Châu Âu thắt chặt an ninh dịp năm mới

Siết chặt an ninh dọc đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: EPA.
Siết chặt an ninh dọc đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: EPA.
TP - Đêm giao thừa Tết dương lịch, các biện pháp an ninh khắp thế giới, đặc biệt là tại các thủ đô ở châu Âu, được áp dụng triệt để. Cảnh sát Brussels vừa bắt 6 người liên quan âm mưu tấn công thủ đô của Bỉ vào thời khắc chuyển giao giữa năm 2015 và 2016.

Bắt giữ ở Bỉ, Thổ Nhĩ Kỳ

Cảnh sát Bỉ thực hiện các vụ vây bắt ở ngoại ô Brussels, trong đó có khu vực Molenbeek - nơi các tay súng thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở Paris ngày 13/11 dùng làm căn cứ. Ngoài 6 đối tượng vừa bị bắt, đầu tuần này, cảnh sát Bỉ tạm giữ hai người, Said S. (30 tuổi) và  Mohammed K. (27 tuổi), với cáo buộc đe dọa tiến hành một vụ tấn công khủng bố tại Brussels. Cảnh sát nói rằng, âm mưu tấn công dịp người dân Bỉ đón chào năm mới 2016 không liên quan mạng lưới khủng bố đứng đằng sau các vụ tấn công ở Paris tháng trước.

Hôm qua, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt hai đối tượng bị tình nghi là thành viên lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Hai người này bị cáo buộc âm mưu tấn công hai địa điểm đông người đón năm mới ở thủ đô Ankara. Sau các cuộc lục soát nơi ở của hai nghi phạm, cảnh sát tìm thấy áo khoác cài bom (dùng để đánh bom tự sát) và thuốc nổ.

Châu Âu thắt chặt an ninh dịp năm mới ảnh 1

Thủ đô Berlin của Đức quyết định cấm người dân mang ba lô ở những điểm đông người dịp năm mới. Ảnh: Getty Images.

Hủy bắn pháo hoa, cấm mang ba lô, đóng cửa quảng trường

Lo ngại âm mưu tấn công đêm giao thừa ở thủ đô của Bỉ, chính quyền Brussels đã hủy các hoạt động ăn mừng tập trung đông người, trong đó có chương trình bắn pháo hoa. Thủ tướng Bỉ Charles Michel nói rằng, các quyết định liên quan an ninh đêm giao thừa được đưa ra căn cứ vào thông tin tình báo mà nước này nhận được. Năm ngoái, khoảng 100.000 đổ ra đường phố Brussels để đón năm mới. “Trong hoàn cảnh như vậy, chúng tôi không thể kiểm tra tất cả mọi người được”, Thị trưởng Brussels Yvan Mayeur nói.

Sau vụ tấn công 13/11 ở Paris với một trong các thủ phạm là công dân Bỉ, Brussels từng bị đặt trong tình trạng báo động cao nhất (mức độ 4) với lệnh giới nghiêm được áp dụng trong 4 ngày, mạng lưới tàu điện ngầm tạm dừng hoạt động, trường học đóng cửa… Đến nay, Bỉ vẫn cảnh giáo cao, nhưng đã hạ mức độ cảnh báo nguy cơ khủng bố xuống mức 3. Các biện pháp an ninh nghiêm ngặt vẫn được áp dụng tại một số địa điểm, sự kiện dịp năm mới.

Trong khi đó, thủ đô Paris của Pháp hủy màn trình diễn pháo hoa đón năm mới, nhưng vẫn tổ chức gặp mặt truyền thống dọc đại lộ Champs-Elysees. Các màn trình diễn ánh sáng trên Khải hoàn môn sẽ ở độ cao thấp hơn bình thường. Bốn màn hình lớn sẽ được đặt gần đó để tránh tình trạng tập trung quá nhiều người.

An ninh cũng được tăng cường ở Istanbul – thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Báo chí nước này đưa tin, một số sĩ quan an ninh trong trang phục ông già Noel hoặc mặc thường phục thường xuyên tuần tra ở các địa điểm đông người.

