Vì sao ông Putin nhắc tới vũ khí hạt nhân để diệt IS?

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trình Tổng thống Vladimir Putin chiếc hộp đen máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11. Ảnh: RT
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergey Shoigu trình Tổng thống Vladimir Putin chiếc hộp đen máy bay Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ hôm 24/11. Ảnh: RT
TP - Tổng thống Nga Vladimir Putin hy vọng sẽ không phải dùng đầu đạn hạt nhân để đối phó với khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), sau khi tàu ngầm nước này phóng tên lửa hành trình vào Syria, RT đưa tin.

"Thông thường, đầu đạn hạt nhân là thứ không cần tới khi chống khủng bố và tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ dùng tới nó”, Tổng thống Putin nói với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu. Ông Putin nói: “Chúng ta phải phân tích mọi chi tiết xảy ra trên chiến trường, phân tích xem vũ khí vận hành thế nào. Các tên lửa hành trình Kalibr (phóng từ tàu chiến, tàu ngầm) và Kh-101 đã chứng minh được tính năng hiện đại và hiệu quả cao của chúng. Vì thế, bây giờ chúng ta đã biết chắc rằng, các loại vũ khí chính xác của chúng ta có thể mang theo đầu đạn thông thường và cả đầu đạn đặc biệt, ý tôi là đầu đạn hạt nhân”.

Theo International Business Times (IBT), có vẻ như ông Putin tăng đặt cược vào ván cờ Syria; trên mặt trận quốc tế, Nga đang bận bịu mở rộng ảnh hưởng và nắm lấy cơ hội đối phó phương Tây. Cuộc chiến chống IS và nội chiến Syria đã trao cho Nga một cơ hội vàng để chứng tỏ sự tích cực và quyết đoán so với chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hay Thủ tướng Anh David Cameron. IBT cho rằng, điều quan trọng là Nga đang hành động, trong khi phương Tây vẫn còn choáng váng sau vụ IS đạo diễn các vụ tấn công khủng bố Paris.

IBT so sánh việc nhắc đến sử dụng vũ khí hạt nhân của ông Putin với phát biểu đòi “cấm tất cả người Hồi giáo” của tỷ phú Mỹ, ứng cử viên tổng thống Donald Trump nhằm gây sự chú ý. Tuy nhiên, so với ông Trump, Tổng thống Putin tỏ ra thông minh và tinh tế hơn khi chỉ ám chỉ lựa chọn hạt nhân, IBT nhận xét. Và trong một môi trường mà sự sợ hãi ngày càng tăng, những phát ngôn và quyết định quyết đoán luôn có quyền lực đặc biệt.

IBT cho rằng, tất nhiên, phát biểu của nhà lãnh đạo Nga có ý nghĩa trước tiên đối với công chúng trong nước nhằm xoa dịu họ bằng việc gợi nhắc sức mạnh và sự vĩ đại của nước Nga. Đồng rúp Nga đang mất giá, lương hưu bị đe dọa, giá cả hàng hóa tăng cao, tỷ lệ nghèo đói tăng lên và kinh tế ảm đạm khiến sự phản đối bắt đầu nổi lên. Chiến lược ngắn hạn để đối phó tình trạng này đơn giản là hướng sự chú ý của mọi người vào các kẻ thù bên ngoài, IBT nhận định.

Kêu gọi lòng tự hào dân tộc

Tổng thống Putin còn kêu gọi tinh thần yêu nước, lòng tự hào của người Nga. IBT cho rằng, điều này có thể có vẻ đơn giản, nhưng đừng bao giờ đánh giá thấp tỷ lệ người Nga cảm thấy tự hào về đất nước họ. Chính điều này vào những năm 1990 đã mở đường cho một chính khách như ông Putin bước lên đỉnh quyền lực.

Mặt khác, IS rõ ràng là một đối tượng hung ác hoàn hảo để trút giận trong bối cảnh hiện nay. Nga vốn chẳng xa lạ gì với khủng bố, và ở góc độ con người, những hình ảnh IS chặt đầu tù nhân tại Syria hay cảnh thảm sát tại Paris đã khiến nước Nga chấn động sâu sắc. Rất nhiều người nhớ những hình ảnh binh sĩ Nga bị hành quyết dã man tại Chechnya. Tất cả người dân đều phẫn nộ khi chiếc máy bay chở đầy người Nga đi nghỉ gần đây bị IS đánh bom rơi xuống Ai Cập. Cảm giác bị cô lập quốc tế tại Nga đã được thay thế bởi sự cần thiết bắt tay hợp tác với các cường quốc bên ngoài để cùng nhau đứng lên chống mối đe dọa Hồi giáo cực đoan.

Trong phiên điều trần mới đây tại Ủy ban Quân bị Thượng viện Mỹ, tướng không quân Paul Selva, Phó Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, thừa nhận không thể thiết lập một vùng cấm bay tại Syria do các quân đội đối địch sẽ thách thức và phá vỡ nó, US News đưa tin.

Việt Nam mong Nga-Thổ đối thoại

Ngày 10/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những diễn biến căng thẳng gần đây trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam hết sức lo ngại về sự việc xảy ra ngày 24/11 và mong muốn Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đối thoại, phối hợp giải quyết vụ việc, tránh để tình hình leo thang và không để các vụ việc tương tự lặp lại. Việt Nam ủng hộ những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức cũng như các hoạt động bạo lực cực đoan, trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, đảm bảo an toàn cho thường dân”.        

Bình Giang

MỚI - NÓNG