Quy mô ảnh hưởng toàn cầu của ông Tony Blair lần đầu tiên được tiết lộ cho thấy người dân đóng thuế ở Anh đang trả 16.000 bảng Anh mỗi tuần để trang trải cho những chuyến du ngoạn khắp thế giới của ông Blair, với sự phục vụ của một đội cảnh sát cận vệ, máy bay phản lực tư nhân, khách sạn 5 sao, trong khi ông xây dựng đế chế kinh doanh của riêng mình.
Theo tài liệu mà The Telegraph có được, ông Blair sử dụng các chuyến đi giống hệt nhau để thực hiện những cuộc gặp gỡ làm ăn và đàm phán với tư cách đại diện mạng lưới liên lạc ngoại giao không chính thức Quartet (Bộ tứ) đến Trung Đông.
Tài liệu cũng cho thấy, ông Blair đến thăm 5 nước mỗi tuần với chi phí ước tính 14.000-16.000 bảng Anh. Trong những chuyến đi này, ông Blair luôn được bảo vệ bởi một nhóm cảnh sát London mà lương, thời gian làm thêm giờ, chi phí đi lại và ăn uống của họ đều lấy từ tiền thuế. Những chuyến đi phức tạp nhất đều có mặt 8 sĩ quan thuộc nhiều cấp bậc. Mỗi người trong số họ được trả ít nhất 56.000 bảng Anh và tiền thưởng 70.000 bảng Anh cho thời gian làm thêm giờ trong các chuyến đi nước ngoài.
Tài liệu còn cho thấy, ông Blair đã phát triển một mạng lưới gồm các nhà lãnh đạo và doanh nhân có tầm ảnh hưởng nhất thế giới để có danh sách khách hàng sẵn sàng trả hàng chục triệu bảng Anh để được ông tư vấn. Những thông tin này cho thấy công việc công và tư của ông Blair nhiều khi mâu thuẫn nhau.
The Telegraph dẫn lời một đại sứ dự các cuộc họp với ông Blair về công việc của ông tại Quartet nói rằng, sự xung đột này “khá khó chịu”, và rằng ông Blair “sử dụng tấm vé của Đại sứ Trung Đông và Quartet” để làm việc với các chính phủ vì mục đích thương mại. Nhiều ví dụ cụ thể được liệt kê, như vụ ông Blair nhận được hợp đồng 1 triệu bảng Anh với Ngân hàng Thế giới trong khi vẫn đang làm việc với ngân hàng này với tư cách đại diện của Trung Đông.
Cựu Thủ tướng Anh cũng giành được nhiều thỏa thuận béo bở với Abu Dhabi trong khi đàm phán với tư cách đại diện Trung Đông về khoản quỹ 45 triệu USD cho chính quyền Palestine. Nhóm của ông Blair đã tìm kiếm trợ giúp từ các quan chức Anh để phục vụ lợi ích kinh doanh riêng của họ tại những nước như Canada, Albania, Macedonia…
Trong nhiều trường hợp, ông Blair có các cuộc gặp vì mục đích làm ăn với chính những người đang có liên hệ với ông trên tư cách đại diện của Quartet. Quartet vừa thông báo cựu Thủ tướng Anh sẽ thôi vị trí đại diện cho họ trong tháng này sau 8 năm làm việc.
Mập mờ việc công - việc riêng
Ông Andrew Bridgen, nghị sĩ đảng Bảo thủ Anh và là người từng chỉ trích những lợi ích kinh doanh rộng khắp của ông Blair, nay kêu gọi cựu Thủ tướng Anh khai báo đầy đủ các thương vụ làm ăn của mình. “Ông Blair luôn làm mờ ranh giới giữa công việc chính thức và làm ăn, trong khi đoàn tùy tùng của ông ấy tiêu tốn chi phí lớn mà người dân Anh phải trả”, The Telegraph dẫn lời ông Bridgen. Ông Chris Doyle, Giám đốc Hội đồng Hiểu biết Anh - Ảrập, cho rằng, ông Blair “cần minh bạch về các hoạt động kinh doanh, nếu không sẽ có nguy cơ bị cáo buộc xung đột lợi ích”.
Trong khi đó, một phát ngôn viên của ông Blair phủ nhận những cáo buộc trên. Phát ngôn viên nói rằng, ông Blair “hoàn toàn không bao giờ lợi dụng vị trí đại diện của Quartet để phục vụ lợi ích làm ăn”, và rằng nhiệm vụ của các quan chức Bộ Ngoại giao Anh là hỗ trợ công việc của ông Blair ở nước ngoài. Phát ngôn viên của ông Blair và cảnh sát London từ chối bình luận về việc các sĩ quan cảnh sát phục vụ trong các chuyến đi của cựu Thủ tướng Anh.
Lịch trình chi tiết trong tài liệu do The Telegraph có được liệt kê chuyến sang Việt Nam của ông Blair vào tháng 10/2012. Trong chuyến đi này, ông Blair được biết là đã tư vấn cho Chính phủ Việt Nam về các vấn đề cải tổ nền kinh tế và thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Ông Blair sau đó giành được thỏa thuận cho công ty tư vấn toàn cầu Tony Blair Associates (do ông Blair thành lập) để tư vấn cho phía Việt Nam.