Triều Tiên: 60 năm vật vã tìm đường thống nhất

Triều Tiên: 60 năm vật vã tìm đường thống nhất
TP - Hơn 100.000 binh sĩ Triều Tiên bất ngờ vượt vĩ tuyến 38 tràn sang miền nam tấn công dữ dội vào sáng sớm 25/6/1950. Cuộc chiến được cho là bị lãng quên vẫn còn nóng đến tận bây giờ.

> Ảnh độc về Triều Tiên cách đây 100 năm
> Triều Tiên: Từ hoàng kim đến...khổ nạn

Pháo binh Triều Tiên tác chiến
Pháo binh Triều Tiên tác chiến.

Sau hơn 6 thập kỷ, Triều Tiên đến nay vẫn chưa tìm ra con đường thống nhất đất nước.

Triều Tiên suýt giành chiến thắng

Muốn thống nhất đất nước, Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành đã điều hơn 135.000 binh lính bất ngờ vượt qua vĩ tuyến 38 vào rạng sáng ngày 25/6/1950.

Một nửa binh sĩ Hàn Quốc đang nghỉ cuối tuần, nên miền nam hoàn toàn bị động khi quân Triều Tiên ồ ạt tấn công. Rơi vào thế bất ngờ với lực lượng mỏng và trang thiết bị sơ sài, quân Hàn Quốc nhanh chóng thất thế trước quân miền Bắc được trang bị xe tăng, đại bác và súng ống hiện đại của Liên Xô. Vì thế, quân Triều Tiên chỉ mất 4 ngày đã chiếm được Seoul.

Mỹ vội vàng huy động binh lính của mình từ các căn cứ tại Nhật Bản để giúp đỡ Hàn Quốc, nhưng cũng không đánh lại được quân Triều Tiên, đến mức bị dạt về một khu vực nhỏ hẹp ở thành phố cảng Busan, phía đông nam bán đảo, và kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc giúp đỡ.

Mỹ và các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhanh chóng thông qua nghị quyết cử lực lượng đến can thiệp vào Triều Tiên khi không có lá phiếu của Liên Xô - khi đó vắng mặt để phản đối đại diện tại LHQ của chính quyền Quốc Dân Đảng thành lập tại Đài Loan.

Dưới sự chỉ huy của tướng Douglas MacArthur, lính Mỹ chiếm tới hơn 50% trong số 341.000 binh sĩ quốc tế đến trợ giúp cho Hàn Quốc chống lại quân Triều Tiên. Quân đội của 15 nước khác, gồm Úc, Bỉ, Canada, Colombia, Pháp, Anh, Hà Lan, Thái Lan, Philippines…cũng đưa lính đến trợ giúp. Chính phủ Triều Tiên phản đối hành động này vì cho rằng đây là cuộc nội chiến, nên không nằm trong tầm giải quyết của LHQ.

Trong thời gian chờ quân LHQ đến trợ giúp, binh sĩ Hàn Quốc và Mỹ cầm cự được khoảng 6 tuần, hứng chịu tổn thất to lớn về người và suýt thất bại hoàn toàn khi chỉ còn giữ được khoảng 10% bán đảo Triều Tiên.

Trong hoàn cảnh đó, tướng MacArthur chỉ huy quân đội LHQ quyết định mở chiến trường thứ hai nhằm ép ông Kim Nhật Thành phải phân chia nguồn lực và đồng thời tấn công vào điểm yếu của quân Triều Tiên quanh thành phố Pusan. Ông MacArthur chọn Incheon, một thành phố nhỏ ở bờ biển tây Hàn Quốc. Kế hoạch này được cho là mạo hiểm vì binh sĩ sẽ phải vượt qua những đợt thủy triều khó lường ở ngoài khơi và đập ngăn nước cao 4m, sau đó phải đối mặt pháo đài kiên cố ở Incheon, nơi đã bị quân Triều Tiên chiếm đóng.

Cuộc tấn công được lên kế hoạch ngày 15/9, khi thủy triều lên đủ cao để đưa bè vượt qua các bãi bùn trên bến cảng. Dù đã được báo trước, quân đội của ông Kim Nhật Thành đã không tăng cường lực lượng tại Incheon nên nhanh chóng thất thế trước quân đồng minh. Ngày 25/9, lực lượng đồng minh giành lại Seoul.

Quân Triều Tiên bị đánh lui về qua vĩ tuyến 38, đến tận sông Yalu ngăn cách lãnh thổ Trung Quốc và Triều Tiên, bất chấp nguy cơ có thể khiến Trung Quốc can thiệp khi thềm nhà bị quân đối lập áp sát.

Trung Quốc lo thềm nhà bất an

Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông lo sợ quân đồng minh có thể vượt qua sông Yalu vào Mãn Châu để lật đổ chế độ, nên quyết định đưa hàng trăm nghìn chí nguyện quân đánh lùi liên quân vốn đã kiệt sức. Dù không đưa quân tới cuộc xung đột, Liên Xô cung cấp đồ tiếp tế cho cả quân Triều Tiên và Trung Quốc. Tình thế bị đảo ngược, tướng MacArthur đành ra lệnh rút quân trong điều kiện thời tiết lạnh dưới 0 độ, đưa binh sĩ về sau vĩ tuyến 38 trước thời điểm cuối năm.

Người Triều Tiên đổ ra đường trong cảnh tượng tan hoang vì chiến tranh (ảnh chụp tháng 9/1950)
Người Triều Tiên đổ ra đường trong cảnh tượng tan hoang vì chiến tranh (ảnh chụp tháng 9/1950).

Từ khi liên quân bị đẩy lùi trở lại vĩ tuyến 38, tình hình dần ổn định cho tới khi hiệp định ngừng bắn được ký kết ngày 27/7/1953, sau một thời gian bế tắc vì bất đồng trong vấn đề trao đổi tù nhân hay xác định ranh giới tạm thời. Cuối cùng, hiệp định được ký kết khẳng định biên giới giữa hai miền là vĩ tuyến 38 và thiết lập khu vực phi quân sự rộng 2,5 dặm dọc vĩ tuyến này.

Cho đến bây giờ cũng không có một hiệp định hòa bình nào được ký kết để thay thế hiệp định ngừng bắn. Vì thế, về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Trung Quốc ước tính 1,09 triệu quân địch, bao gồm 390.000 quân của Mỹ, 660.000 quân Hàn Quốc và 29.000 quân các nước khác, bị tiêu diệt trong cuộc xung đột. Khoảng 148.000 quân chí nguyện Trung Quốc tử trận, còn Triều Tiên có khoảng 290.000 quân thương vong và 90.000 người bị bắt.

Người Triều Tiên thù Mỹ từ trước

Trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, người Triều Tiên đã căm ghét Mỹ vì cho rằng chính Mỹ đã cản trở quá trình giành độc lập, tự chủ và thống nhất trên bán đảo Triều Tiên. Hồi thế kỷ 19, Triều Tiên đã có xung đột nhỏ với tàu của Mỹ khi Mỹ đòi Triều Tiên mở cửa đất nước.

Lính dù của Mỹ đổ bộ gần thị trấn Sukchon và Sunchon của Triều Tiên hôm 20/10/1950. Nguồn: AP
Lính dù của Mỹ đổ bộ gần thị trấn Sukchon và Sunchon của Triều Tiên hôm 20/10/1950. Nguồn: AP.

Sau hai cuộc chiến tranh Trung - Nhật và Nga - Nhật cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, Nhật Bản chiếm đóng hoàn toàn bán đảo Triều Tiên với sự ủng hộ của Mỹ. Nhật Bản thống trị Triều Tiên từ năm 1910 đến khi Thế chiến 2 kết thúc.

 Xung đột giữa hai cực thế giới trong Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân quan trọng khiến Chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Khi cùng giải phóng Triều Tiên khỏi ách thống trị của Nhật Bản, Mỹ và Liên Xô thỏa thuận tạm thời chia Triều Tiên thành hai miền tại vĩ tuyến 38. Tuy nhiên, quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô xấu đi khiến Triều Tiên không được thống nhất như kế hoạch. Trong thời gian này, Triều Tiên thuộc phe Liên Xô nên nhận được nhiều trợ giúp cũng như ảnh hưởng về hệ tư tưởng của Liên Xô.

Sau khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt làm hai miền, ông Kim Nhật Thành, ông nội của nhà lãnh đạo Kim Jong-un ngày nay, trở thành nhà lãnh đạo miền Bắc.

Ngày 9/9/1948, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành tuyên bố thành lập nước CHDCND Triều Tiên và nhanh chóng được Liên Xô thừa nhận về mặt ngoại giao, nhưng Mỹ không công nhận cho đến tận ngày nay. Tại miền Nam, ông Rhee Syng-man, nhân vật được đào tạo ở Mỹ, trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử năm 1948.

Chính quyền miền bắc và miền nam đều muốn thống nhất đất nước về một mối, chịu sự lãnh đạo của chính phủ mình. Trong thời gian này, Triều Tiên nhận viện trợ của Liên Xô, còn Hàn Quốc thân Mỹ. Vì thế, khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào tháng 10/1949, Tổng thống Mỹ Harry Truman lo sợ các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ tiếp nhận hệ tư tưởng giống Trung Quốc và Liên Xô. Xung đột giữa hai cực thế giới trong Chiến tranh Lạnh là nguyên nhân quan trọng khiến Chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Liên Triều vài lần thân thiết

Triều Tiên nhiều lần gọi chính phủ Hàn Quốc là “bù nhìn”, “con rối” của “đế quốc Mỹ”, và đe dọa rằng sẽ biến Seoul “thành tro bụi”, nhưng mặt khác vẫn nhận viện trợ của Seoul, bao gồm thuốc men, chăn màn, mì gói, quần áo. Nhưng kể từ sau vụ pháo kích ở đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc cắt viện trợ các mặt hàng đó vì cho rằng Triều Tiên dùng để cung cấp cho quân đội thay vì cứu đói dân thường.

Trong thời gian thân thiện, hai bên bắt đầu cho phép các gia đình người dân ở hai miền đoàn tụ vào năm 2000; hai nhà lãnh đạo bắt tay nhau trong hội nghị thượng đỉnh Bình Nhưỡng 2007 và lập đường tàu chở hàng qua biên giới. Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 vì nỗ lực cho “hòa bình và hòa giải” với Triều Tiên.

Seoul và Bình Nhưỡng không ít lần xảy ra xung đột, như vụ đánh bom năm 1983 khiến một số thành viên nội các Hàn Quốc thiệt mạng trong chuyến thăm Myanmar năm 1983 hay vụ đánh bom năm 1987 làm nổ tung chiếc máy bay 858 của hãng hàng không Hàn Quốc, khiến mọi người trên máy bay thiệt mạng. Dù nữ điệp viên Triều Tiên được giao nhiệm vụ đánh bom chiếc máy bay này đã nhận tội tại toà án ở Hàn Quốc, nhưng Bình Nhưỡng chưa bao giờ thừa nhận.

Vụ Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong khiến 2 lính hải quân và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng, hay hàng loạt đợt tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc khiến quan hệ hai miền xấu đi. Đặc biệt là vụ thử hạt nhân đầu năm 2013 của Bình Nhưỡng khiến căng thẳng trên bán đảo không ngừng leo thang.

Bình Giang Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
Báo Hàn Quốc ví Xuân Son là 'quái vật' của đội tuyển Việt Nam
TPO - Chứng kiến màn trình diễn của Xuân Son trong trận ra mắt đội tuyển Việt Nam, tờ Chosun của Hàn Quốc đã phải dùng những câu từ mạnh nhất để miêu tả về anh. Họ nhấn mạnh rằng “chưa bao giờ được chứng kiến một cầu thủ nào của Việt Nam đạt đến trình độ như chân sút gốc Brazil này”, thậm chí ví anh là “quái vật của bóng đá Việt Nam”.
Nghiêm trị thói côn đồ trên đường phố
Nghiêm trị thói côn đồ trên đường phố
TP - Liên tiếp nhiều vụ ẩu đả, hành hung người khác sau va chạm giao thông khiến dư luận bức xúc. Cơ quan công an đã vào cuộc khởi tố điều tra một số vụ án, bắt tạm giam đối tượng vi phạm. Điều này nhận được sự đồng tình ủng hộ của dư luận khi cho rằng thói côn đồ trên đường phố phải được nghiêm trị để tạo môi trường văn minh khi tham gia giao thông.