Học giả Nhật Bản: Tướng Giáp là vị tướng kiệt xuất

Học giả Nhật Bản: Tướng Giáp là vị tướng kiệt xuất
Những ngày qua, không chỉ người Việt Nam mà cả những người Nhật Bản yêu mến Việt Nam cũng thể hiện nỗi tiếc thương trước mất mát lớn của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103.

Học giả Nhật Bản: Tướng Giáp là vị tướng kiệt xuất

> Chuyện kể trong ngày 10/10

> Rước linh cữu Đại tướng qua số 30 Hoàng Diệu 

Những ngày qua, không chỉ người Việt Nam mà cả những người Nhật Bản yêu mến Việt Nam cũng thể hiện nỗi tiếc thương trước mất mát lớn của dân tộc Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời ở tuổi 103.

Học giả kiêm dịch giả Nhật Bản Hisao Suzuki đang chia sẻ những suy nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN)
Học giả kiêm dịch giả Nhật Bản Hisao Suzuki đang chia sẻ những suy nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh: Hữu Thắng/TTXVN).
 

Trong những ngày mà cả dân tộc Việt Nam và bạn bè khắp năm châu đang hướng về anh linh Đại tướng, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người con ưu tú của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn ông Hisao Suzuki, học giả kiêm dịch giả Nhật Bản, về những cảm xúc và suy nghĩ của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Suzuki được nhiều người trong giới ngoại giao hai nước và các độc giả Nhật Bản biết đến với những cuốn sách nổi tiếng được dịch sang tiếng Nhật như hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, tuyển tập “175 bài thơ về độc lập tự do của Việt Nam” cùng nhiều tuyển tập thơ khác.

Sau đây là toàn bộ nội dung những chia sẻ của ông Suzuki với phóng viên:

- Ngày 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh hùng của dân tộc Việt Nam, vừa qua đời và đất nước chúng tôi giờ đây đang trong những giờ phút đau buồn vì sự ra đi của vị tướng kiệt xuất, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Là một người luôn gắn bó và yêu mến Việt Nam, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình trong thời khắc này không ạ?

Ông Hisao Suzuki: Chỉ cần nhắc đến tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì bất cứ người Nhật nào quan tâm đến Việt Nam cũng đều tường tận. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp gần 100 năm của dân tộc Việt Nam, tên tuổi của Đại tướng gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ, một chiến thắng có ý nghĩa quyết định trước thực dân Pháp. Đó là điều mà tôi luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi khi nhớ đến Tướng Giáp.

Nét nổi bật trong lý luận quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đường lối chiến tranh du kích mà ở đó, người cầm quân phát huy trí tuệ để giành lợi thế trên chiến trường trước kẻ thù vượt trội về phương tiện chiến tranh. Sau Pháp, người Mỹ lại tiếp tục “nối gót,” nếm trải thất bại ở Việt Nam. Những người Nhật yêu mến Việt Nam như chúng tôi, ai cũng ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Hơn thế nữa, Tướng Giáp không chỉ là người anh hùng của Việt Nam, của châu Á mà còn nằm trong số ít những vị tướng kiệt xuất của thế giới. Năm 1954 cũng là năm tôi chào đời và tôi có cảm giác Đại tướng như một người cha đáng kính. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiếp thu và hiện thực hóa một cách xuất sắc tinh thần độc lập tự do và tư tưởng Hồ Chí Minh trên phương diện quân sự. Ông tỏ ra là người có tinh thần không chịu khuất phục trước bất kỳ khó khăn nào. Tôi cho rằng với những phẩm chất vượt trội như vậy thì trong thế kỷ 20 này, có lẽ không có một vị tướng nào sánh được với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

- Như lúc nãy ông cũng đề cập thì Tướng Giáp còn là vị anh hùng của châu Á và của thế giới. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này được không ạ?

Ông Hisao Suzuki: Trong hơn hai nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua 1.000 năm Bắc thuộc. Trong suốt 10 thế kỷ như vậy, tinh thần quả cảm, kiên cường và bất khuất đấu tranh cho độc lập và tự do của người Việt đã được tôi luyện và trở thành phẩm chất cố hữu. Tôi cho rằng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân đầy đủ nhất của một con người mang trong mình toàn bộ những đặc điểm nêu trên và là hình ảnh đại diện cho dân tộc, thậm chí là cho cả châu Á.

