Kịch Bắc mang gì vào hội diễn Huế?

Nhà hát Tuổi trẻ ra quân hùng hậu dịp liên hoan sân khấu sắp tới Ảnh: T.Toan
Nhà hát Tuổi trẻ ra quân hùng hậu dịp liên hoan sân khấu sắp tới Ảnh: T.Toan
TP - Nghệ sĩ tất bật chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc 2012 tại Huế, khi sóng gió vừa qua trong làng sân khấu.

> Thương lắm chèo ơi

Không khí nóng lên trên sàn tập của nhiều nhà hát, đoàn kịch trong giai đoạn nước rút cho liên hoan nghề nghiệp ba năm mới có một dịp. Nhà hát kịch Hà Nội góp Những mặt người thấp thoáng của đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vở còn lại là Huyết lệnh của tác giả Phạm Dũng, NSND Hoàng Dũng đạo diễn.

Nhà hát Quân đội đang tập Lũ quét của đạo diễn Hoàng Mai và Cái chết chẳng dễ dàng gì do đạo diễn NSND Xuân Huyền chỉ đạo.

Đoàn Kịch nói Công an nhân dân cũng chạy đua với thời gian để hoàn thành Tôi là người Việt Nam. Nhưng nhiều người chờ đợi hơn cả tác phẩm của hai nhà hát vừa qua chuyện sáp nhập.

Nhà hát Tuổi trẻ góp đủ chính kịch, hài kịch: Nhà có năm anh em trai Đàn ông cũng khóc.

Vở đầu của đạo diễn, NSƯT Anh Tú công diễn năm ngoái, thử sức khán giả trong Nam qua đợt lưu diễn đầu năm nay, được đánh giá là ít nhiều chạm được những góc khuất của đời sống hiện đại.

Đàn ông cũng khóc vốn của tác giả Lê Chí Trung, rất ăn khách của sân khấu miền Nam, được Bắc hóa qua kịch bản viết lại của NSƯT Tuấn Hải, do NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn II, dựng.

Ngoài hai vở chính, Phó giám đốc Trương Nhuận hào hứng nói về tác phẩm khác dự liên hoan do người của nhà hát dựng. Vở Cầu vồng lục sắc (đạo diễn Anh Tú) đề tài đồng tính được đăng ký dưới danh nghĩa vở hợp tác của Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội và Đoàn kịch I.

Ngoài ra, Anh Tú còn dàn dựng cho CLB Sân khấu của ĐH Sân khấu & Điện ảnh vở Mùa hạ cay đắng, sử dụng diễn viên trẻ cùng một số tên tuổi từng gắn với Nhà hát: Kim Oanh, Phạm Quang Ánh, Duy Anh, Tùng Linh.

Vở hợp tác với ĐSQ Mỹ Tất cả đều là con tôi - tác phẩm kinh điển của Arthur Miller, do đạo diễn Neil Simon Fleckman được chấp thuận đưa diễn chào mừng, giao lưu ở Huế.

Vở tạo dấu ấn về phong cách biểu diễn kịch tâm lý mới của nhà hát: Dàn dựng theo cách cách cảnh trí tả thực, diễn viên nói không cần micro và phá bỏ hàng rào sân khấu- ghế khán giả, từng nhận phản hồi tích cực khi công diễn cuối năm ngoái.

“Liên hoan là cơ hội để cả hai đoàn nghệ thuật của nhà hát tham dự, giao lưu về khuynh hướng, tác phẩm với bạn nghề. Thêm nữa sau xáo trộn về tâm lí sáp nhập nhà hát, đây là cơ hội khẳng định khả năng độc lập cũng như tiềm năng nghệ thuật của thế hệ lãnh đạo, nghệ sĩ trẻ ở sân chơi toàn quốc. Mang nhiều vở đi hội diễn là sự khích lệ, tự tin và khẳng định ý nguyện đoàn kết, chung tay xây dựng phát triển hướng đi rõ ràng hơn cho con đường nghệ thuật của Nhà hát Tuổi trẻ trong tương lai”, Phó giám đốc Trương Nhuận nói.

Trong khi Nhà hát Tuổi trẻ hừng hực khí thế, Nhà hát Kịch Việt Nam chưa thể ngay lập tức lấy lại vị thế.

Hai vở diễn dự định thửa riêng cho liên hoan không thể thành hình, nên vào Huế sắp tới là dựng lại Đi tìm điều không mất của tác giả Lê Quý Hiền, Đỗ Kỷ đạo diễn năm 2003. Vở còn lại là Chia tay hoàng hôn của đạo diễn, NSƯT Tuấn Hải dựng từ năm 2007. Anh bảo, vở kịch thuần chuyện tình yêu, dễ xem.

Tuấn Hải dịp này còn bận với vai trò đạo diễn vở Biển và bờ, dựng cho CLB Hội Nghệ sĩ Sân khấu thuộc Trung tâm bảo tồn và phát triển nghệ thuật sân khấu, quy tụ toàn nghệ sĩ tuyển ở các nhà hát từ Hà Nội đến Trung ương: Trần Nhượng, Thu Hà, Hoàng Lan… Tuấn Hải đánh giá kịch bản của Đăng Chương tương đối hay, tất nhiên vẫn phải chỉnh.

Anh tự tin có thể vứt bỏ những thứ khô cứng, giáo điều để vở kịch xác thực, gần gũi nhất như mạch chảy của cuộc sống.

Kịch miền Nam chờ kinh phí?

Có tin sân khấu miền Nam vắng bóng tại liên hoan. NSND Hồng Vân, chủ hai sân khấu Phú Nhuận và Supper Bowl lí giải: “Nghe tin liên hoan không ở TPHCM, các đơn vị xã hội hóa thụt vào hết”. Chị nhẩm tính, nếu đoàn chị mang hai vở Làm…, chuyển thể từ Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng và Nước mắt người điên đạo diễn Minh Hoàng đi Huế trong ba ngày, tính sít sao mất chừng 160 triệu đồng, chưa kể bỏ mất 10 suất diễn.

Nhưng các sân khấu xã hội hóa này đang trông chờ chính sách của Cục NTBD, đầu tư kinh phí thêm dự hội diễn. Đầu tháng 7, Cục NTBD sẽ thẩm định một số vở trong TPHCM, đồng thời các sân khấu mới dám quyết có ra Huế dự hay không. Dẫu sao, như lời Hồng Vân, năm nay nhiều nghệ sĩ trẻ miền Nam dự hội diễn là cơ hội để giao lưu và có huy chương.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG