Reuters dẫn lời các nguồn tin chính phủ và lãnh đạo tập đoàn nhà nước nói rằng, chiến dịch không chỉ vấp phải sự hoài nghi thường thấy từ phía người dân về tính công bằng mà còn dẫn đến hệ quả ngoài dự kiến: Những người có nhiệm vụ triển khai các chương trình cải cách kinh tế cần thiết và điều hành cỗ máy chính phủ đang rụt lại vì họ quá sợ hãi. Một lý do khiến họ sợ hãi là chiến dịch kéo dài 18 tháng qua của ông Tập Cận Bình chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Mới tuần trước, chính phủ thông báo, một cựu quan chức hàng đầu của quân đội sắp phải ra tòa án binh vì nhận hối lộ.
Với tình trạng tham nhũng trở thành đại dịch ở Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực mua sắm chính phủ, ngành năng lượng, xây dựng và cấp phép sử dụng đất đai, khai thác mỏ, nhiều quan chức biết rằng, họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo. “Chiến dịch chống tham nhũng gây tác động lớn lên nền kinh tế. Nhiều quan chức địa phương không còn muốn triển khai các dự án đầu tư. Họ đang nằm im. Họ nghĩ cũng sẽ đoản mệnh như những người khác”, Reuters dẫn lời một quan chức ở tỉnh Chiết Giang.
Chống tham nhũng không phải là lý do duy nhất khiến một số quan chức trở nên “lười biếng”. Bất kỳ chính sách nào ảnh hưởng quyền lực của chính quyền địa phương và giảm thu nhập cũng vấp phải sự phản kháng. Ông Tập cách đây ít lâu cam kết sẽ cho phép thị trường đóng vai trò quyết định trong nền kinh tế, nghĩa là sự can thiệp của chính phủ sẽ giảm xuống.
Dù không có số liệu chứng minh thiệt hại kinh tế, Cty Chứng khoán Huachuang ở Bắc Kinh ước tính, chiến dịch chống quan chức xa hoa, lãng phí có thể làm giảm 0,4 điểm phần trăm trong mức tăng trưởng 7,7% của kinh tế Trung Quốc năm 2013. Cơ quan giám sát chống tham nhũng thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 3 nói rằng, lượng tiền chi cho hội họp và các chuyến đi nước ngoài giảm tương ứng khoảng 53% và 39% so với năm 2012. Chiến dịch này khiến các công ty phân phối rượu, đồng hồ, xe hơi, khách sạn cao cấp lo lắng.
Chiến dịch của ông Tập Cận Bình còn nhằm vào cả các “quan chức trần trụi” - cụm từ chỉ những quan chức có vợ con đang sống ở nước ngoài. “Bầu không khí ở chỗ tôi ngập trong sợ hãi và bất an. Không ai muốn làm việc gì mà họ cho là sẽ thu hút sự chú ý không cần thiết. Điều đó nghĩa là rất ít công việc được hoàn thành”, một nữ cán bộ Trung Quốc giấu tên nói. Tuy nhiên, dù dự án thí điểm bắt buộc kê khai thu nhập của quan chức cấp thấp đang được triển khai một vài nơi, nhưng gần như không có cuộc thảo luận công khai nào về tài sản của các lãnh đạo cấp cao.
Từ tháng 12/2012, khoảng 30 quan chức cấp tỉnh, bộ và cao hơn nữa đã bị đưa vào diện điều tra tham nhũng, Xinhua đưa tin hôm 30/6. China Youth Daily (Nhật báo Thanh niên Trung Quốc) hồi tháng 4 nói rằng, trong số 54 quan chức chết vì “nguyên nhân bất thường” trong thời gian từ tháng 1/2013 đến 4/2014, hơn 40% trong số đó tự kết liễu đời mình. Tám người nhảy lầu tự tử. Ông Bạch Trung Nhân, cựu Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc, nhảy lầu tự tử hồi tháng 1, sau khi bị điều tra tham nhũng. Cựu Chủ tịch Cty Dược phẩm Sanjing thuộc Tập đoàn Dược phẩm Cáp Nhĩ Tân, chết hồi tháng 5 theo cách thức tương tự.
CCTV (Truyền hình Trung ương Trung Quốc) hôm qua phát sóng phóng sự điều tra tố cáo Ngân hàng Trung Quốc, một trong bốn ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất ở nước này, rửa tiền cho những người muốn ra nước ngoài theo hình thức đầu tư. Gần 200.000 người Trung Quốc di cư ra nước ngoài mỗi năm, và lượng tiền đầu tư của dân Trung Quốc ra nước ngoài cũng tăng mạnh trong 3 năm qua.