Phó Đô đốc hải quân nghỉ hưu John Bird cho rằng, Mỹ nên chấp thuận việc mở rộng khả năng vũ khí hạt nhân ở Thái Bình Dương sang Nhật Bản để giảm bớt mối đe dọa từ Triều Tiên.
Ông Bird nói: "Nhiều người cho rằng chúng ta nên đưa những chương trình hạt nhân chiến thuật vào Tây Thái Bình Dương, báo hiệu cho Nhật Bản thấy rằng không nên coi chiếc ô hạt nhân của Mỹ là đủ và nên đi theo con đường riêng của họ.
Nếu như Trung Quốc đang thất vọng với THAAD (hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối) mà Mỹ đặt tại Seoul thì họ sẽ phải có biện pháp cân bằng với Triều Tiên".
Ông Bird và cựu trợ lý Ngoại trưởng Stephen Rademaker đã cùng nhau bàn về thực tế địa chính trị mới. Họ cho rằng, Triều Tiên đã đẩy mạnh hoạt động chống Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng khẳng định sự độc lập hơn với Bắc Kinh trong bối cảnh Trung Quốc bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an LHQ hồi đầu tháng này, và ngưng xuất khẩu than đá, quặng sắt và các mặt hàng quan trọng khác tới Triều Tiên.
"Việc đòi hỏi Triều Tiên là quốc gia phi hạt nhân hoá là điều không thể. Bởi lẽ, Triều Tiên đã viết vào hiến pháp rằng họ là một quốc gia có vũ trang hạt nhân", ông Hademaker cho biết. "Chúng ta phải thuyết phục họ bỏ vị thế đó hoặc chúng ta phải bắt đầu đàm phán về việc hạn chế khả năng hạt nhân của họ".
Trước thách thức này của Triều Tiên, các chuyên gia nhận định, cần khuyến khích Nhật Bản trang bị hạt nhân cho nước này.
Hiến pháp về hòa bình của Nhật Bản cấm duy trì khả năng chiến tranh, nhưng Nhật Bản những năm gần đây vẫn phát triển năng lực hạt nhân, một phần là do những nỗ lực thất bại trong việc giải quyết căng thẳng xung quanh các mối đe dọa và tham vọng hạt nhân của Triều Tiên.
Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố rằng trong Hiến pháp của quốc gia không có điều khoản rõ ràng ngăn cấm Nhật Bản sở hữu hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Abe trước đó nói rằng ông rất quan tâm đến việc Nhật Bản đóng một vai trò chủ động hơn trong vai trò kinh tế cũng như trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế và các điểm nóng an ninh khác.
Nếu Mỹ thay đổi chính sách phi quân sự hóa Nhật Bản và yêu cầu Nhật Bản chia sẻ gánh nặng duy trì an ninh, bảo vệ hòa bình quốc tế, Nhật Bản dần gia tăng khả năng phòng thủ và phát triển kỹ thuật hơn bởi lẽ Điều 9 trong hiến pháp Nhật Bản không ngăn nước này duy trì khả năng phòng thủ của mình.
"Chúng ta chưa thực hiện đủ biện pháp phòng thủ tên lửa, và tôi tin rằng người Do Thái là một ví dụ tốt mà chúng ta cần noi theo. Chúng ta cần phải tăng cường nỗ lực và năng lượng hơn nữa trong lĩnh vực tình báo, giám sát và trinh sát nhằm xác định được bất cứ thời điểm nào Triều Tiên phóng tên lửa. Chúng ta nên sử dụng khả năng không gian mạng và phát triển nó nhanh như chúng ta có thể để phá vỡ hệ thống điều khiển và chỉ huy của Triều Tiên", ông Bird cho biết thêm.