Một điều đáng ngưỡng mộ mà các thế hệ sau cần nghiên cứu và học hỏi là chiến lược hậu cần tuyệt vời trong chiến tranh. Tôi được biết những người dân bình thường, kể cả phụ nữ, cũng tham gia vào mạng lưới hậu cần vũ khí, đạn dược và thực phẩm cho các chiến sỹ ngoài tiền phương. Điều đó có thể là mấu chốt dẫn đến thắng lợi của các bạn, trong đó nổi bật lên vai trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Tôi cho rằng Việt Nam không giành chiến thắng một cách ngẫu nhiên mà chiến thắng ấy đã đến một cách tự nhiên. Nếu như không khéo nhận ra thì người ta sẽ rất dễ nhầm lẫn giữa hai việc này. Điện Biên Phủ là một minh chứng rõ ràng rằng quân đội và trang bị vũ khí dù có hùng hậu đến đâu cũng chưa hẳn đã đem về vinh quang.

- Như trong phát biểu trước, ông cũng đề cập tới việc Tướng Giáp đã tiếp thu và hiện thực hóa tinh thần độc lập-tự do của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những di sản mà Tướng Giáp để lại, như chiến thắng Điện Biên Phủ, là nguồn động viên to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa ở châu Á và trên thế giới. Ông có thể cho biết một vài đánh giá về vấn đề này được không ạ?

Ông Hisao Suzuki: Tôi từng được một người bạn cho xem bài báo viết về cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi nghĩ Tướng Giáp là người luôn hướng về tương lai và có niềm tin sắt đá. Ông thông hiểu lịch sử cả nghìn năm của Việt Nam và từ vốn hiểu biết đó, ông có thể tiên liệu được tương lai 50 năm, 100 năm hoặc thậm chí còn xa hơn nữa. Dù thực tại có khó khăn, gian khổ đến mấy song ông vẫn luôn tin tưởng rằng một khi đã có quyết tâm giành lấy độc lập tự do thì nhất định sẽ đạt được mục đích…

Tôi cảm nhận là trong tim của mỗi người dân Việt Nam đều có hình ảnh của Tướng Giáp. Họ yêu mến ông thực sự. Có lẽ vì vậy mà khi nghe tin ông qua đời, người dân cảm thấy đau buồn như là bậc sinh thành của họ vừa khuất núi. Ngay cả tôi, là một người yêu mến đất nước các bạn, cũng có chung một cảm giác như vậy. Thực sự buồn và xúc động…

Một điều mà tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là tuyển tập “175 bài thơ về độc lập-tự do” của tôi do thời hạn hoàn thành quá gấp rút nên chưa kịp đưa vào đó những trước tác của Đại tướng. Tuy nhiên, tôi đang nung nấu một ý tưởng là trong tương lai nếu có điều kiện tiếp cận các tác phẩm của Đại tướng, nhất định tôi sẽ tuyển chọn và dịch sang tiếng Nhật để phổ biến tới các bạn đọc Nhật Bản muốn tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của ông.

- Ông nghĩ sao về học thuyết chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích được cho là di sản lớn nhất mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại?

Ông Hisao Suzuki: Tôi xin được kể vắn tắt một ấn tượng của tôi khi đến Việt Nam. Tôi đã có dịp đi qua cầu Long Biên và nghe câu chuyện về cây cầu này. Cầu Long Biên từng bị Mỹ ném bom trong chiến tranh và người dân đã nhanh chóng xây dựng lại những nhịp cầu bị bom Mỹ phá hoại. Tôi kể dài dòng vậy là vì quan điểm về chiến tranh nhân dân và chiến tranh du kích của Việt Nam được thể hiện rất rõ nét trong câu chuyện có vẻ như lạc đề đó của tôi. Đó là dù có bị phá hoại đến mức nào song với ý chí của con người, tất cả sẽ được khôi phục lại rất nhanh chóng.

Nói một cách khái quát rằng dù vũ khí của đối phương có vượt trội đến đâu như máy bay ném bom với sức mạnh hủy diệt khủng khiếp của nó thì tinh thần của con người vẫn không hề suy chuyển. Tôi nghĩ rằng không chỉ có Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà mỗi người dân Việt Nam đều luôn thường trực một tinh thần độc lập tự chủ. Bên trong các bạn đều chứa đựng một mẫu số chung. Hay nói cách khác là trong mỗi người dân Việt Nam đều có tinh thần của một “vị tướng quân.” Đó là tinh thần quyết chiến-quyết thắng…

Dẫu cho mọi người không còn được thấy Đại tướng trên đời nhưng tinh thần của ông vẫn còn sống mãi trong lòng mỗi người dân. Tinh thần bất diệt ấy còn lan tỏa đến cả các quốc gia khác ở châu Á. Ngay cả những quân nhân Mỹ cũng không giấu nổi sự thán phục trước nhân cách và tài năng của Đại tướng. Theo tôi, Tướng Giáp là vị tướng quân vĩ đại nhất trong thế kỷ 20. Dân tộc Việt Nam quả thật rất đáng tự hào vì đã sinh ra một người con ưu tú đến vậy.

- Xin cảm ơn ông./.

Theo Hữu Thắng
Vietnam+

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG