Có bom mạnh, Triều Tiên thách thức cả Mỹ - Trung

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị hạt nhân trong bức ảnh được công bố ngày 3/9. Ảnh: KCNA.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kiểm tra một thiết bị hạt nhân trong bức ảnh được công bố ngày 3/9. Ảnh: KCNA.
TP - Với việc kích hoạt quả bom nhiệt hạch (bom hydro, bom H) mạnh nhất từ trước đến nay của Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang đánh cược rằng đã quá muộn để cả Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể dẹp kho vũ khí hạt nhân của họ.

Bình Nhưỡng hôm 3/9 tuyên bố họ vừa thử thành công quả bom hydro có thể lắp vừa một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu có thể tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên cũng tuyên bố họ đã sở hữu loại bom có sức công phá 100 kiloton – gấp 6 lần sức mạnh quả bom Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.

Hàn Quốc hôm qua nói rằng, họ phát hiện Triều Tiên vẫn đang chuẩn bị phóng thử ICBM. Cơ quan tình báo Hàn Quốc nói rằng, có khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa này xuống Thái Bình Dương vào bất kỳ lúc nào, hãng thông tấn Yonhap đưa tin.

Dù loại vũ khí được thử hôm 3/9 của Triều Tiên có phải bom hydro hay không thì vụ nổ này cũng đủ lớn để “kết thúc một thành phố của Mỹ” nếu nó được gắn vào đầu ICBM, ông Vipin Naran, Phó giáo sư chuyên nghiên cứu về các vấn đề hạt nhân tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), đánh giá. Điều này sẽ khiến cả Mỹ hay Trung Quốc khó buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un lùi bước, ông Naran nhận định. “Tôi từng nghĩ có thể ông Kim sẽ không thử vụ thứ 6 trong nhiều tháng qua vì đó là vạch đỏ đối với Trung Quốc. Nhưng rõ ràng ông ấy đã quyết định vượt qua vạch này”, Phó giáo sư Naran nói.

Theo ông Naran, việc Mỹ và Trung Quốc thất bại khi tìm kiếm một cách tiếp cận chung đã tạo cơ hội để ông Kim đẩy nhanh chương trình vũ khí hạt nhân, điều mà nhà lãnh đạo Triều Tiên nói là cần thiết để ngăn cản Mỹ xâm lược. Với mỗi hành động mới, ông Kim dường như cảm thấy tự tin hơn rằng Mỹ sẽ không dùng đến biện pháp quân sự có thể mở màn Thế chiến III. Tương tự, ông Kim cũng đánh cược rằng, Trung Quốc sẽ không chấm dứt bán dầu và lương thực cho họ vì không muốn chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ. Triều Tiên thực hiện vụ thử nghiệm lần này khi cả ông Trump và ông Tập đều đang phân tâm. Tổng thống Mỹ đang đi thăm các bang miền nam bị tàn phá trong bão Harvey, còn ông Tập đang đón tiếp các lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi.

Tổng thống Trump không phản ứng tức thì, dù ông vẫn đăng thông điệp trên Twitter để ủng hộ những nỗ lực cứu trợ thiên tai. Sau đó, ông đăng thông điệp gọi Triều Tiên là “nước lừa đảo” với những hành động khiến nước láng giềng và đồng minh Trung Quốc xấu hổ. Nhưng những bình luận của ông Trump và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đều tập trung vào các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn chứ không phải hành động quân sự. “Bên cạnh những lựa chọn khác, Mỹ đang xem xét dừng mọi hoạt động thương mại với bất kỳ nước nào làm ăn với Triều Tiên”, ông Trump viết trên Twitter.

Thời điểm khó

Ông Tập không đề cập Triều Tiên trong bài phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở thành phố Hạ Môn. Trong tuyên bố đưa ra hôm 3/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án vụ thử hạt nhân và kêu gọi Triều Tiên “quay lại con đường đối thoại”. Nga cũng đưa ra quan điểm tương tự, với việc Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkow nói rằng, tình hình chỉ có thể được giải quyết thông qua đối thoại.

Thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh BRICS “cho thấy Trung Quốc không thể buộc Triều Tiên từ bỏ tên lửa hạt nhân, và Triều Tiên ngày càng thù địch hơn với Trung Quốc”, ông Shi Yinhong, một cố vấn của chính phủ Trung Quốc và là giáo sư ngành quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, nhận định. “Bắc Kinh ngày càng ngờ vực về chiến lược sử dụng thêm các biện pháp trừng phạt”, ông Shi nói. Trong khi đó, ông Trump nhiều lần dọa trừng phạt Trung Quốc nếu nước này không gây sức ép nhiều hơn lên Triều Tiên. Mỹ gần đây mở cuộc điều tra hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các công ty Trung Quốc, trừng phạt một số công ty ở Trung Quốc bị Mỹ cáo buộc là thông đồng với Triều Tiên để vi phạm các biện pháp trừng phạt.

Nhà nghiên cứu William McKinney, công tác tại Viện Mỹ - Hàn Quốc thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Johns Hopkins, cho rằng, Mỹ phải tính đến cách làm khác đối với Triều Tiên vì những biện pháp hiện nay mang lại kết quả “rất dễ đoán”. Những lựa chọn khác có thể phải mang tính “thay đổi cuộc chơi” như bắn hạ một tên lửa hay phá hủy địa điểm phóng tên lửa. Rủi ro nếu Mỹ hành động quân sự là Triều Tiên sẽ đáp trả, khiến Đông Á bị tàn phá. “Có thể coi Triều Tiên đã hoàn thành chương trình hạt nhân của họ. Chúng ta có lẽ vừa chứng kiến vụ thử hạt nhân cuối cùng. Nếu Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân trong tương lai thì đó là hành động đe dọa chứ không phải để kiểm tra công nghệ của họ”, ông Park Jiyoung, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan tại Seoul, đánh giá.

Ông Andrei Lankov, một nhà lịch sử học tại ĐH Kookmin (Hàn Quốc), cho rằng, sẽ không có khác biệt mấy nếu Liên Hợp Quốc tiếp tục trừng phạt Triều Tiên và Mỹ không thể làm gì nhiều mà không chịu rủi ro gây chiến tranh ở châu Á. “Triều Tiên sẽ không từ bỏ tham vọng chế tạo thành công vũ khí hạt nhân có thể sử dụng. Tôi không có đủ ngón tay để đếm số lần Triều Tiên đã vượt qua những vạch đỏ không thể vượt”, ông Lankov nói.

Theo Theo Bloomberg, Yonhap, CNN
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.