Ba kịch bản về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Ba kịch bản về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ
TPO - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rơi vào trạng thái bất định chẳng khác gì một phương trình có nhiều ẩn số bởi cơ may trúng cử của cả ông Obama và Romney là ngang nhau.

> Bầu cử Tổng thống Mỹ 2012: Hai tình huống ‘khó xử’

> Toàn cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Và các nhà dự báo đã đưa ra một vài kịch bản chẳng lấy gì làm dễ chịu.

Ông Obama đi thị sát hậu quả của siêu bão Sandy.
Ông Obama đi thị sát hậu quả của siêu bão Sandy..

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống,nhưng nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng sau siêu bão Sandy. Theo cách nói hài hước có phần giễu cợt của tờ New York Times, bão Sandy đã làm nền dân chủ Mỹ trở nên “không quản lý được”. Giờ đây, tuy Sandy đã qua đi nhưng hàng triệu người Mỹ vẫn đang tất bật với việc khắc phục hậu quả thiên tai nên coi cuộc bầu cử Tổng thống là vấn đề thứ yếu. Họ không có đủ thời gian cần thiết để suy nghĩ về chuyện bầu cử.

Người thắng cử không phải người thu được nhiều phiếu hơn.

Kịch bản đầu tiên này xem ra có vẻ nghịch lý nhưng hoàn toàn hiện thực - người thắng cử có thể không phải là ứng viên thu được nhiều phiếu cử tri nhất mà là ứng viên thu được số phiếu đại cử tri nhiều nhất. Hiện nay, nguy cơ này đang đe dọa ứng viên Cộng hoà Romney bởi lẽ ứng viên Dân chủ Obama có nhiều cơ may hơn giành được 270 phiếu đại cử tri - số phiếu tối thiểu cần thiết để thắng cử trong tổng số 538 đại cử tri.

Theo số liệu của báo chí Mỹ, ông Obama hiện nay gần như đã cầm chắc được sự ủng hộ của 243 đại cử tri, chỉ cần 27 người nữa là đắc cử. Còn ông Romney mới chỉ giành được sự ủng hộ của 206 đại cử tri, còn thiếu tới 64 người nữa. Vì vậy, triển vọng xẩy ra kịch bản “người thắng cử tuy thu được ít phiếu cử tri hơn nhưng trúng cử vì thu được nhiều phiếu đại cử tri hơn” được các nhà phân tích đánh giá là từ 10 đến 15%, thậm chí từ 30 đến 35%.

Cũng theo các nhà phân tích, điều này xảy ra nếu các cử tri chống Obama tại miền nam nước Mỹ dồn phiếu cho Romney, còn số phiếu của các cử tri phe Dân chủ tuy không nhiều nhưng cũng đủ để ông Obama giành chiến thắng tại các bang chủ chốt Ohio, Iowa và Nevada.

Cả 2 ứng viên thu được số phiếu đại cử tri bằng nhau

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cả 2 ứng viên đều thu được số phiếu đại cử tri như nhau – 269 phiếu? Trong lịch sử nước Mỹ đã vài lần xẩy ra tình trạng tương tự vào các năm 1800, 1824 và 1876. Khi ấy, Hạ viện phải tổ chức bỏ phiếu để quyết định ứng viên chiến thắng.

Tuy nhiên, vấn đề không hề đơn giản như nhiều người nghĩ. Thật vậy, nếu 2 ứng viên Obama và Romney thu được số phiếu đại cử tri bằng nhau thì tiếp theo sẽ là quá trình căng thẳng kiểm phiếu lại, sẽ là những trận chiến pháp lý dai dẳng, sẽ là việc “dụ dỗ” đại cử tri chạy sang phe mình, sẽ là gây áp lực đối với Hạ viện và nhiều thủ đoạn tinh vi khác.

Không phải vô cớ mà Ban Tham mưu tranh cử của cả 2 ông Obama và Romney đều đang chuẩn bị những đội luật sư thượng thặng nhằm ứng phó với những cuộc chiến pháp lý có thể xẩy ra.

Khi ấy, cả nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng “treo” suốt 11 tuần trước lễ Nhậm chức tân Tổng thống (theo thông lệ sẽ vào ngày 20 – 1- 2013), còn người được bầu cũng sẽ bị sứt mẻ uy tín trước bàn dân thiên hạ.

Tổng thống và Phó Tổng thống thuộc 2 đảng khác nhau

Nếu việc kiểm phiếu lại không làm thay đổi tỷ lệ tương quan 269 – 269 và nếu không một đại cử tri nào đảo ngũ sang phía bên kia, theo điều tu chính thứ 12 của Hiến pháp Mỹ, việc bỏ phiếu bầu Tổng thống sẽ chuyển vào tay Hạ viện.

Tại đây, mỗi bang tương ứng với một lá phiếu. Với tương quan lực lượng hiện nay nghiêng về phía đảng Cộng hoà, Hạ viện chắc chắn sẽ bầu ứng viên Romney làm Tổng thống. Nhưng Phó Tổng thống lại do Thượng viên bầu. Với đa số thuộc về đảng Dân chủ, Thượng viện chắc chắn sẽ bầu đương kim Phó Tổng thống John Biden của đảng Dân chủ làm Phó Tổng thống.

Nếu thế, thật khó hình dung tình trạng trớ trêu trên chính trường Mỹ, khi Tổng thống và Phó Tổng thống lại thuộc về 2 đảng đối địch nhau. Hoạt động của Chính phủ Mỹ rất có thể sẽ bị rối loạn – đó là điều không một ai mong muốn.

Siêu bão Sandy đã làm đảo lộn chiến dịch tranh cử Tổng thống ở Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phân tích cho rằng Sandy đem lại cho ông Obama ít nhiều lợi thế. Có người còn cho rằng, siêu bão Sandy là “món quà của Chúa” dành cho ông Obama vì cả nước Mỹ thường xuyên thấy tận mắt ông Obama đang nỗ lực hết mình để giúp đỡ các nạn nhân và ngăn chặn những hậu quả ghê gớm do cơn bão gây nên.

Vũ Việt
Theo Mk.ru và Gazeta.ru

Theo Dịch
MỚI - NÓNG