Nga cam kết thúc đẩy dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Đại diện Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án. (Ảnh: TTXVN)
Đại diện Ban quản lý dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giới thiệu mặt bằng thực hiện dự án. (Ảnh: TTXVN)
TP - Nhân dịp Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thăm chính thức Việt Nam từ ngày 5 đến 7/4 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov (một thành viên trong đoàn) hôm 4/4 trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong qua email về hiện trạng và triển vọng hợp tác Việt-Nga trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng.

Về nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, Bộ trưởng Manturov khẳng định: “Chúng tôi đã, đang và sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ, cam kết với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Nga đã nhất trí cho phía Việt Nam vay 8 tỷ USD. Theo dự tính của chúng tôi, thời điểm khởi công chậm nhất là năm 2017, tổ máy đầu tiên sẽ hoạt động từ năm 2020”.

Theo Bộ trưởng Manturov, trọng tâm hiện nay là đào tạo nhân lực cho lĩnh vực hạt nhân. Ông cho biết, một trung tâm đào tạo chuyên viên Việt Nam đang gấp rút được thực hiện tại tỉnh Obninsk, cụ thể là tại Đại học Nghiên cứu Năng lượng Hạt nhân Nga; trước đó, hai phía Nga và Việt Nam đã ký thỏa thuận xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 tổ máy điện hạt nhân với tổng công suất khoảng 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện. “Nga rất quan tâm hợp tác trong lĩnh vực này, vì vậy, nhiều khả năng chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở dự án nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, mà còn cả những dự án tiếp theo”, Bộ trưởng Manturov khẳng định.

Ngoài điện hạt nhân, Nga cũng quan tâm hợp tác trong lĩnh vực nhiệt điện, dầu khí… Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga cho biết: “Tập đoàn Silovie Mashiny coi Việt Nam là một thị trường năng lượng có tiềm năng lớn và đã cộng tác với phía Việt Nam trong vài thập kỷ qua. Tổng công suất thiết bị đã trang bị cho các nhà máy điện của Việt Nam lên tới 4.000 MW”. Ngoài nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, doanh nghiệp Nga cũng muốn được tham gia thi công các nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1, Sông Hậu 1 và hiện đại hóa nhà máy thủy điện Hòa Bình.

Bộ trưởng Manturov nhận định: “Hợp tác song phương Nga - Việt đang trong giai đoạn phát triển hết sức tích cực”. Năm ngoái, trong khóa họp thứ 17 của Ủy ban Liên Chính phủ về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học - Kỹ thuật, 17 dự án đầu tư ưu tiên đã được phê duyệt, với tổng trị giá 20 tỷ USD, ông Manturov cho biết. 

MỚI - NÓNG