Một tác phẩm gốm sứ nghệ thuật tại chợ gốm Bát Tràng, Hà Nội . Ảnh: Nadine Albach |
Đến Bát Tràng, đúng là chúng ta đang sống trong một thế giới toàn cầu hóa, đồ gốm sứ từ Đông Nam Á thực sự thách thức gốm sứ châu Âu.
Đi dọc đường làng với những cửa hàng đồ gốm san sát, chúng tôi vào khu chợ gốm lớn nhất làng. Những gian hàng gốm sứ dày đặc trong khu chợ với đủ loại kiểu dáng bắt mắt. Tôi rất sợ làm đổ vỡ một vài đồ trong khi luồn lách qua những lối đi nhỏ.
Ở nước Đức của mình, tôi chưa từng nhìn thấy bất kỳ thứ gì giống như tại Bát Tràng này, mặc dù nước Đức chính là quê hương của đồ gốm sứ truyền thống ở châu Âu.
Đồ sứ đầu tiên được sản xuất tại châu Âu vào năm 1708 ở một thành phố của nước Đức có tên gọi Meißen. Đến nay nhãn hiệu “Meissener Porzellan Manufaktur” (xưởng sản xuất sứ Meissen) vẫn rất nổi tiếng, song tôi không thể so sánh với Bát Tràng bởi đồ gốm sứ do người Đức sản xuất rất đắt, nhiều loại có thể sưu tập như một thứ nghệ thuật: Một chiếc tách có giá tới 200 euro (tương đương 5 triệu đồng) - rất đắt với ngay cả người Đức. Còn giá cả bình thường cho một chiếc tách ở Đức cũng vào khoảng từ 125.000 đến 250.000 đồng.
Do vậy mà bất cứ đồ gốm sứ nào ở Bát Tràng cũng là quá rẻ đối với tôi, hơn thế nữa trông chúng đẹp đến kỳ lạ. Phượng, một cô gái trẻ bán hàng tại đây được bốn năm cho biết: Gia đình cô có một xưởng gốm rất lớn tại làng. Cô bắt đầu biết làm gốm từ năm 16 tuổi. Đây là một nghề gia truyền từ hơn một trăm năm qua của gia đình cô.
Bát Tràng có nghề gốm truyền thống từ rất lâu đời. Công ty “CK&T CERAMICS Co,.LTD” tại đây đang xuất khẩu đồ gốm đi khắp thế giới, họ cho biết Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam có lưu giữ đồ gốm Bát Tràng sản xuất từ cách đây 700 năm.
Cũng theo công ty trên, ngày nay mỗi năm làng Bát Tràng xuất khẩu một lượng lớn gốm sứ lên tới khoảng 40 triệu USD. Trong thế giới toàn cầu hóa này, đồ gốm giá cả rất hấp dẫn từ Đông Nam Á đang thực sự tràn vào châu Âu và Mỹ, gây ảnh hưởng không nhỏ tới các xí nghiệp gốm sứ truyền thống nơi đây.
Tại Bát Tràng, tôi dễ dàng bắt gặp những sản phẩm mang dấu hiệu của thời toàn cầu hóa. Tham quan một xưởng gốm trong làng, tôi thấy còn sót lại nhiều mẫu mã dùng cho mùa Halloween - có lẽ để xuất sang thị trường Mỹ: Những quả bí ngô, những chiếc đầu lâu bằng gốm đang cười ngộ nghĩnh, những bức tượng nhỏ về chuột Mickey, vịt Donald...
Trong hành trang trở về khách sạn của mình đã có thêm một chiếc đĩa cùng hai cái bát xinh xắn “made in Bat Trang”.
Nadine Albach là PV nhật báo Westfailsche Rundschau (Đức) tới tòa soạn báo Tiền Phong trong tháng 1/2011 theo chương trình trao đổi phóng viên với Viện Goethe (www.goethe.de/closeup). |