Mỹ, Nga, Syria vạch lộ trình tiêu hủy vũ khí hóa học

Mỹ, Nga, Syria vạch lộ trình tiêu hủy vũ khí hóa học
TP - Hôm qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuyên bố nước này sẽ nộp đơn tham gia công ước quốc tế cấm sản xuất, sử dụng vũ khí hóa học “trong vài ngày tới” và trình dữ liệu vũ khí một tháng sau khi ký văn kiện.

> LHQ họp bàn vấn đề Syria, Nga tiếp tục cảnh báo Mỹ
> Mỹ ủng hộ giải pháp ngoại giao với Syria

Cùng ngày, Liên Hợp Quốc thông báo đã nhận được thư bày tỏ nguyện vọng gia nhập Công ước Vũ khí hóa học của Syria, AP đưa tin.

Các binh sĩ Quân đội Syria Tự do hôm 28/8 hộ tống đoàn xe chở các thanh sát viên LHQ điều tra cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở Damascus. Ảnh: Bassam Khabieh
Các binh sĩ Quân đội Syria Tự do hôm 28/8 hộ tống đoàn xe chở các thanh sát viên LHQ điều tra cáo buộc tấn công vũ khí hóa học ở Damascus. Ảnh: Bassam Khabieh.

Ngoại trưởng Mỹ hôm qua đến Thụy Sĩ để bàn với người đồng cấp Nga về kế hoạch xử lý kho vũ khí hóa học của Syria. Nga đã gửi Mỹ kế hoạch giải trừ quân bị của Damascus, nhưng không nhắc đến việc tiêu hủy.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và nhóm chuyên gia Mỹ có ít nhất 2 ngày họp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào hôm qua và hôm nay, với hy vọng vạch ra lộ trình nhằm đảm bảo 1.000 tấn vũ khí hóa học, vật liệu sản xuất vũ khí hóa học cùng các hệ thống phát tán khí độc được lưu kho và cô lập an toàn dưới quyền kiểm soát quốc tế trong vùng chiến sự để sau đó phá hủy.

Đội chuyên gia của Mỹ gồm những người từng giám sát, xử lý các vũ khí không thông thường ở Libya sau năm 2003 và Iraq sau chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất.

Nghị viện châu Âu ngày 12/9 thông qua nghị quyết nói rằng, cộng đồng quốc tế không thể không phản ứng trước cáo buộc vũ khí hóa học đã được sử dụng ở Syria; dùng loại vũ khí này để chống lại dân thường là “vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, một tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người”.

Ngoại trưởng Nga đã gửi tới Mỹ bản kế hoạch xử lý vũ khí hóa học của Syria gồm 3 giai đoạn. Đầu tiên, Syria sẽ tham gia Công ước Vũ khí hóa học, trong đó cấm việc sản xuất và sử dụng vũ khí hóa học.

Tiếp theo, Syria phải tiết lộ nơi cất giữ vũ khí hóa học và chi tiết chương trình vũ khí hóa học của mình. Cuối cùng, các chuyên gia sẽ quyết định áp dụng biện pháp xử lý cụ thể. Ông Lavrov không đề cập việc phá hủy vũ khí- điều được cho là điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán giữa Mátxcơva và Damascus.

Các quan chức đi cùng Ngoại trưởng Mỹ nói họ muốn nhanh chóng có một thỏa thuận với Nga về các nguyên tắc thực hiện quá trình xử lý vũ khí hóa học của Syria, trong đó có yêu cầu Syria đưa ra tuyên bố công khai, nhanh chóng và đầy đủ về kho vũ khí của mình.

Tổng thống Syria Bashar al-Assad vừa xuất hiện trên truyền hình Nga, xác nhận Syria sẽ từ bỏ quyền kiểm soát số vũ khí hóa học mà nước này đang sở hữu. Ông Assad nói rằng, lý do từ bỏ là vì sáng kiến của Nga, không phải bởi Mỹ đe dọa tấn công quân sự.

Các quan chức Mỹ và lực lượng đối lập Syria vẫn hoài nghi về sự sẵn lòng từ bỏ kho vũ khí của Tổng thống Assad. Nếu các phiên đối thoại lần này thành công, Mỹ hy vọng quy trình giải trừ quân bị sẽ được đảm bảo bằng một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Tổng thống Nga trực tiếp kêu gọi dân Mỹ

Trong bài viết vừa gửi đăng trên New York Times nhắm tới độc giả Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, việc Mỹ can thiệp vào những cuộc xung đột nội bộ ở nước ngoài “đã trở thành thường lệ”.

“Đó có phải lợi ích lâu dài của Mỹ? Tôi nghi ngờ điều đó. Hàng triệu người khắp thế giới ngày càng thấy rằng, Mỹ không phải là mô hình của dân chủ mà là dựa vào bạo lực, lôi kéo liên minh dưới khẩu hiệu “Anh đứng về phe chúng tôi hoặc là kẻ thù của chúng tôi”, ông Putin viết.

“Nguy cơ tấn công tiềm tàng của Mỹ chống lại Syria, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều nước, nhiều nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo, gồm cả Giáo hoàng, sẽ khiến thêm nhiều người trở thành nạn nhân vô tội, gia tăng chiến tranh và có nguy cơ khiến cuộc xung đột lan ra khỏi biên giới Syria... Một đợt tấn công quân sự sẽ làm tăng bạo lực và tạo ra một làn sóng khủng bố mới”.

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 11/9 thừa nhận tổ chức này đã thất bại trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.

Ủy ban Điều tra vi phạm nhân quyền ở Syria của LHQ hôm 11/9 công bố báo cáo nhận định cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông đã bước sang một giai đoạn mới nguy hiểm và sẽ gây ra nhiều hậu quả khôn lường nếu không sớm được chấm dứt.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 12/9 cho biết, báo cáo điều tra của các thanh sát viên LHQ về cáo buộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học ở Syria nhiều khả năng sẽ được công bố vào ngày 16/9.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị hôm 12/9 khẳng định: “Việt Nam hoan nghênh sáng kiến ngày 9/9/2013 của Liên bang Nga và nỗ lực của các bên liên quan, coi đây là một tiến triển tích cực giúp giảm bớt tình hình căng thẳng hiện nay tại Syria. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ủng hộ và tích cực triển khai các sáng kiến nhằm giải quyết các vấn đề liên quan đến Syria bằng biện pháp hòa bình, sớm mang lại hòa bình và ổn định cho nhân dân Syria”.

TRÚC QUỲNH
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.