Tạp chí Canada cảnh báo:

“Tàu sân bay không thể chìm” của Trung Quốc trên biển Đông

Trung Quốc định xây dựng Gạc Ma thành “tàu sân bay không thể chìm”. Ảnh: Janes
Trung Quốc định xây dựng Gạc Ma thành “tàu sân bay không thể chìm”. Ảnh: Janes
TP - Việc Trung Quốc cải tạo các bãi đá, xây dựng đảo nhân tạo, xây đường băng sân bay ở biển Đông có thể gây ra mối đe dọa với tất cả các nước trong khu vực, trang tin Đài Loan Want China Times dẫn nhận định của tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada). 

Theo Kanwa, thực trạng Trung Quốc cải tạo thần tốc 6 bãi đá, đặc biệt là Gạc Ma tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam có thể gây ra một mối đe dọa với tất cả các bên tranh chấp tại khu vực Trường Sa, gồm Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Philippines. Bắc Kinh định xây một “tàu sân bay không thể chìm” trên biển Đông, thông qua dự án cải tạo, xây dựng đảo quy mô tại khu vực tranh chấp. Kế hoạch nêu rõ “tàu sân bay không thể chìm” gồm hai đường băng và hai cầu cảng. 

Sau khi dự án đầy tham vọng này hoàn tất, Trung Quốc sẽ có khả năng triển khai các máy bay ném bom chiến lược H-6 và máy bay chiến đấu xuống biển Đông. Hai cầu cảng ở đây có thể đón tiếp bất cứ loại chiến hạm nào của Trung Quốc, trừ tàu sân bay Liêu Ninh.

Các máy bay H-6 sẽ gây thêm một nguy cơ nữa đối với Mỹ và các đối tác an ninh của Mỹ tại Đông Nam Á. Với tầm hoạt động 6.000 km và bán kính tác chiến 1.800 km, H-6 có thể tấn công tất cả mục tiêu chủ yếu nằm ở phía bắc Úc.

Dù Úc cách Gạc Ma tới 3.200km, nhưng vẫn nằm trong tầm tấn công của máy bay H-6 có khả năng mang tên lửa hành trình tầm bắn 2.000 km. Điều đó có nghĩa rằng, các máy bay H-6 có thể tấn công mọi cơ sở quân sự của Mỹ tại Úc. Các tên lửa chống hạm như YJ-83 và YJ-12 cũng có thể được sử dụng để phong tỏa mọi hoạt động hàng hải tại eo biển Malacca.

Nhờ sân bay nhân tạo ở Gạc Ma, Trung Quốc sẽ giành quyền kiểm soát không phận biển Đông và có khả năng ngăn chặn các lực lượng Mỹ hỗ trợ cho đồng minh ở khu vực Đông Á.

Trong lúc quy mô các dự án cải tạo, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc tại khu vực quần đảo Trường Sa vẫn còn chưa rõ ràng, một dự án tương tự được cho là đang được thực hiện tại đá Vành Khăn. Dù Gạc Ma hay Vành Khăn trở thành “tàu sân bay không thể chìm”, những quốc gia trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Việt Nam và Singapore đều nằm trọn trong tầm không kích chiến thuật của Trung Quốc. Hiện nay, Singapore là một trong những căn cứ chủ chốt cho các tàu tác chiến ven bờ của hải quân Mỹ.

Tuy nhiên Kanwa cho rằng, một “tàu sân bay không thể chìm” hoàn toàn không phải một “tàu sân bay bất khả chiến bại”. Gạc Ma và Vành Khăn thời bình có thể phát huy hiệu quả răn đe và đóng vai trò cơ sở hậu cần đắc lực cho các hoạt động xâm lấn phi vũ trang, nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tác chiến hiệu quả của hải quân, không quân và tên lửa bờ của các nước ven biển Đông.

Kanwa nhận định, với sự trợ giúp của Mỹ, một khi xung đột nổ ra, các nước này có thể phát động một cuộc tấn công phủ đầu, dễ dàng vô hiệu hóa cả hai sân bay trên Gạc Ma và Vành Khăn.

Sẽ sản xuất 1.200 máy bay chiến đấu mới

Theo tạp chí Phân tích Quân sự Nga, Trung Quốc cần chế tạo tới 1.200 máy bay chiến đấu thế hệ 4 để trong các cuộc xung đột tiềm tàng có thể đương đầu không quân Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nếu như họ đều được trang bị các chiến đấu cơ tiên tiến do Mỹ sản xuất.

Dù Đài Loan giữ quan hệ kinh tế khăng khít với đại lục, chính quyền thời lãnh đạo Mã Anh Cửu không ngừng thúc đẩy kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu hiện đại từ Mỹ như F-16C/D, thậm chí là tiêm kích tàng hình F-35. Hàn Quốc và Nhật Bản, các đồng minh trụ cột của Mỹ trong khu vực, đều nâng cấp không lực bằng cách mua thêm chiến đấu cơ mới của Mỹ.

Trung Quốc đang đẩy nhanh phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 như J-20 và J-31. Tuy nhiên, nước này vẫn không đủ khả năng sản xuất được động cơ nội địa đáng tin cậy.

Cho tới lúc đó, quân đội Trung Quốc vẫn phải trông cậy vào các loại máy bay J-10 và J-10B để đối phó không quân đối phương trong trường hợp diễn ra xung đột.

Máy bay J-10 được thiết kế để cạnh tranh với các chiến đấu cơ như Rafale của Pháp, Typhoon của châu Âu, MiG-29K của Nga. Máy bay được lắp động cơ Nga nhưng bán kính tác chiến chỉ có 800 km, thua xa chiến đấu cơ Mỹ và châu Âu.

J-11B là phiên bản nội địa nâng cấp của J-10, được Tập đoàn Công nghiệp chế tạo máy bay Thành Đô lắp thêm hệ thống radar chủ động. Tập đoàn này được cho là đã quyết định sản xuất thêm ít nhất 1.200 chiếc J-10 trong 10 năm tới.

Trung Quốc hy vọng với sự phối hợp của máy bay cảnh báo sớm như KJ-2000 hay ZDK-03, máy bay J-10B có thể tạo sự đe dọa lớn đối với những quốc gia sử dụng máy bay chiến đấu Mỹ.

Gạc Ma và Vành Khăn hoàn toàn nằm trong tầm tác chiến hiệu quả của hải quân, không quân và tên lửa bờ của các nước ven biển Đông, tạp chí quốc phòng Kanwa Defense Review (Canada) nhận định.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.