Bước đi phi pháp để hiện thực hóa 'thành phố Tam Sa'

Bước đi phi pháp để hiện thực hóa 'thành phố Tam Sa'
TP - Không dừng lại ở việc tuyên bố ngày 21-6, Trung Quốc còn ráo riết tiến hành các bước đi nhằm hiện thực hóa cái gọi là "thành phố Tam Sa" thuộc tỉnh Hải Nam, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và bãi Macclesfield (mà họ gọi là Trung Sa).

> Mưu đồ được tính toán trước của Trung Quốc

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

Đầu tiên, họ đưa Tiêu Hữu Phát, một nhân viên đánh giá tài nguyên ở tận tỉnh Hồ Bắc trong nội địa ra làm thị trưởng cái gọi là thành phố Tam Sa này.

Một bước đi tiếp theo đang được ráo riết thực hiện là: thành lập cái gọi là Đại hội đại biểu nhân dân thành phố Tam Sa (cơ cấu tương tự Hội đồng nhân dân ở Việt Nam).

Theo Tân Hoa xã và các trang mạng điện tử của Trung Quốc, hôm 11-7, Hội nghị lần thứ 40 Đại hội đại biểu nhân dân (ĐBND) tỉnh Hải Nam khóa 4 quyết định triệu tập kỳ họp toàn thể vào hai ngày 16 và 17-7 để xem xét thông qua Dự thảo quyết định thành lập Tổ trù bị Đại hội ĐBND thành phố Tam Sa khóa 1 - bước đi đầu tiên để lập nên cơ cấu chính quyền cho cái gọi là thành phố Tam Sa mới được họ nặn ra, nhằm hợp thức hóa việc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và âm mưu chiếm đóng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Để thực hiện ý đồ này, ngay ngày 21-6, sau khi tuyên bố thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, Trung Quốc thông báo chọn đảo Phú Lâm (họ đặt tên là Vĩnh Hưng) làm thủ phủ.

Báo chí Trung Quốc rêu rao thành phố Tam Sa chỉ có diện tích 13 km2 đất nổi, nhưng có tới hơn 2,6 triệu km2 diện tích biển, tương đương 1/4 diện tích đất liền của Trung Quốc; rằng “một phần các đảo, bãi đá hoặc vùng biển đang bị các quốc gia xung quanh xâm chiếm, khai thác trái phép, thường xuyên xuất hiện các sự kiện khiêu khích”, rằng “nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, biên giới biển của thành phố Tam Sa vừa nhạy cảm vừa gian nan”.

Lý Khắc Cường, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu sử địa biên cương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, lớn tiếng: Giống như các thành phố khác trong nội địa, thành phố Tam Sa cũng có hệ thống đảng, chính quyền hoàn chỉnh.

Trước mắt, một tổ chức gọi là Ủy ban thôn ngư dân sẽ được lập ra, sau đó chế độ hộ tịch sẽ được thực hiện và tiếp theo đó sẽ thực hiện kế hoạch di dân ra thành phố Tam Sa với một chính sách ưu đãi.

Báo chí Trung Quốc hiện ra sức quảng cáo cho cái gọi là thành phố Tam Sa, khoe rằng, trên đảo Phú Lâm đã có đủ cơ quan như ngân hàng, khách sạn, bệnh viện, bưu điện, đài khí tượng, một siêu thị đầy ắp hàng hóa giá rẻ hơn các khu du lịch khác, có sân bay được xây dựng năm 1991 có thể đón nhận máy bay Boeing 737.

Hiện nay trên đảo này có gần 1.000 người sinh sống, bao gồm binh lính và ngư dân. Vấn đề lớn nhất trên đảo hiện nay là nước ngọt. Một đơn vị quân đội gọi là bộ đội nước mưa được thành lập chuyên thu gom và làm sạch nước mưa.

Việc bổ nhiệm thị trưởng, dự định tổ chức Đại hội ĐBND cũng như lập chính quyền cấp thôn rõ ràng là một trò làm lấy được, nhằm thực hiện mưu đồ hợp thức hóa việc xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc ngang ngược đánh bắt cá tại Trường Sa

Một ngày sau khi tới quần đảo Trường Sa bất chấp sự phản đối của Việt Nam, đội tàu gồm 30 tàu đánh cá đến từ tỉnh Hải Nam của Trung Quốc ngang nhiên lên kế hoạch bắt đầu hoạt động đánh bắt cá tại khu vực gần bãi đá Chữ Thập của Việt Nam từ đêm 16-7.

Đội tàu, nằm trong đợt triển khai tàu đánh bắt cá rầm rộ chưa từng thấy của tỉnh Hải Nam, tìm cách đánh bắt cá từ tối 15-7 ngay sau khi tới ngư trường này vào khoảng 5 giờ chiều cùng ngày, song kế hoạch không thực hiện được vì mưa lớn.

Theo tin của Tân Hoa Xã, đội tàu trên, trong đó có một tàu hậu cần 3.000 tấn, dự kiến đánh bắt 5-10 ngày gần bãi đá Chữ Thập. Một tàu tuần tra ngư nghiệp Trung Quốc mang tên Ngư chính 310 cũng đã tới khu vực này để làm nhiệm vụ bảo vệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.