Ở những thành phố mà chính quyền không nhận được tin tình báo cụ thể về âm mưu tấn công khủng bố, an ninh cũng được siết chặt. Giới chức thủ đô Mátxcơva của Nga thông báo sẽ đóng cửa hoàn toàn Quảng trường Đỏ - nơi đám đông dân chúng vẫn thường tập trung để đếm ngược tới thời khắc giao thừa.

Giới chức thủ đô Berlin của Đức quyết định cấm bắn pháo hoa và đeo ba lô, đồng thời lục soát túi xách ở khu vực trước cổng Brandenburg. Ước tính, khoảng 1 triệu người tham dự các hoạt động chào đón năm mới ở Berlin. Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Berlin, ông Frank Henkel, động viên người dân đón giao thừa trong tâm trạng hân hoan. “Cẩn trọng là tốt, nhưng không nên sợ hãi”, ông nói.

Trong khi đó, ở thủ đô London của Anh, riêng một chương trình bắn pháo hoa có bán vé đã thu hút hơn 100.000 người. London triển khai 3.000 cảnh sát ở nội đô, trong đó có nhiều sĩ quan được tăng cường vũ trang. “Kế hoạch của chúng tôi chỉ là phòng xa, không phải là kết quả của thông tin tình báo cụ thể nào”, người phát ngôn cảnh sát London nói.

Giới chức Úc thông báo, sẽ có thêm hàng nghìn cảnh sát tuần tra ở các thành phố lớn dịp năm mới. Tuy nhiên, họ cũng thúc giục người dân hân hoan đón năm mới, không nên vì quá lo sợ khủng bố mà ru rú ở nhà. “Đừng thay đổi cách sống của bạn”, Thị trưởng thành phố Melbourne, ông Robert Doyle, nói.

Diễn tập chống khủng bố ở châu Á

Đại sứ quán Mỹ tại Indonesia gửi thông báo khẩn tới công dân Mỹ, cảnh báo về nguy cơ khủng bố ở bãi biển du lịch trên hòn đảo Lombok của Indonesia dịp năm mới. Hôm qua, cảnh sát Indonesia tạm giữ 3 người bị tình nghi liên quan IS tại tỉnh Trung Sulawesi. Cảnh sát đã huy động lực lượng, triển khai hơn 150.000 nhân viên an ninh tới bảo vệ các điểm công cộng, trung tâm thương mại ở thủ đô Jakarta. Giới chức Indonesia kêu gọi người dân tích cực tham gia bảo đảm an ninh, khuyến khích họ báo cáo các dấu hiệu đáng ngờ. Đại sứ quán Mỹ ở Bangladesh cũng vừa cảnh báo công dân Mỹ rằng, “có thể xảy ra các cuộc tấn công” nhằm vào các khách sạn, câu lạc bộ ở thủ đô Dhaka dịp giao thừa. 

Những nước đầu tiên đón năm mới

Trong khi nhiều nước châu Âu hủy các chương trình pháo hoa đêm giao thừa, siết chặt an ninh, New Zealand và Samoa bắn pháo hoa tưng bừng, trở thành những vùng đất đầu tiên trên thế giới đón năm mới 2016. Năm 2011, sau khi chuyển từ múi giờ phía Tây sang múi giờ phía Đông, Samoa (nằm ở nam Thái Bình Dương) đã trở thành nơi đón bình minh sớm nhất thế giới. Tại thủ đô Auckland của New Zealand, đông đảo người dân và du khách ngắm nhìn màn pháo hoa kéo dài 5 phút trên đỉnh tháp Sky Tower. Họ gõ trống, thổi kèn, thổi còi… vang động cả một vùng. Tại Úc, thành phố Sydney cũng là nơi đón năm mới sớm với màn trình diễn pháo hoa lớn chưa từng có (100.000 ống bắn). Sau New Zealand, Samoa, Úc, đến lượt Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đón năm mới sớm hơn các nước khác.

MỚI - NÓNG