Triều Tiên - một lỗi nhỏ có thể đỏ lửa chiến tranh

Ông Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân sự
Ông Kim Jong Un thị sát một đơn vị quân sự
TPO-Với hàng loạt những lời đe dọa gần đây, Triều Tiên đang khiến cho tình hình ngày càng trở nên căng thẳng. Cùng theo dõi những chia sẻ của các chuyên gia về nguy cơ chiến tranh Triều Tiên.

Về phía CHDCND Triều Tiên, nước này đe dọa “tấn công hạt nhân phủ đầu” lên Mỹ và Hàn Quốc, cắt đường dây nóng, đóng cửa cụm công nghiệp liên doanh với Hàn Quốc là Kaesong, duyệt kế hoạch tấn công hạt nhân và gần đây nhất là cảnh báo không đảm bảo an toàn cho các đại sứ quán nước ngoài ở Bình Nhưỡng kể từ 10/4.

Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc đang diễn ra các cuộc tập trận chung mà theo Triều Tiên là nhằm tấn công nước này. Mới đây, Mỹ điều máy bay ném bom B-52, B-2, chiến đấu cơ tàng hình F-22 và tàu chiến tới Hàn Quốc tham gia tập trận chung và cũng nhằm khoa trương sức mạnh trước Triều Tiên. Động thái gần đây nhất, lo sợ trước đe dọa chiến tranh của Triều Tiên, Mỹ cũng đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tới đảo Guam trên Thái Bình Dương.

Với những đe dọa nghiêm trọng từng ngày, ít người biết được liệu Triều Tiên đang suy tính điều gì và khả năng cuộc xung đột quân sự có thể diễn ra là bao nhiêu.

Để giải đáp phần nào những khúc mắc, sau đây là ý kiến của ba chuyên gia về Triều Tiên:

Về động thái đóng cửa cụm công nghiệp Kaesong:

Tiến sỹ Andrei Lankov, cựu sinh viên trường đại học Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng và là giáo sư trường Đại học Koookmin, Hàn Quốc cho rằng mặc dù có nhiều đe dọa nhưng thực tế là vẫn chưa có điều gì xảy ra cả. Họ hi vọng rằng với những đe dọa như vậy, họ có thể tăng cường hình ảnh của mình đối với những nước muốn chơi với Triều Tiên.

Bên cạnh đó, theo tiến sỹ Lankov, họ quan tâm đến “khán giả” trong nước hơn. Trái với nhiều ý kiến khác, ông ngờ rằng nội bộ đất nước cũng có nhiều trục trặc. Do vậy thách thức với một cường quốc như Mỹ cũng là cách để nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un nâng cao vị thế của bản thân.

Còn theo tiến sỹ Leonid Petrov, một nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Quốc gia Úc ở Melbourne, thông điệp mà Triều Tiên muốn gửi tới Hàn Quốc đó là: “Đừng liên kết các dự án kinh tế với việc giải trừ hạt nhân. Chương trình hạt nhân và tên lửa của chúng tôi không thể thương lượng được”.

Các thông điệp được đưa ra trong nước Triều Tiên cũng có nội dung tương tự: “Hợp tác kinh tế với kẻ thù sẽ không thể đổi mới hoặc phát triển được”.

Tiến sỹ Michael Madden, một chuyên gia nghiên cứu lãnh đạo Triều Tiên và là tác giả của blog Quang sát Lãnh đạo Triều Tiên, lại cho rằng hành động này tạo áp lực chính trị lên chính quyền Hàn Quốc từ những chủ doanh nghiệp và lao động Hàn Quốc.

Về nguy cơ chiến tranh từ những hành động khiêu khích của Triều Tiên hoặc những căng thẳng sắp tới:

Ông Lankov nói: “Tôi không nghĩ rằng một mối nguy cơ lớn sẽ xảy ra vì những hành động khiêu khích, tuy nhiên, rủi ro là điều có thể xảy ra. Điều làm tôi lo lắng là chỉ một tai nạn nhỏ không chủ ý có thể dẫn tới leo thang căng thẳng”. Ông lấy ví dụ chỉ một ai đó đi qua khu phi quân sự Triều Tiên cũng có thể làm bùng nổ xung đột.

Theo ông Petrov, nguy cơ sẽ không xuất phát từ phía Triều Tiên bởi nước này đã có được bài học từ lỗi lầm họ gây ra từ năm 1950, khi Bình Nhưỡng bắt đầu cuộc chiến tranh Triều Tiên và gần như bị thua cuộc. Ông cũng cho rằng những động thái khiêu khích và phô trương sức mạnh cũng sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới, cho đến khi ai đó “nhấn nhầm nút” khởi động chiến tranh.

Bàn về những khiêu khích gần đây, tiến sỹ Madden cho rằng Mỹ đã có một “tính toán sai lầm” khi “diễu” máy bay B-2 và B-52 tới Hàn Quốc để tham gia tập trận chung. Ông cho rằng chắc chắn Triều Tiên biết một số chi tiết về kế hoạch tập trận Foal Eagle, song một khi Mỹ đã khoa trương, ông Kim Jong Un và các lãnh đạo chủ chốt chắc chắn phải phản ứng lại như vậy. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi bất cứ quốc gia nào trong hoàn cảnh này cũng sẽ hành động như vậy.

Trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng bất cứ cuộc tấn công nào do Triều Tiên khởi xướng đều là “tự sát” thì ông Madden cho rằng Triều Tiên khôn ngoan hơn nhiều người nghĩ, và lãnh đạo Triều Tiên phải có nhiều kế hoạch dự phòng khác.

Cũng trong bối cảnh căng thẳng, Triều Tiên gần đây nhắc lại sự cần thiết của việc sản xuất và phát triển vũ khí hạt nhân. Mặc dù quyết định mở lại lò phản ứng Yongbyon và tiếp tục hoạt động làm giàu uranium được bắt đầu từ năm ngoái, song cuộc họp của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên và Hội đồng Nhân dân Tối cao năm 2013 tiếp tục nhắc lại tầm quan trọng của chương trình hạt nhân là biện pháp phòng thủ. Bên cạnh mục đích phòng thủ, chương trình hạt nhân được cho là một công cụ để đàm phán. Ông Madden cho rằng cơ sở hạt nhân ở Yongbyon là “nền tảng đàm phán hữu hình” của ông Kim Jong Un.

Phan Yến
Theo NKNews

Theo Dịch
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.