng dầu tại Nghi Kiều, huyện Nghi Lộc, Nghệ An nhưng phải mang vết thương ở bụng với kết quả giám định thương tật vĩnh viễn 56%.
Lấy nhau, có với nhau 5 người con, cuộc sống của Hoa Xuân Tứ càng thêm khó, người con gái thì bị tai nạn do người khác ném đá vào đầu lúc bé. Đến nay, ngoài 30 tuổi cô vẫn bị liệt nằm tại chỗ.
Hiện tại, Hoa Xuân Tứ là trụ cột gia đình sau khi các con lấy vợ lấy chồng ra ở riêng.
Bà Sự nói: “Chỉ có cày là ông chịu chứ việc chi ông cũng làm”. Nguồn thu “cứng” của đôi vợ chồng già là làm ruộng của nhà và làm thuê, 2 mẫu. Mức tiền hỗ trợ theo chính sách dành cho Hoa Xuân Tứ là 180 ngàn đồng/tháng và của Hoa Thị Sen - người con tật nguyền là 360 ngàn/tháng.
Tại bữa cơm trưa thân mật với gia đình nhà văn Sơn Tùng và bè bạn, Hoa Xuân Tứ kể ông chỉ được biết tới bài báo của Sơn Tùng khi đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 1967. Những truyện ngắn được giải của nhà văn Quang Huy hay của Hữu Thọ viết về mình, ông đều chưa được cầm tận tay…
Nay sau 46 năm, Hoa Xuân Tứ thỏa ước nguyện ra thủ đô để tìm gặp nhà báo, nhà văn Sơn Tùng.
Chuyến đi cùng vợ và cháu nội, được sự hỗ trợ của báo Pháp luật Việt Nam, phóng viên Tuyết Lan thường trú tại Nghệ An và gia đình nhà văn Sơn Tùng.
Gặp gỡ nhưng chẳng trò chuyện được gì. Muốn nắm chặt tay nhau để truyền hơi ấm cũng không được. Chỉ ánh mắt lặng nhìn nhau bùi ngùi. Họ vẫn làm theo lời Bác.
Hoa Xuân Tứ vẫn tiếp tục lao động vượt lên số phận. Sơn Tùng lo chống đỡ với bệnh tật không chỉ của tuổi già mà còn là hậu quả những vết thương thời chiến.
Được mời “biểu diễn” cho vài nhà báo đến chứng kiến cuộc gặp gỡ, Hoa Xuân Tứ bèn ngồi vào bàn viết của Sơn Tùng. Kẹp bút vào vai và cổ, ông viết: “Nhà văn Bùi Sơn Tùng. Hôm nay ngày 12 tháng 8 năm 2012, cháu Hoa Xuân Tứ sau 46 năm nay gặp lại gia đình bác Tùng. Hoa Xuân Tứ”.