Tấn công Syria, Mỹ đối mặt rủi ro

Tấn công Syria, Mỹ đối mặt rủi ro
TP - Dự kiến, hôm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Ngoại trưởng John Kerry điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ, nhằm giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với việc can thiệp quân sự vào Syria.

> Mỹ quyết tấn công, Syria không dễ đánh
> Vì sao Mỹ trì hoãn tấn công Syria?

Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố không tìm cách “thay đổi chế độ” ở Syria, và hành động quân sự chống lại đất nước này, nếu được quốc hội cho phép, sẽ chỉ ở mức độ hạn chế. Tuyên bố này có thể làm an lòng những ai lo sợ điều xảy ra ở Iraq sẽ tái diễn, nhưng việc Mỹ tấn công Syria, dù ở quy mô hạn chế, khiến không ít người lo ngại, vì nhiều lẽ.

Tàu sân bay USS Nimitz . Ảnh: Reuters
Tàu sân bay USS Nimitz . Ảnh: Reuters.
 

Mục đích của đợt tấn công hạn chế có thể là nhằm chuyển tải thông điệp tới Tổng thống Syria Bashar al-Assad rằng, chớ nên dùng vũ khí hóa học. Nhưng hành động tấn công của Mỹ có nguy cơ sẽ làm tăng việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria.

Những lợi ích xung khắc nhau khiến Syria bị chia năm xẻ bảy, các đảng phái, lực lượng đang ra sức tranh giành ảnh hưởng, quyền lực. Bằng cách can thiệp một cách hạn chế để trừng phạt ông Assad vì đã sử dụng vũ khí hóa học (như Mỹ cáo buộc), Washington đang tạo ra một tiền lệ mà trong tương lai có thể bị lợi dụng bởi những phe phái cực đoan tìm cách lôi kéo nước ngoài can thiệp nhiều hơn.

Tuyên bố của Nhà Trắng rằng, Mỹ sẽ tấn công nếu vũ khí hóa học bị sử dụng có thể khiến những kẻ trục lợi từ sự can thiệp ấy tái sử dụng vũ khí hóa học. Khẳng định cương quyết rằng chính quyền Assad đã dùng vũ khí hóa học, bất chấp các thanh sát viên Liên Hợp Quốc chưa kết luận, Mỹ cho rằng chỉ có chính phủ mới đủ khả năng thực hiện những vụ tấn công bằng vũ khí hóa học trên quy mô lớn như vậy.

Cách suy luận này sẽ tạo ra nguy cơ chết người. Nếu việc sử dụng vũ khí hóa học một cách hạn chế có thể lôi kéo Mỹ can thiệp theo cách mà 100.000 cái chết bằng vũ khí thông thường không thể làm, điều này có thể bị kẻ thù của chính quyền Assad, đặc biệt là các tay súng nước ngoài có liên hệ với al-Qaeda, nhìn nhận như một cơ hội.

Nỗ lực “giải phóng” Syria có thể phụ thuộc vào thành công trong việc sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, khi các tay súng nhận ra rằng, họ không phải là tác nhân giết người duy nhất dẫn đến phản ứng của Mỹ. Ở vùng đất bị chiến tranh tàn phá, lòng trung thành có thể thay đổi liên tục và việc sở hữu chất độc thần kinh gây chết người không phải điều quá khó.

Mỹ sẽ làm gì nếu vũ khí hóa học vẫn tiếp tục bị sử dụng ở Syria? Hơn 1.000 cái chết đang thúc giục Mỹ can thiệp, dù thiếu bằng chứng rõ ràng nói lên mối liên quan với chính quyền Assad.

Liệu Mỹ có thể tự gạt bỏ tiền lệ do chính mình đặt ra nếu hàng loạt dân Syria bị giết hại trong một trận thảm sát mới, sau khi chiến dịch can thiệp hạn chế đầu tiên của Mỹ vào Syria đã kết thúc? Liệu Mỹ có can thiệp quân sự sâu hơn vào Syria khi nước này đã trở thành điểm đến của các tay súng nước ngoài đến từ hơn 60 quốc gia - những tay súng đi theo con đường thánh chiến có tham vọng đánh bại ông Assad, lập nên một nhà nước thần quyền.

Để tạo ra sự thay đổi ở Syria và ngăn nước này rơi vào tay những phần tử cực đoan có cùng hệ tư tưởng với những kẻ đã lái máy bay đâm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001, Mỹ có thể sẽ phải tự dấn mình vào Syria trong dài hạn, để đánh bại các tay súng Hồi giáo cực đoan, để hạ bệ ông Assad và các đồng minh trong lực lượng Hezbollah, để bảo vệ Israel và gìn giữ nền hòa bình mong manh ở Li-băng. Sau Afghanistan và Iraq, liệu Mỹ có còn sẵn lòng làm điều đó?

Trong lúc Mỹ đang tranh cãi việc có nên can thiệp vào Syria, cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc hôm qua cho biết Syria đã trở thành nước có số người phải rời bỏ nhà cửa đi nơi khác nhiều nhất thế giới, với hơn 2 triệu người tị nạn, chủ yếu là sang Li-băng. Khoảng một nửa trong số đó là trẻ em, với 3/4 là dưới 11 tuổi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG