Ông Putin huy động tổng lực đối phó mối đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AP.
Ông Putin đang huy động tối đa sức mạnh để đương đầu với những mối đe dọa phát sinh sau vụ việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua ký sắc lệnh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các tổ chức, doanh nghiệp và hàng hóa Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi bị Ankara bắn rơi chiến đấu cơ. 

 Một sắc lệnh "về những biện pháp đảm bảo an ninh quốc gia cho Liên bang Nga và bảo vệ công dân trước các hành động tội phạm cũng như bất hợp pháp khác, và về việc áp đặt các biện pháp kinh tế đặc biệt trong mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ" đã được phê duyệt hôm qua, RT dẫn tin từ văn phòng báo chí điện Kremlin cho hay.

Theo sắc lệnh, việc nhập khẩu một số mặt hàng từ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạm thời bị cấm hoặc hạn chế. Một số tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ ở Nga sẽ bị cấm hoạt động.

Các công ty và doanh nghiệp Nga bị cấm thuê lao động Thổ Nhĩ Kỳ làm việc kể từ ngày 1/1/2016. Tuy nhiên, lệnh này chỉ áp dụng với những lao động mới, những người đã được ký hợp đồng làm việc chính thức trước 31/12 sẽ không bị ảnh hưởng.

Một số chuyến bay thuê giữa hai nước sẽ bị dừng hoạt động. Sắc lệnh cũng yêu cầu các hãng lữ hành Nga hạn chế bán các gói du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, khi Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo công dân không đến Nga nếu không có việc cần thiết "cho đến khi tình hình trở nên rõ ràng".

Hôm 27/11, Nga đã đình chỉ thỏa thuận miễn thị thực với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dmitry Peskov, phát ngôn viên của ông Putin, cho hay có gần 90.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc ở Nga. Nếu tính cả các thành viên gia đình, con số này lên tới 200.000 người.

Những người có giấy phép cư trú, cũng như các nhà ngoại giao đang làm việc ở sứ quán và lãnh sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Nga, cùng gia đình của họ, sẽ không bị ảnh hưởng gì.

Chính phủ Nga cũng tăng cường kiểm soát an ninh ở các cảng tại Biển Azov và Biển Đen. Việc hiện diện và di chuyển trái phép của các tàu Thổ Nhĩ Kỳ gần các cảng biển trên sẽ bị ngăn chặn, sắc lệnh cho hay.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có mối quan hệ kinh tế quan trọng. Nga là bạn hàng lớn thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi có hơn 3 triệu du khách Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ năm ngoái.

Từ đầu năm đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD các mặt hàng thực phẩm và nông nghiệp sang Nga, và Nga cho hay 20% rau nhập khẩu là từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Xuất khẩu da, hàng dệt may và quần áo từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga năm ngoái trị giá hơn 1,5 tỷ USD.

Trong một bình luận nhằm nhấn mạnh sự tức giận của điện Kremlin trước việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/11 bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 Nga, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, hôm nay gọi hành động của Ankara là "cực kỳ điên rồ".

"Không ai có quyền bắn máy bay Nga từ phía sau như vậy", Reuters dẫn lời ông Peskov phát biểu trên truyền hình. Ông đồng thời gọi các bằng chứng mà Ankara đưa ra để cho thấy phi cơ Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ giống như một "bộ phim hoạt hình".

Theo Peskov, cuộc khủng hoảng này khiến ông Putin phải điều động quân đội theo các cách thức mà chỉ có thể được thực hiện trong những giai đoạn căng thẳng nhất.

"Tổng thống Putin đang huy động quân đội, huy động tổng lực, huy động như những gì hoàn cảnh yêu cầu", ông Peskov nói.

"Tình thế hiện nay là chưa từng có. Những thách thức đang dội xuống nước Nga là chưa từng có. Vì thế, phản ứng của tổng thống phù hợp với mối đe dọa này".

Ông Peskov cũng cho hay Tổng thống Putin đã biết về đề xuất gặp mặt bên lề hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu diễn ra vào tuần tới ở Paris, Pháp, mà người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đưa ra. Song ông này không cho biết liệu cuộc gặp có được tổ chức hay không.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG