Vừa trở về sau chuyến lưu diễn giao lưu nghệ thuật thế giới tại thành phố Canning (Úc), nghệ nhân Y Duê Niê (65 tuổi, ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) kể, ông từng diễn cồng chiêng ở Ý, Đức, Pháp, Thụy Điển, Đan Mạch... và ấn tượng nhất là lần này, tại Úc.
Vượt qua vòng khảo sát gắt gao, đội cồng chiêng buôn Kô Siêr được chọn. Trước ngày diễn hơn một tháng, 10 nghệ nhân trong đội gồm 3 nữ, 7 nam ráo riết tập luyện. Khởi hành ngày 2/2, sáng hôm sau, đoàn đặt chân xuống Canning. “Cứ tưởng 11 tiết mục chúng tôi mang sang chỉ để trình diễn đơn thuần, không ngờ đạo diễn chương trình đã lên kịch bản hòa phối cồng chiêng Ê Đê của nước mình với trống Nhật Bản, Mỹ, New Zealand và dàn hợp xướng của thổ dân Úc.
Chúng tôi nhanh chóng thích ứng, tập trung cao độ, luyện tập với nhau thật nhuần nhuyễn, ăn ý. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất chính là những điệu múa hiện đại phụ họa trên nền nhạc cồng chiêng mà người nước ngoài tạo ra rất hay. Trong khi cồng chiêng là sản phẩm của mình, nhưng chúng ta chưa làm được điều đó. Sau chuyến đi, chúng tôi cùng dành thời gian nghiên cứu vấn đề này”, nghệ nhân
Niê nói.
Tối 6/2 chương trình văn nghệ diễn ra tại khu sân khấu ngoài trời dựng bên bờ biển thơ mộng. Hơn 3.000 cư dân thành phố lũ lượt đổ về chờ xem, trong đó có một số người Việt Nam. Các tiết mục Hòa tấu cồng chiêng, hát Chirira, độc tấu Đing takta, song tấu Đinh pơng, múa khiên… nhằm tái hiện mọi hoạt động sinh hoạt đời thường của đồng bào Tây Nguyên như nghi lễ cúng thần linh, cầu mưa thuận gió hòa, điệu giã gạo, lên rẫy… lần lượt tạo nên bản hợp xướng hấp dẫn, lôi cuốn khán thính giả.
“Mọi người đến xem rất đông. Họ tự chuẩn bị ghế, chiếu trải ngồi và cả thức ăn nhưng tuyệt nhiên không có sự ồn ào, lộn xộn. Ai cũng im lặng thưởng thức, thể hiện sự tán thưởng bằng những tràng pháo tay. “Đây chính là động lực thôi thúc chúng tôi đưa cồng chiêng đến gần hơn với công chúng thế giới, đồng thời truyền lửa cho thế hệ trẻ đam mê gìn giữ báu vật sống của đồng bào mình”, nghệ nhân Y Míp Ayun kể về chuyến lưu diễn đầy ấn tượng đẹp.
Bà Phan Thị Như Thủy, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk, người trực tiếp đưa đội cồng chiêng buôn Kô Siêr đi lưu diễn, cho biết, đây là chương trình giao lưu nghệ thuật do Canning đứng ra tổ chức nhằm tập hợp các dân tộc có nét văn hóa tương đồng, với cư dân thành phố này. Họ bỏ ra một năm nghiên cứu về cồng chiêng Tây Nguyên sau đó liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để khảo sát, chọn lọc nên chương trình rất đặc sắc, hấp dẫn.