Báo Hong Kong:

Trung Quốc biến Đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa

Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh ngày 31/5. Ảnh: DigitalGlobe
Đá Chữ Thập chụp từ vệ tinh ngày 31/5. Ảnh: DigitalGlobe
TP - Báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua dẫn lời các nhà phân tích nói rằng, Trung Quốc đã biến bãi đá ngầm Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa, phục vụ hoạt động quân sự và dân sự của nước này trên biển Đông.

Việt Nam và Philippines nhiều lần phản đối các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở biển Đông, nhưng Bắc Kinh chưa từng công khai thừa nhận kế hoạch biến các bãi đá ngầm thành đảo. Tuần trước, người đứng đầu cơ quan an ninh Đài Loan, ông Lee Hsiang-chou, công khai nói rằng, Bắc Kinh đang thực hiện 7 dự án xây dựng ở biển Đông.

Việc mở rộng Đá Chữ Thập được đẩy nhanh hơn kế hoạch và có khả năng phát triển vượt Ba Bình - hòn đảo lớn nhất ở Trường Sa, GS Jin Canrong chuyên nghiên cứu quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Bắc Kinh nhận định. Ba Bình (đang bị Đài Loan chiếm đóng) là đảo duy nhất ở Trường Sa có nước ngọt. Hòn đảo này có diện tích 0,5 km2.

Ông Wang Hanling, chuyên gia về biển Đông ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, nói rằng, Đá Chữ Thập hiện có diện tích 1 km2 và công việc cải tạo bãi này sẽ còn tiếp tục. Cả hai học giả đều nói vẫn chưa rõ Đá Chữ Thập cuối cùng sẽ có diện tích bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ trở thành nơi hỗ trợ hoạt động dân sự và quân sự của Trung Quốc.

Cuối tuần qua, trang web Guancha.cn của Trung Quốc đăng bài viết nói rằng, Đá Chữ Thập đã được nâng cấp thành đảo. Bài viết dẫn hình ảnh vệ tinh của Cty DigitalGlobe chụp từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 và các nguồn tin giấu tên nói rằng, Đá Chữ Thập giờ đã lớn hơn đảo Ba Bình.

South China Morning Post dẫn lời GS Carlyle Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc nói rằng, chưa có bằng chứng đủ mạnh cho thấy Trung Quốc đang có kế hoạch biến đảo nhân tạo Chữ Thập thành căn cứ hải quân. Nhưng nó có thể trở thành một tiền đồn để cung cấp đồ tiếp tế và chỗ ở cho những người tham gia các hoạt động thương mại ở biển Đông, từ đó giúp tăng cường hiện diện dân sự của Trung Quốc ở khu vực này.

“Nó có thể giúp cuộc sống của những người làm việc trên các giàn khoan dầu mà Trung Quốc đưa ra trở nên dễ dàng hơn. Các tàu đánh cá có thể trú tạm ở đây để không phải quay về tận Hải Nam”, GS Thayer nói.

Tạp chí Nhật Bản: Việt Nam, Philippines nên tăng cường tuần tra

Nhiều nhà phân tích cho rằng, với việc mở rộng các đảo nhỏ, cải tạo bãi ngầm, Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hiện diện trên biển, từng bước hòng hiện thực hóa “đường lưỡi bò” nuốt gần hết biển Đông.

Trong bài viết gần đây đăng trên tạp chí Nhật Bản The Diplomat, nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah ở Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng, khi phải đối mặt những bước đi ngày càng hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông, Việt Nam và Philippines cần khẳng định đủ sự hiện diện để “biến những tuyên bố hợp pháp thành thực tế”.

Theo tinh thần của luật pháp quốc tế, việc quản lý hiệu quả khu vực tranh chấp có ý nghĩa hơn nhiều so với bằng chứng lịch sử. Tòa án Công lý Quốc tế vào tháng 5/2008 ra phán quyết công nhận quyền sở hữu đảo Pedra Branca cho Singapore chứ không phải Malaysia cũng vì lý lẽ này.

Theo nhà nghiên cứu Nah, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều hành động nhằm tăng cường hiện diện ở biển Đông, Việt Nam và Philippines cần tăng cường hợp tác, nâng cao khả năng tuần tra trên biển, duy trì việc quản lý hiệu quả và thực thi liên tục.

Hôm 20/10, Malaysia thông báo nước này và Indonesia đã nhất trí sớm giải quyết tranh chấp về biên giới trên biển, báo Malaysia The Star đưa tin.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói rằng, thỏa thuận này đạt được trong cuộc gặp song phương đầu tiên giữa ông và tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo sau lễ nhậm chức tại thủ đô Jakarta. 

Cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng hơn 15.000 km2 nhiều dầu mỏ ở ngoài khơi tỉnh Đông Kalimantan của Indonesia và Đông Nam bang Sabah của Malaysia.

Toan tính của Bắc Kinh

Trung Quốc biến Đá Chữ Thập thành đảo lớn nhất Trường Sa ảnh 1

Ngày 21/10, trả lời phỏng vấn Tiền Phong qua email, ông Alexander Neill (ảnh), chuyên gia hàng hải và hải quân Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế - khu vực châu Á (trụ sở Singapore), khẳng định, Trung Quốc không chỉ đơn thuần nạo vét ở Đá Chữ Thập mà còn có các hoạt động cải tạo, xây dựng khác tại bãi đá này và một số bãi đá gần đó.

Trung Quốc có các kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở khu vực tranh chấp, để nước này toàn quyền hành động trong việc nâng cao sự hiện diện quân sự ở Trường Sa cũng như quanh quần đảo này.

Theo ông Neill, mục tiêu của Trung Quốc là xây dựng sự hiện diện đáng kể, lâu dài và liên tục ở các bãi đá ngầm thuộc Trường Sa, cụ thể là Đá Chữ Thập, trong đó có việc thiết lập sự hiện diện quân sự liên tục.

“Trung Quốc biết rằng, ở phần phía Nam của biển Đông, sự nhận thức tình huống và năng lực tiến hành chiến tranh viễn chinh của nước này không cao như ở phần phía Bắc của biển Đông.

Vì thế, việc thiết lập sự hiện diện đáng kể, liên tục và lâu dài ở Trường Sa phải là một mục tiêu chính yếu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Đây là một cách tiếp cận tăng cường. Một khi Trung Quốc thiết lập được một sự hiện diện như vậy ở quần đảo Trường Sa, các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông sẽ khó mà đánh bật được vị trí của Trung Quốc, dù Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) có ra phán quyết gì đi chăng nữa”, chuyên gia Alexander Neill nhận định.

Minh Long

Theo Theo South China Morning Post, The Diplomat, The Star
MỚI - NÓNG