Ngoại trưởng Triều Tiên đề nghị nói chuyện với người đồng cấp Nhật Bản tại Manila trong bối cảnh ông Kono vừa thúc giục Triều Tiên tìm kiếm giải pháp toàn diện đối với chương trình tên lửa và hạt nhân cũng như vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản, dựa trên Tuyên bố Bình Nhưỡng năm 2002 do Thủ tướng Nhật Bản hồi đó là ông Junichiro Koizumi và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il ký, một quan chức Nhật Bản cho biết.
“Triều Tiên rõ ràng muốn đối thoại với Mỹ, và vì mục đích này, họ có thể cân nhắc sử dụng Nhật Bản”, quan chức Nhật nói.
Tokyo và Washington đang hợp tác nhằm gia tăng áp lực quốc tế lên Triều Tiên nhằm thuyết phục nước này kiềm kế thực hiện kế hoạch phóng đồng thời nhiều tên lửa đạn đạo xuống vùng biển gần đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ.
Mỹ và Nhật cũng duy trì quan điểm không đối thoại với Triều Tiên trừ khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình tên lửa và hạt nhân.
Trong cuộc điện đàm ngày 15/8, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ quan điểm rằng cộng đồng quốc tế nên phối hợp để tăng cường áp lực lên Triều Tiên vì đối thoại chỉ để đối thoại sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Mỹ và Nhật dự kiến sẽ tổ chức đối thoại an ninh “2+2” giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao của hai nước tại Washington vào ngày 16/8 tại Washington, tiếp sau là cuộc họp giữa lãnh đạo của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân đội Mỹ tại Tokyo vào ngày 17/8.
Trong khi đó, chính phủ Nhật đang nhìn thấy những dấu hiệu thay đổi trong quan điểm cứng rắn của Triều Tiên khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói sẽ theo dõi hành động của Mỹ trước khi quyết định kế hoạch tấn công Guam.
Nhật Bản cũng đang theo dõi sát sao cách Bình Nhưỡng ứng phó với các biện pháp cấm vận mà Trung Quốc vừa áp đặt lên Triều Tiên từ đầu tuần này.