> Trung Quốc ngang nhiên mở du lịch Hoàng Sa trái phép
> Phản đối Trung Quốc tổ chức tuyến du lịch Hoàng Sa
> Phản đối tàu hải giám Trung Quốc đóng ở Hoàng Sa
> Báo Trung Quốc cổ súy du lịch trái phép Biển Đông
Một tàu du lịch của Trung Quốc. Ảnh: China News |
Du lịch trái phép
Nguồn tin cho biết, tour du lịch trái phép này của Trung Quốc nằm trong kế hoạch cho phép khách du lịch tới thăm quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trên Biển Đông. Động thái này có khả năng làm gia tăng căng thẳng về tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng.
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), tour du lịch trái phép đầu tiên này sẽ kéo dài bốn ngày trong đó có 100 khách du lịch với giá khoảng từ 7.000 nhân dân tệ (tức 1.135 USD) đến 9.000 nhân dân tệ (tức 1.359 USD) cho một tour. Theo kế hoạch, mỗi tour du lịch trái phép này sẽ được thực hiện hàng tháng hoặc hai chuyến mỗi tháng nếu chuyến du lịch đầu tiên thành công.
Theo tờ Bưu điện Buổi sáng Thượng Hải, những hành khách tham gia tour du lịch trái phép ra quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) ở Biển Đông phải có sức khỏe tốt và cân nặng bình thường.
Ngoài ra, trong kế hoạch phát triển du lịch trái phép của Biển Đông, Trung Quốc hồi năm ngoái còn lên kế hoạch tăng cường hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng ở một thành phố mới, cái gọi là "thành phố Tam Sa" cùng với việc thành một đơn vị đồn trú cho quân đội ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Trong một bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu liên quan đến quyết định cho phép khách du lịch tham quan quần đảo Tây Sa, tức đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam dẫn lời ông Ju Hailong, nhà nghiên cứu thuộc Viên nghiên cứu Đông Nam Á lại cho rằng “du lịch Tây Sa thuộc Trung Quốc không liên quan gì đến các nước láng giềng”.
Thời báo Hoàn cầu còn lớn tiếng rằng “những ai muốn bóp méo hành động của Trung Quốc nhằm gây rối đều không tôn trọng luật pháp quốc tế và an ninh khu vực”. Có thể coi đây là hành động “vừa cướp nước, vừa la làng” của chính quyền Trung Quốc hòng chiếm lấy chủ quyền quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Quan chức này còn khẳng định, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa du lịch tới quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).
Phản đối hành động ngang ngược
Hiện nay, Trung Quốc đang gây tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông với nhiều nước trong khu vực trong đó có Việt Nam, Philippines, Brunei, Malaysia và Đài Loan.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục có những bước đi hung hăng với tham vọng chiếm hầu hết lãnh hải ở Biển Đông, dựa trên bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) mà Bắc Kinh tự tạo ra.
Tháng 7/2012, Trung Quốc đã ngang nhiên thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với phạm vi quản lý 200 đảo lớn nhỏ, bãi cát, bãi đã ngầm ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thậm chí, Trung Quốc còn thành lập một đồn lính tên quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam. Việt Nam đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động trắng trợn này của Trung Quốc.
Mới đây nhất, hôm 20/3, Trung Quốc đã ngang ngược truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin của tàu cá QNg 96382 khi đang khai thác trên biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã lên tiếng cho rằng vụ việc này là hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản cho ngư dân Việt Nam.
Ông Lương Thanh Nghị cũng nhấn mạnh rằng hành động ngang ngược của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Nguyễn Thủy
Tổng hợp (Philstar, Global Times)